Tin mới

Dự án Trung Quốc trên đèo Hải Vân: Một bước đi cực kỳ nguy hiểm

Thứ sáu, 21/11/2014, 14:56 (GMT+7)

“Khu vực đèo Hải Vân là một địa bàn chiến lược được xếp vào loại đặc biệt quan trọng. Vị trí cực kỳ quan trọng của đèo Hải Vân không chỉ dừng lại ở chỗ người ta có thể dùng nó uy hiếp cảng Đà Nẵng, mà nó còn rất quan trọng với quân khu V hay quân khu IV. Đặc biệt, nó còn liên quan đến sự thống nhất về lãnh hải, lãnh thổ đối với cả đất nước Việt Nam”.

 

 

“Khu vực đèo Hải Vân là một địa bàn chiến lược được xếp vào loại đặc biệt quan trọng. Vị trí cực kỳ quan trọng của đèo Hải Vân không chỉ dừng lại ở chỗ người ta có thể dùng nó uy hiếp cảng Đà Nẵng, mà nó còn rất quan trọng với quân khu V hay quân khu IV. Đặc biệt, nó còn liên quan đến sự thống nhất về lãnh hải, lãnh thổ đối với cả đất nước Việt Nam”.

“Đừng vì lợi ích kinh tế mà bất chấp”

Đó là những quan điểm của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu IV khi nói về dự án "Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Lăng Cô-Việt Nam" nằm trong khu vực Cửa Khẻm, nơi được coi là mũi vươn ra biển xa nhất của đèo Hải Vân. Chủ dự án là Công ty Cổ phần Thế Diệu (Hồng Kông, Trung Quốc).

Theo tướng Thước, khu vực đèo Hải Vân là vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Nguyên Tư lệnh Quân khu IV nhấn mạnh, việc đưa doanh nghiệp nước ngoài vào đó thì sẽ tiềm tàng nhiều mối họa nghiêm trọng, là một bước đi cực kỳ nguy hiểm.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (ảnh trái) và Trung tướng Phạm Xuân Thệ (ảnh phải) đều phản đối dự án này.

 

Theo quan điểm của mình, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng: “Ở vị trí chiến lược thì kinh tế phải gắn với quốc phòng. Nếu kinh tế mà làm ảnh hưởng đến quốc phòng thì đó là kinh tế thất bại. Đặc biệt, nếu vì lợi ích kinh tế trước mắt mà không tính đến những ảnh hưởng về An ninh quốc phòng thì đó là điều rất nguy hiểm".

 

Cùng quan điểm Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Nguyên Tư lệnh quân khu I nhấn mạnh về tầm quan trọng chiến lược của đèo Hải Vân: “Đèo Hải Vân là cầu nối chiến lược giữa Nam Thừa Thiên Huế và Bắc Đà Nẵng. Đặc biệt trong vị trí này lại nằm ở nơi nhô ra biển, ảnh hưởng nhiều đến cửa biển Đà Nẵng, cửa biển Thuận An, nên tỉnh Thừa Thiên Huế cần phải xem xét kỹ. Tôi không phản đối mục đích kinh tế, nhưng để doanh nghiệp nước ngoài vào đây là không được. Ngay khi nghe thông tin này tôi đã thấy không ổn rồi. Chúng ta không thể vì kinh tế mà bất chấp những vấn đề sau này”.

Quan ngại về dự án "Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Lăng Cô-Việt Nam" do người nước ngoài đầu tư, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đề xuất: “nếu tỉnh Thừa Thiên- Huế đã cấp phép rồi thì phải dứt khoát hủy bỏ”.

Video: Chiêm ngưỡng vẻ đẹp đèo Hải Vân

 

 

Quân khu 5 không ủng hộ dự án

Trả lời trên VOV ngày (20/11), Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư Lệnh Quân khu 5  cho biết, đây là khu vực đất địa hình loại 2, quản lý trong thời bình. Đất loại này được giao cho địa phương quản lý đất đai và giao cho dân sản xuất bình thường, có thể liên kết với doanh nghiệp và tổ chức cá nhân trong nước để thực hiện phát triển kinh tế-xã hội nhưng không được liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài, kể cả Việt kiều. Trong khi đó, vốn đầu tư của Công ty cổ phần Thế Diệu là của người Trung Quốc.

Vị trí dự án đang xây dựng thuộc vị trí chiến lược quân sự.

Quân khu 5 đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng, đề nghị  Bộ Quốc phòng dừng dự án này: “Khi nghe tin Dự án này triển khai, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cũng đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng phối hợp nghiên cứu báo cáo với Bộ Tư lệnh để Bộ Tư lệnh báo cáo với Bộ Quốc phòng để chỉ đạo cho tốt. Sau khi nhận được báo cáo, chúng tôi cũng đã cử đoàn công tác xuống làm việc với UBND thành phố và các Sở, ban ngành có liên quan thì thấy rằng Dự án này đã được triển khai nhưng chúng tôi cũng chưa được có ý kiến thẩm định hoặc trao đổi với Quân khu 4. Trên địa hình bố trí khu vực phòng thủ giữa tỉnh Thừa Thiên- Huế và thành phố Đà Nẵng phải có liên hoàn, liên kết với nhau, thế phòng thủ phải phối hợp lẫn nhau trên một khu vực nhất định, đặc biệt khu vực Vịnh Đà Nẵng có vị trí rất quan trọng". 

Dự án này nằm trong khu vực chồng lấn giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế nên Quân khu 5 không tham gia thẩm định dự án này.

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế đã thẩm định các thủ tục trước khi cấp phép cho dự án này: Tất cả các cơ quan đã có thẩm tra, có ý kiến là đều có thể cấp phép đầu tư cho dự án. BQL Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô cũng đã cấp giấy phép cho nhà đầu tư đúng thủ tục trình tự theo quy định.

Ngày 24/10/2013, BQL Khu Kinh tế Chân Mây Lăng Cô đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Lăng Cô-Việt Nam nằm trong khu vực Cửa Khẻm, nơi được coi là mũi vươn ra biển xa nhất của đèo Hải Vân. Chủ dự án là Công ty Cổ phần Thế Diệu (Hồng Kông, Trung Quốc). 

Dự án ‘Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Lăng Cô – Việt Nam’ bao gồm một khu nghỉ mát năm sao 450 phòng, một khu căn hộ nghỉ dưỡng gồm 220 căn hộ cao cấp, 350 biệt thự và một trung tâm hội nghị quốc tế với sức chứa 2.000 chỗ, theo giấy phép đầu tư dự án do báo chí trong nước dẫn lại.

Tổng mức đầu tư là 250 triệu đôla Mỹ và dự kiến đến năm 2013 thì hoàn tất.

Nhà đầu tư của dự án này là Công ty cổ phần Thế Diệu (tên Tiếng Anh là World Shine Joint-Stock Company) có trụ sở tại British Virgin Islands, nhưng được cho là có đầu tư chính từ Trung Quốc.

Đức Thuận

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news