Tin mới

Dự án sân bay Long Thành: "Cứ đi vay rồi con cháu trả nợ không nổi"

Thứ ba, 14/10/2014, 19:57 (GMT+7)

Hội đồng Khoa học công nghệ Bộ GTVT khẳng định Cảng hàng không quốc tế Long Thành không chỉ  là cú “lật cánh” ngoạn mục để hàng không VN phát triển mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung. Tuy nhiên, một số ý kiến trái chiều lại cho rằng, xây dựng sân bay Long Thành là lãng phí và đặt ra câu hỏi “vay vốn làm thì dễ nhưng liệu con cháu có trả được không?>>Vì sao chọn Sân bay Long Thành, không mở rộng Tân Sơn Nhất?>>Năm 2015, sẽ khởi công sân bay Long Thành

 

Hội đồng Khoa học công nghệ Bộ GTVT khẳng định Cảng hàng không quốc tế Long Thành không chỉ  là cú “lật cánh” ngoạn mục để hàng không VN phát triển mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung. Tuy nhiên, một số ý kiến trái chiều lại cho rằng, xây dựng sân bay Long Thành là lãng phí và đặt ra câu hỏi “vay vốn làm thì dễ nhưng liệu con cháu có trả được không?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa giao Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải báo cáo Bộ Chính trị xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành. Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến được đầu tư xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với diện tích giải phóng mặt bằng là 5.000 ha. Khái toán tổng mức đầu tư toàn bộ giai đoạn 1 khoảng 7,837 tỉ USD. 

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều băn khoăn, lo ngại về tính khả thi của dự án, nhất là việc huy động vốn, vay vốn để xây dựng sân bay Long Thành

"Cứ đi vay rồi con cháu trả nợ không nổi"

Giữa tháng 7/2013, với quan điểm "Việt Nam còn nghèo, đầu tư một khoản tiền lớn gần 8 tỷ USD để xây sân bay Long Thành như dự toán là không cần thiết", cựu phi công Mai Trọng Tuấn và ông Lê Trọng Sành (nguyên Trưởng phòng quản lý sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM) đã gửi thư đến Thủ tướng kiến nghị không nên xây sân bay quốc tế Long Thành. Đây được coi là hai ý kiến mở màn cuộc tranh luận “nảy lửa” về vấn đề này.

"Nếu dốc sức, cố xây dựng cho bằng được sân bay Long Thành, ta sẽ đánh mất một 'hội điểm vàng' cả về 'thiên thời, địa lợi, một thương hiệu quý, có giá trị lịch sử' không chỉ của nước ta, mà còn đối với khu vực và thế giới, đó là sân bay Tân Sơn Nhất", văn bản kiến nghị cho biết.

Một lý do nữa được hai ông nêu ra là, 20 năm qua, TP HCM đã mở rộng, chuyển dịch về phía Nam và phía Đông. Như vậy, mặc nhiên sân bay Tân Sơn Nhất sẽ ở bìa ngoài phía Bắc của thành phố nên việc mở rộng sân bay không làm ảnh hưởng đến khu vực trung tâm thành phố như nhiều người lo ngại.

Tiếp đó, tại buổi gặp gỡ của nhóm cán bộ hưu trí ngành hàng không tại TP HCM về vấn đề sân bay Long Thành, ngày 21/8/2013, ông Lê Trọng Sành lại nhắc lại quan điểm của mình. Ông cho rằng, việc xây dựng sân bay Long Thành lúc này là xa rời thực tiễn.

 Dự án sân bay Long Thành: Tranh luận “nảy lửa” giữa vốn và tầm chiến lược

Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

"Trong báo cáo của Bộ Giao thông vận tải gửi Thủ tướng vừa qua thể hiện rõ xu hướng theo suy nghĩ muốn làm sân bay lớn, hoành tráng nhất Đông Nam Á. Suy nghĩ  ấy đã thoát ly hẳn khỏi thực tiễn đất nước hiện nay khi kinh tế đang rất khó khăn, nợ nần chồng chất. Bây giờ vay gần 8 tỷ USD làm sân bay Long Thành không biết bao giờ mới trả nợ hết", ông Sành nêu quan điểm.

