Tin mới

Dự kiến dỡ bỏ “lệnh cấm” thi vào lớp 6: Điều này thể hiện sự lúng túng của Bộ GD&ĐT

Thứ sáu, 22/12/2017, 09:31 (GMT+7)

Sau 3 năm cấm mọi hình thức thi tuyển vào lớp 6, Bộ GD &ĐT có thể cho phép các trường xây dựng phương án kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh vào lớp 6 trong thời gian tới, thay vì chỉ được xét tuyển như hiện nay. Việc này theo đánh giá của các chuyên gia là Bộ đang cải tiến thành… cải lùi!

Sau 3 năm cấm mọi hình thức thi tuyển vào lớp 6, Bộ GD &ĐT có thể cho phép các trường xây dựng phương án kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh vào lớp 6 trong thời gian tới, thay vì chỉ được xét tuyển như hiện nay. Việc này theo đánh giá của các chuyên gia là Bộ đang cải tiến thành… cải lùi!

Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT. Theo đó, ngoài phương thức xét tuyển, các cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GDĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.

Quy định này dự định thay thế quy định trước đó, trong Chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học năm 2014, Bộ GDĐT quy định các trường không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6 dưới mọi hình thức.

Theo ghi nhận ý kiến của các thầy cô giáo ở cả bậc tiểu học và THCS, nếu quy định này được thông qua, sẽ tác động không nhỏ đến việc dạy và học cũng như tuyển sinh của các trường.

Trao đổi với báo Người Đưa Tin, GS.TS Phạm Ngọc Trung, học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, điều này thể hiện sự lúng túng của Bộ GD&ĐT.

“Nhiều vấn đề trong xã hội có thể thay đổi nhanh chóng nhưng các Chính sách về giáo dục phải ổn định, không thể nay đổi, mai thay liên tục như vậy. Đặc biệt sự thay đổi là phải trên cơ sở khoa học chuyên môn”, GS Trung nêu vấn đề.

Ông Trung dẫn chứng câu chuyện của năm 2015: “Năm 2015 Bộ GD&ĐT “cấm” các trường thi tuyển đầu vào lớp 6 cũng không dựa trên căn cứ cụ thể nào. Khi cấm, Bộ GD&ĐT có nhấn mạnh là để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, chúng ta nhìn xung quanh vẫn thấy dạy thêm, học thêm nhiều.

Ngay trong các trường, họ cũng tổ chức dạy thêm, học thêm chỉ có điều truyền thông ít đề cập đến thôi. Tôi thấy chẳng có gì thay đổi cả. Và sau 2 năm cấm, giờ Bộ lại dự kiến bỏ “lệnh cấm”. Tôi cũng chưa rõ, Bộ bỏ “lệnh cấm” thì Bộ có còn tính đến lý do trước đây đưa ra quy định “cấm” hay không? Các căn cứ trước đây “cấm” là dạy thêm, học thêm tràn lan với học sinh tiểu học để thi tuyển đầu vào bậc THCS, giờ Bộ giải quyết ra sao nếu nó lại bùng lên?”.

GS Trung thẳng thắn cho rằng, điều này phần nào thấy sự lúng túng của bộ GD&ĐT trong việc tìm ra quy chế tuyển sinh phù hợp với thực tế giáo dục hiện nay. Nếu cứ “tân quan, tân chính sách” muốn tìm ra cái mới nhưng luẩn quẩn, loanh quanh lại quay về chính sách cũ sẽ gây sự bất ổn cho xã hội. Nội dung không mới, hình thức cũ thực hiện trong thời điểm mới khiến Bộ cải tiến thành... cải lùi.

 “Theo tôi, những quy chế tuyển sinh cần một sự ổn định, dài hơi để phụ huynh và học sinh không thấy rằng học sinh đang thành đối tượng để thí nghiệm! Muốn như vậy, các chính sách cần phải có hội đồng phản biện gồm các chuyên gia để tìm ra được mặt tích cực, tiêu cực. Đừng làm cho xã hội cảm thấy giáo dục luôn tiềm ẩn sự bất ổn với các chính sách thay đổi xoành xoạch như vậy”, ông Trung nêu giải pháp và cho rằng, chúng ta cần làm rõ 2 vấn đề. Một là có nên cho thi tuyển, kiểm tra đầu vào với học sinh lớp 6 hay không? Căn cứ vào đâu để thi và không thi?.

Được biết, dù dự thảo mới chỉ vừa được công bố để xin ý kiến nhân dân đến hết ngày 18/2/2018, nhưng các trung tâm luyện thi đã bắt đầu “chào mời” phụ huynh với những ngôn từ có cánh.

Trước những lo ngại tái diễn tình trạng dạy thêm, học thêm, trên Lao Động dẫn lời Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Vũ Đình Chuẩn cho rằng: Nếu các trường tổ chức thi tuyển có thể nảy sinh dạy thêm học thêm. Vì thế, nếu các đơn vị tổ chức bài trắc nghiệm năng lực, hoặc bài luận với các kiến thức tổng hợp thì những trường hợp về dạy thêm, học thêm sẽ không “có cửa”.

Đức Hòa (tổng hợp)

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news