Theo kết quả nghiên cứu khoa học công bố ngày 16/2 trên AFP, những loài động vật có vú sở hữu khối não to có xu hướng thông minh hơn nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng lớn hơn.
Bắt đầu từ những nghi vấn về mối liên hệ giữa kích cỡ não bộ và nguy cơ tuyệt chủng, giáo sư Eric Abelson đến từ Đại học Stanford (California, Mỹ) đã tiến hành cuộc nghiên cứu để chứng minh giả thuyết này.
Ông Abelson bắt đầu với việc kiểm tra các mẫu vật trưng bày trong các viện bảo tàng của hơn 1.650 động vật thuộc 160 loài khác nhau từ châu Mỹ (không bao gồm các loài dưới nước).
Giáo sư Abelson đo kích cỡ hộp sọ và kích cỡ cơ thể của các loài từ những loài nhỏ nhất như loài gặm nhấm tới những loài có kích cỡ lớn như bò rừng Bắc Mỹ. Sau đó ông đối chiếu tình trạng của những loài này theo phân loại "sách đỏ" về các động vật nguy cấp trên toàn cầu của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Để tăng độ chính xác, ông cũng đối chiếu với một cơ sở dữ liệu khác về tình trạng của hơn 600 loài động vật có vú trên toàn cầu.
Kết quả đối chiếu cho thấy những động vật có bộ não lớn đã phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng lớn hơn. Điển hình cho kết quả này là loài giống như chim cu lười và khủng long.
Ở châu Mỹ, mối liên hệ này đặc biệt rõ ràng đối với những động vật có vú sở hữu bộ não to cùng với kích thước cơ thể lớn. Nhiều loài động vật ở Bắc Mỹ đã trải qua giai đoạn trong đó số lượng những động vật kích thước lớn giảm sút đáng kể. Những loài này đã tuyệt chủng hoặc đang được bảo tồn với số lượng cực hạn chế.
Nghiên cứu trên được công bố trong thời điểm các nhà khoa học tin rằng Trái Đất đang bước vào "giai đoạn tuyệt chủng hàng loạt mới" do những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu gây ra bởi các hoạt động của loài người.
Giáo sư Abelson cho rằng những nghiên cứu sâu hơn về mối liên hệ giữa kích thước cơ thể và bộ não và nguy cơ tuyệt chủng sẽ các nhà khoa học có thêm công cụ mới dự đoán tương lai của các loài động vật trên thế giới.
T.V