Trước chia sẻ của Cục hàng không dân dụng rằng nếu làm sân bay này sẽ vay tiền vốn ODA, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Khoa Kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa TP HCM cũng cho rằng, cần phải rút kinh nghiệm việc vay vốn ODA từ các dự án khác trước đây vì thấy vay dễ dàng nên nhà đầu tư Việt Nam cứ vay. Nhưng vay xong rồi vẫn phải trả mà lại đầu tư vào dự án không hiệu quả rồi không có khả năng trả nợ.

“Cho nên tôi rất lo ngại. Chúng ta cứ đi vay rồi con cháu trả nợ không nổi”, ông Tống nhấn mạnh trong bài phỏng vấn trên báo Đất Việt.

Cũng theo ông Tống, tin vào dự báo, chấp nhận số liệu của Cục Hàng không dân dụng là một sự tin tưởng mù quáng. Với chuỗi số liệu cụ thể, ông Tống cho rằng lập luận Tân Sơn Nhất chỉ đón khách 25 triệu là không đúng. Bên cạnh đó, kết quả dự báo năm 2015, số lượng hành khách sẽ là 18.827.000 và số lượng hàng hóa 458.005 tấn là một sự “cố tình phóng đại số liệu để xây sân bay Long Thành”.

 “Không riêng gì với dự án sân bay Long Thành này mà bên giao thông vận tải làm rất nhiều công trình cảng biển. Những dự án đó khi làm cũng đưa ra dự kiến bao nhiêu là tàu, hàng hóa đến nhưng hiện nay vẫn bỏ trống. Cảng hàng không cũng vậy, đầu tư nhiều nhưng máy bay đến rất ít. Do vậy rất lãng phí.

Cho nên người ta nghi vấn những người đưa ra những dự án như vậy một là không nhìn thấy tương lai, hai là vì những lợi ích khó giải thích được. Nếu như đó là bỏ tiền túi của ai đó thì tôi tin không ai dại gì mà bỏ tiền vào một chỗ không chắc chắn. Còn những dự báo thì lại không có cơ sở khoa học chắc chắn”, PGS Tống thẳng thắn.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cũng cho rằng, xét ở góc độ tài chính thì dự án sân bay Long Thành không khả thi.

“Nếu như đây là một dự án tư nhân thuần túy thì tôi xin khẳng định chắc chắn là dự án không hiệu quả về mặt tài chính và không có khả năng hoàn vốn.Việc không hiệu quả về mặt tài chính thể hiện rất rõ. Dự án này doanh thu sẽ có được từ các loại phí (vé hành khách, dịch vụ sân bay, cho thuê bến bãi kinh doanh thương mại…). Trong khi đó chi phí của dự án gồm chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành sân bay. Như vậy những mức phí sẽ không đủ để hoàn vốn”, ông Thành phân tích.

Dự án sân bay Long Thành: Tranh luận “nảy lửa” giữa vốn và tầm chiến lược

Mỗi ngày có 500 lượt máy bay cất, hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Báo GTVT

Chia sẻ quan điểm TP HCM cần có một sân bay quốc tế tầm cỡ nhưng Nguyên chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không trường Đại học Bách Khoa TP HCM - Nguyễn Thiện Tống cũng cho rằng việc bỏ hàng tỷ USD vốn xây dựng dự án tại Long Thành ở thời điểm này là chưa phù hợp và nên xem xét trong khoảng 20 - 40 năm tới.

"Cần đưa ra các tranh luận, nghiên cứu, xem xét thêm, thậm chí tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến. Bên cạnh Long Thành, Việt Nam còn nhiều sân bay quốc tế khác, vậy nhu cầu hành khách quốc tế có thực sự quá tải. Ngoài ra khả năng cạnh tranh khi xây xong trạm trung chuyển này với các nước khác trong khu vực như Singapore hay Malaysia", ông Tống phân tích.

Vì thế, ông Tống cho rằng, ở thời điểm hiện tại nên tiến hành mở rộng nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất vì thực tế với 2 đường băng hiện tại, sân bay hiện hữu vẫn đủ khả năng đáp ứng. 

“Sân bay Long Thành sẽ là cú “lật cánh”ngoạn mục để hàng không VN phát triển” 

Phản biện lại những ý kiến trái chiều, nhiều chuyên gia kinh tế, GTVT lại cho rằng, việc xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết, triển khai chậm trễ là thiệt thòi cho ngành hàng không Việt Nam nói riêng và việc xây dựng, phát triển kinh tế nói chung.

