Tro đốt từ rơm, rạ đã giúp cho cả làng Trà Thôn (xã Long Điền B, An Giang) thoát nghèo, có nhà sắm được xe, xây nhà lầu khang trang.
Nghề độc nhất vô nhị
Chợ tro làng Trà Thôn từ lâu đã nổi tiếng là nơi cung cấp tro số lượng lớn cho các chủ vườn, chủ trang trại xung quanh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chợ được hình thành từ giữa thập niên 70 của thế kỉ trước và phát triển đến tận bây giờ.
|
Chợ tro độc nhất vô nhị |
Ban đầu, khi có chủ trang trại thu mua tro nhiều người còn không tin, thế nhưng chỉ sau khi một người dân ở làng bán đi thì cả làng rục rịch làm theo. Các chủ trag trại ở khu vưc xung quanh cũng bắt đầu” lần mò” đến đây mua tro và chợ tro được hình thành từ đó.
Mỗi một ngày làng Trà Thôn đưa đi tiêu thụ khoảng gần 100 tấn tro. Giá tro hiện dao động từ 80.000 -90.000 đồng/giạ (một giạ tro nặng hơn 10 kg), tùy theo tro đẹp hay xấu. Mỗi loại tro lại có một giá bán khác nhau tùy từng loại như tro trấu mua từ các lò gạch, các nhà máy xay xát lúa gạo; tro rơm mua từ rơm bà con đốt sau thu hoạch… Bình quân một ghe chở từ 1.200 đến trên 2.000 giạ tro, người bán kiếm lời một vài triệu đồng. Nếu xoay vòng được nhiều chuyến thì nguồn thu nhập nâng lên, lợi nhuận trung bình từ 3 - 5 triệu đồng/tháng
Có những lúc nhu cầu mua tăng mạnh, người dân ở đây phải đến tận Trà Vinh, Vĩnh Long để thu mua. Những người đàn ông có sức khỏe lực điền thì rong ruổi đi thu mua rơm, những người phụ nữ thì tiến hành đốt rơm và phun nước để tro không bị gió thổi bay.
Sắm xe, xây nhà nhờ tro đốt
Vào mùa lũ, tro bán ra tuy giá thấp nhưng các thương lái có lời nhiều hơn. Bởi, giá rơm mua vào để đốt lấy tro rất rẻ. Đặc biệt từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, các chủ vựa thường vận chuyển tro lên các tỉnh miền Đông Nam bộ như Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… bán cho các nhà vườn làm phân bón trồng cây kiểng, hoa màu. Mỗi chuyến ghe chở từ 10.000 - 20.000 giạ trở lên, thu lãi cả chục triệu đồng.
|
Xây nhà, sắm xe từ bán tro |
Cũng nhờ đốt tro, nhiều người dân ở làng đã xây được nhà lầu, sắm được xe hơi, xe máy phục vụ cuộc sống cũng như giải quyết được vấn đề việc làm ngay tại trên quê hương của mình.
Trên Báo Nhân dân, dẫn lời ông Hai Bê (Lê Văn Hai, 82 tuổi) một người buôn tro lâu năm cho biết: "Nói thiệt, lúc đó, tụi tui mua tro rẻ như bèo. Mua một bán giá đến chục lần. Tro trấu thời đó nhiều lắm, có ai bán đâu, có khi người ta cho mình hốt để khỏi bụi bặm bay vô nhà. Mỗi chuyến hàng tro thời đó về lãi mua được vài cây vàng là chuyện nhỏ. Tui nè, đi gốm sứ đâu tám, chín năm mà có cất được cái nhà đâu. Vậy mà nhờ tro thôi chỉ bốn năm đã sắm thêm ba chiếc ghe năm mươi tấn cho ba đứa con, cất cái nhà, sắm thêm cái kho hơn trăm tấn trữ tro. Ðời tui cũng nhờ tro mà đã thay đổi cuộc sống”.
Các chủ vườn cây ăn trái ở miệt Sa Đéc, Cái Mơn... khi thiếu tro cũng tìm đến “thương cảng tro Trà Thôn” để mua đem về bón cho vườn cây, hoa kiểng khiến cho công việc buôn bán ở nơi đây ngày càng tấp nập lập hơn. Nhờ vậy cuộc sống của những người dân ở làng Trà Thôn ngày càng sung túc và khấm khá hơn theo những vựa tro xuôi ngược.
Nhân Văn (Tổng hợp)