Tin mới

"Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa "hiện thân của Đức Phật Quan Âm"

Thứ hai, 31/03/2014, 09:08 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Ngày 4/4, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII (Phật giáo Kim cương thừa) sẽ có chuyến thăm Việt Nam. Người được tôn sùng là hiện thân của Đức Phật Quan Âm.

(Tinmoi.vn) Ngày 4/4, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII (Phật giáo Kim cương thừa) sẽ có chuyến thăm Việt Nam. Người được tôn sùng là hiện thân của Đức Phật Quan Âm.

Kim cương thừa (Vajrayana), còn gọi là Mật thừa, cũng như mọi tông phái khác của Phật giáo, đều nhắm đến mục đích đạt đến trọn vẹn Phật tánh để thành Phật. Có thể nói rằng, tông phái nào không nhắm đến mục đích giải thoát, đạt đến Phật tánh, thì tông phái ấy không phải là Phật giáo đích thực.

Truyền thừa Drukpa khởi nguồn từ Ấn Độ cách đây gần một nghìn năm, có ảnh hưởng rộng khắp các quốc gia và lãnh thổ trên dãy Himalaya như Ladakh, Nam Ấn, Tây Bengal, Nepal, Bhutan... Ngày nay, các trung tâm tu học của Truyền thừa Drukpa tiếp tục được phát triển tại châu Á (Hong Kong, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Việt Nam), châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Thuỵ Sĩ, Tây Ban Nha, Ba Lan), châu Mỹ La tinh (Argentina, Peru, Mexico) và nhiều nhóm thực hành tại Bắc Mỹ.

Pháp Vương Gyalwang Drukpa là người được các dân tộc trên dãy Himalaya tôn sùng là hiện thân của Đức Phật Quan Âm qua việc chuyển thế vào các kiếp sau, liên tục quay trở lại nhân gian. Hiện thân các kiếp sau này được gọi là Thượng sư Giác ngộ hay Tulku (trong Tạng ngữ có nghĩa là bậc Hóa thân chuyển thế).

Theo quan niệm của Kim cương thừa, các Thượng sư có khả năng đặc biệt lựa chọn cho mình hóa thân đời kế tiếp. Trước khi viên tịch, Đức Phật đều báo trước các dấu hiệu xác định hoá thân kế tiếp tại nơi sinh trước kia của mình hoặc tại quốc gia lân cận. Cứ như vậy đến Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa là đời thứ 12. Ngài đã có bút tích về sự xuất hiện của mình và nhiều Thượng sư Giác ngộ cũng tiên tri như vậy.

Ảnh: drukpa.org

Đức Pháp vương sinh năm 1963, trong một gia đình có địa vị tôn quý ở Tây Tạng. Cha ngài là Đức Zhichen Bairo Rinpoche, đạo sư của tự viện Zhichen miền đông Tây Tạng. Mẹ ngài là bà Konchok Paldon, xuất thân từ một dòng dõi cao quý ở miền nam khu vực.

Ngài đản sinh tại thánh địa hồ Liên Hoa, miền bắc Ấn Độ, khi cha mẹ ngài đang trên đường hành hương. Theo tự truyện của Đức Pháp vương, ngày hôm đó đúng dịp các đạo sư tập hợp nơi hồ Liên Hoa, tổ chức đại pháp hội Tse Chu. 

Ảnh: drukpa.org

Ngay từ thủa nhỏ, ngài đã chứng tỏ năng lực tâm linh siêu việt, trước khi biết đọc, biết viết, đã phân biệt được các bản kinh sách. Năm 1966, các bậc thị giả và tùy tùng của đời trước đến Dalhousie, miền bắc Ấn Độ, nơi gia đình Ngài sinh sống, để tìm hóa thân mới của Pháp vương Gyalwang Drukpa. Hai ngày trước khi gặp đoàn thị giả, Ngài đã nói với cha mình rằng: "Có một người đàn ông với bộ râu trắng sẽ đến tìm con".

Sau khi tìm được hóa thân, các thị giả cử hành đại lễ tịnh hóa thân nghiệp và cúng dường Pháp y cho Ngài tại tự viện Khampa Gar ở Dalhousie. Không lâu sau tại Dharamsala, Đức Dalai Lama ban cho Ngài Pháp danh Tenzin Jigdrel Lodoe, tức Đấng Pháp Vương Vô Úy.

Ảnh: drukpa.org

Đầu năm 1967, nghi lễ đăng quang Pháp Vương dòng truyền thừa của Ngài đã diễn ra tại tự viện Darjeeling ở tây Bengal. Sau đó, Ngài được học đọc, học viết, học tất cả kinh văn, nghi thức hành lễ và các nghi quỹ. Dần dần, Ngài thụ nhận toàn bộ các quán đỉnh của dòng truyền thừa Drukpa, các bài pháp giảng nghĩa lý giải thoát, kinh điển truyền thừa.

Mặc dù đứng đầu Truyền thừa Drukpa, Đức Pháp vương vẫn rất tôn kính trước đạo sư thuộc các dòng phái khác và nghiên cứu tham học nhiều giáo pháp thuộc tân phái, cổ phái. Trong ảnh là Đức Pháp vương thời trẻ (trái) và các đạo sư thuộc dòng phái khác.

