Không chỉ là giấy tiền, nhiều người còn chọn những mô hình rất “hoành tráng” như nhà lầu, xe hơi, ngân hàng… để đốt trong những dịp cúng bái, cầu an, cầu may tốn kém hàng trăm triệu đồng.
Đốt vàng mã đã trở thành thói quen của nhiều người trong những dịp giỗ hoặc các dịp lễ như Rằm tháng Bảy, Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng),… với quan niệm người ở đã chết sử dụng ở cõi âm.
Những năm gần đây, trong đời sống tín ngưỡng của người dân, tục đốt vàng, mã đang có xu hướng phát triển và ngày càng vượt ra khỏi giới hạn của tín ngưỡng truyền thống, tiến đến sự thái quá không đáng có, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Không chỉ là giấy tiền, nhiều người còn chọn những mô hình rất “hoành tráng” như nhà lầu, xe hơi, ngân hàng, máy ATM, máy lạnh, điện thoại di động, ngân phiếu, đô- la… để đốt trong những dịp cúng bái, cầu an, cầu may.
Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, sư thầy Thích Phước Niệm, giám tự, ủy viên Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, kể mình đã từng chứng kiến một gia đình mua giấy tiền vàng mã đến hơn 100 triệu đồng với đủ loại hình ảnh, mô hình.
“Giấy tiền vàng mã thuộc về văn hóa dân gian Trung Hoa. Nếu có thể thì nên đốt ít lại, không đốt thì càng tốt” - thầy Thích Phước Niệm nói.
Theo TS Nguyễn Ngọc Thơ - phó trưởng khoa văn hóa học ĐH Khoa họcxã hội và nhân văn TP.HCM, người dân sử dụng giấy tiền vàng mã như một kênh để chuyển tải đức tin, lòng thành kính và chữ hiếu của mình đối với ông bà, cha mẹ và những người đã khuất.
TS Nguyễn Ngọc Thơ cũng khuyến cáo rằng dù có ý nghĩa về mặt tâm linh và sự thiêng liêng nhưng cũng nên “đốt ít thôi vì lợi bất cập hại”. TS Nguyễn Ngọc Thơ nói.
Việc sử dụng vàng mã với những hình thức như xe hơi, nhà lầu, máy ATM…, theo TS Nguyễn Ngọc Thơ đó là sự biến tướng và là những biểu hiện của chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa vật chất.
“Khi cuộc sống biến đổi, nhiều người nghĩ rằng kiếp sống này mình được hưởng thụ cái gì thì kiếp sống khác cũng như vậy. Thậm chí có người còn đốt luôn cả mô hình một ngân hàng, thẻ ATM… Không biết sau này họ còn đốt thêm cái gì nữa” - TS Nguyễn Ngọc Thơ bày tỏ.
Mới đây, viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Viện VHNTQG VN) đã được Bộ VHTTDL giao xây dựng đề án hạn chế đốt vàng, mã.
Tuy nhiên, trên báo Tiền phong, ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh cho rằng, theo Viện VHNTVN thì đốt vàng mã du nhập từ Trung Quốc có lộ trình, nên chắc muốn nó giảm cũng cần lộ trình nhất định. Không riêng Bắc Ninh, nhiều nơi khác thấy khó vì không có văn bản nào cấm đốt vàng mã. Đến xử phạt đốt vàng mã cũng gần như vô hiệu, bởi quy định chỉ cho phạt khi đốt không đúng nơi quy định. Đền nào, phủ nào cũng có một vài lò hóa sớ cỡ lớn, lẽ nào dân đem đốt giữa sân?
Tiền, vàng được người dân hóa tại lò hóa đền Bà Chúa Kho. Ảnh: Dân Việt
Là người chịu trách nhiệm xây dựng đề án, bà Từ Thị Loan – Viện trưởng cho biết trên tờ Dân Việt, cần tìm hiểu những căn nguyên, cội rễ văn hóa, tâm linh để có những biện pháp giải pháp hạn chế việc đốt vàng mã tại các di tích, nhất là vào mùa lễ hội một cách hiệu quả, chứ không thể cấm đoán hay có những biện pháp xử lý cứng nhắc hiện tượng đó được.
“Tôi nghĩ cấm chắc chắn là không cấm được, hạn chế thì hạn chế kiểu gì đây? Viện chúng tôi dự định tổ chức một tọa đàm giữa nhà nghiên cứu, người trông coi ban quản lý di tích để họ tư vấn mà chấn chỉnh” - bà Loan cho hay.
ThS xã hội học Phạm Thị Thúy chia sẻ trên tờ Tuổi trẻ, trước đây mình cũng từng đốt giấy tiền vàng mã, nhưng từ khi hiểu được ý nghĩa thật sự của việc này thì không đốt nữa.
“Từ góc độ xã hội, tôi nghĩ cần có biện pháp để hạn chế việc đốt giấy tiền vàng mã bởi việc này lãng phí tiền bạc, làm ô nhiễm môi trường, đôi khi còn mất mỹ quan đô thị” - ThS Phạm Thị Thúy nói.
Mai Nguyên