GS. Lã Ngọc Khuê, Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ Bộ GTVT khẳng định, dự án CHK quốc tế Long Thành không chỉ là câu chuyện của TCT Cảng Hàng không VN mà là câu chuyện của phát triển đất nước. 

CHK quốc tế Long Thành chắc chắn sẽ là cú “lật cánh” ngoạn mục để hàng không VN phát triển. 

Cũng theo GS Khuê, với Long Thành, vấn đề quan trọng hiện nay không phải là lấy tiền đâu ra để đầu tư mà là dự án có xứng đáng để ưu tiên đầu tư hay không? Không nên cào bằng các dự án với nhau. Phải xem đâu là dự án mang tầm chiến lược và nếu đó đúng là dự án cần thiết, chiến lược, hãy quan tâm tới dự án ở khía cạnh cần tháo gỡ như thế nào chứ không chỉ là vốn ở đâu? 

“Nếu ta gọi đầu tư vào đường sắt, tàu điện ngầm đô thị còn khó, chứ gọi đầu tư nước ngoài vào Long Thành, rất nhiều đối tác nước ngoài sẽ quan tâm. Tại sao người ta muốn đầu tư, vì có khả năng thu hồi vốn, vì hấp dẫn. Theo tôi, quan trọng là điều kiện của ta thế nào với các nhà đầu tư mà thôi”, GS. Khuê nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm, ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cũng cho rằng, nhu cầu đầu tư xây dựng sân bay Long Thành là đòi hỏi bức xúc từ giao thông vận tải ở khu vực miền Nam cũng như toàn quốc.

"Sự chậm trễ này là thiệt thòi cho ngành hàng không Việt Nam nói riêng và việc xây dựng, phát triển kinh tế nói chung", chuyên gia nay nhận định.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa khẳng định, cơ sở chính trị để đầu tư dự án là phù hợp, cơ sở pháp lý cũng rất rõ ràng. Vị trí lựa chọn tại Long Thành rất phù hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. 

Với những hiểu biết, kinh nghiệm trong những năm làm phi công chiến đấu, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 370, Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng, Bộ Quốc phòng cho rằng, việc mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là không thể.

“Sân bay không chỉ đơn thuần là các công trình mặt đất mà còn là không gian bảo đảm an toàn bay. Vấn đề quỹ đất sử dụng và việc giải tỏa dân cư để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là chuyện không thể. Trong khi đó, cách TPHCM 50km, Biên Hòa là sân bay duy nhất phục vụ quân sự có thể đưa máy bay xuất kích bảo vệ TPHCM khi có tình huống chiến đấu. Vì vậy khả năng cải tạo/mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất và căn cứ quân sự Biên Hòa để đạt công suất như mục tiêu của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là khó khả thi”, Trung tướng Tuấn nhấn mạnh.

Trung tướng Tuấn khẳng định, về nguyên tắc, Cảng hàng không càng rộng càng tốt. Trong bối cảnh lượng hành khách thông qua Cảng ngày càng tăng cao thì việc mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là không khả thi, còn Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đảm nhiệm vai trò trung chuyển quốc tế với công suất 100 triệu lượt hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa qua cảng mỗi năm là rất tối ưu. Trung tướng Tuấn đề nghị thông qua Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Dự án cảng Hàng Không quốc tế Long Thành được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2005, nằm trên diện tích khoảng 25.000 hecta thuộc địa bàn 6 xã tỉnh Đồng Nai. Theo quy hoạch, quá trình xây dựng sẽ chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2014 - 2020), Long Thành sẽ có công suất 25 triệu khách mỗi năm với 2 đường cất hạ cánh. Giai đoạn 2 (2020 - 2030) sẽ có công suất 50 triệu hành khách và giai đoạn 3 (sau năm 2030) sẽ lên 100 triệu hành khách mỗi năm với 4 đường bay.

Theo chủ đầu tư, so sánh dự án cảng Hàng Không quốc tế Long Thành với phương án mở rộng Tân Sơn Nhất (dự báo sẽ quá tải sau năm 2020) hoặc căn cứ không quân Biên Hoà, chi phí cho Long Thành chỉ khoảng 7,8 tỷ USD (bao gồm cả chi phí thu hồi đất). Trong khi đó, việc mở rộng Tân Sơn Nhất cần hơn 9,1 tỷ USD và Biên Hòa cần 7,5 tỷ USD, nhưng nơi này lại bị nhiễm độc dioxin.

Theo H.Minh/Người Đưa Tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news