Ảnh: Drukpa VN

Trong hơn 30 năm truyền giảng Phật pháp trên toàn thế giới, Đức Pháp vương đã khởi xướng nhiều dự án nhân đạo, đúng với tôn chỉ phụng sự nhân loại và vũ trụ của Truyền thừa Drukpa. Một trong những dự án tiêu biểu nhất là Tổ chức Từ thiện quốc tế Live to Love (Sống để Yêu thương) nhằm thúc đẩy 5 nhóm việc thiện nguyện: bảo vệ môi trường, cứu trợ, giáo dục, dịch vụ y tế và bảo tồn di sản.

Những thành quả mà dự án trên đem lại đã được quốc tế công nhận. Năm 2010, Đức Pháp vương được Liên Hợp Quốc trao tặng giải thưởng "Vì Mục tiêu Phát triển Thiên Niên Kỷ" (MDG), nhằm tri ân những nỗ lực và thiện hạnh vì lợi ích chúng sinh của Ngài trên toàn cầu. 

Ảnh: gre.ac.uk

Một trong các dự án khác của Ngài là ngôi trường học mang tên Druk White Lotus (Bạch Liên Hoa) ở Ladakh, Ấn Độ. Công trình đã đạt được rất nhiều giải thưởng quốc tế về thiết kế bền vững, trong đó có 3 Giải Thưởng Kiến Trúc Thế Giới (năm 2002) và Giải Thưởng Thiết Kế Xuất Sắc của Hội Đồng Anh về Môi trường Học đường (năm 2009). 

Ảnh: drukpa-nuns.org

Là người ủng hộ mạnh mẽ cho quyền bình đẳng của nữ giới, Đức Pháp Vương đã thành lập Tự viện Druk Gawa Khilwa ở ngoại ô Kathmandu, Nepal và ở Ladakh, Ấn Độ. Tại đây, phụ nữ được hướng dẫn tu tập tâm linh và được dạy những pháp môn mà trước đây chỉ dành riêng cho nam giới. Tự viện này còn nổi tiếng với bài tập đồng diễn Kungfu mỗi ngày. 

Ảnh: Drukpa VN

Đức Pháp vương còn phát động chuyến hành hương Pad Yatra (bộ hành tâm linh), thu hút hàng trăm  người tham gia mỗi năm. Đây là chuyến đi bộ vì môi trường. Thành viên trong đoàn sẽ thu gom rác thải nhựa trên đường đi để kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường.

"Theo suy nghĩ ban đầu của tôi, hoạt động này sẽ không được tổ chức một năm một lần, nhưng thực tế lại là ngược lại. Chúng ta thực sự cảm thấy thích thú và đam mê bộ hành tâm linh", Ngài chia sẻ sau chuyến bộ hành năm 2010. Trong ảnh là Đức Pháp vương trong một chuyến bộ hành nhặt rác trên dãy Himalaya. 

 Ảnh: Drukpa VN

Năm 2010, các thành viên và  tình nguyện viên của Truyền thừa Drukpa đã phá Kỷ lục Guinness Thế giới về trồng cây tại Himalaya trong thời gian ngắn nhất, với 50.033 cây xanh được trồng trong vòng 33 phút.

"Ngày nay, chúng ta chỉ chú ý đến sự khác biệt giữa con người với nhau, và làm thế nào để người khác công nhận mình. Chính bởi những mâu thuẫn nhỏ nhất có thể gây ra chiến tranh quy mô lớn, lãng phí sinh mạng vô ích. Vì vậy, chúng ta nên đoàn kết với nhau, làm những điều có ích vì một mục đích chung", Đức Pháp vương tâm sự sau lễ nhận Kỷ lục Guinness.

Ảnh: Drukpa VN 

Năm 2013, Liên Hợp Quốc tiếp tục vinh danh Đức Pháp vương là “Người bảo hộ của vùng Himalaya” và trao tặng giải thưởng “South - South Awards” cho những nỗ lực nhân đạo và đóng góp bảo tồn môi trường thế giới của Ngài.

Ảnh: Drukpa VN 

Truyền thừa Drukpa khởi nguồn từ Ấn Độ cách đây gần một nghìn năm, có ảnh hưởng rộng khắp các quốc gia và lãnh thổ trên dãy Himalaya như Ladakh, Nam Ấn, Tây Bengal, Nepal, Bhutan... Ngày nay, các trung tâm tu học của Truyền thừa Drukpa tiếp tục được phát triển tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ La tinh và nhiều nhóm thực hành tại Bắc Mỹ.

Trong ảnh là Đức Pháp vương cùng hai Nhiếp chính vương Thuksey Rinpoche (trái) và Khamtrul Rinpoche. 

Ảnh: Drukpa VN 

Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa XII đã 5 lần thăm Việt Nam (mùa pháp hội 2007, 2008, 2010, 2011) để cầu nguyện quốc thái dân an, cầu siêu vong hồn, đóng góp trí tuệ và hướng đạo trong việc xây dựng di sản kiến trúc văn hóa Phật giáo cho nhân dân Việt Nam.Chuyến thăm sắp tới của Ngài dự kiến diễn ra từ ngày 5 đến 21/4. Trong ảnh là Đức Pháp vương và Nhiếp chính vương Khamtrul Rinpoche trong chuyến thăm Việt Nam năm 2007. 

T.M (tổng hợp)


Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news