Tin mới

Đường cong và cái lý con… cua

Thứ bảy, 12/04/2014, 08:50 (GMT+7)

Ngày trước cha ông làm đường thẳng, không né ai nên mới biến được cự thất thành đường cái, nếu cứ né nhà quan thì đâu có Hà Nội xinh đẹp ngày nay! 

Ngày trước cha ông làm đường thẳng, không né ai nên mới biến được cự thất thành đường cái, nếu cứ né nhà quan thì đâu có Hà Nội xinh đẹp ngày nay! 

Trong tiểu thuyết “Những linh hồn chết” bất hủ, văn hào Gogol (Nga) có mô tả  một qu‎ý ông có tên là Cobakievich (gốc từ Nga “cobaka” là con chó) bụng tròn đầy dễ tới 200 cm chu vi, sau khi ăn uống cật lực từ 7 giờ tối đến 11 giờ khuya, đã “lết đến đi văng và gọi tráng miệng bằng một… con lợn sữa”.

Gã Cobakievich trưởng giả này trong câu chuyện với các qu‎ý cô, quý‎ ông trưởng giả khác đã không gọi cái “mùi soa” là cái “khăn để hỉ mũi” mà gọi đại loại là “cái bông hoa mĩ miều của tôi”. 

Khuynh hướng “tô hồng”, “mỹ  miều hóa” cái khăn tay là để che giấu cái mà gã kia thừa biết chỉ có chức năng lau xỉ mũi. 

Ở đây ngôn ngữ… thẳng đã bị biến thành ngôn ngữ… vòng.

Con đường Trường Chinh là đường vành đai huyết mạch, được mở rộng hoàn toàn như làm mới. Những người làm quy hoạch đều vẽ con đường chạy thẳng từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng, nối liền hai cửa ô. 

Trừ trường hợp bất khả kháng còn tất cả đường giao thông đều làm thẳng, đơn giản đường thẳng là đường ngắn nhất.

Đường cong và cái lý con… cua
Đường cong... mát mắt

Vì con đường để dùng  trăm năm thậm chí ngàn năm, nếu làm cong, nó phải kéo dài thêm vài trăm mét thôi thì ai tính được với khoảng thời gian ấy, các thế hệ sẽ phải mất bao nhiêu xăng dầu, thời gian, chi phí hao mòn xe cộ  phí phạm vô ích? 

Việc giải phóng mặt bằng, đền bù hay nền móng xấu phải gia cố nhiều chỉ là tốn kém tạm thời, con đường thẳng là lâu dài. Thà tốn một trăm tỷ hôm nay còn hơn để con cháu phải chịu tốn cho đoạn con đường cong này mãi mãi. 

Đó là chưa nói đường cong có thể gây tai nạn với những điểm đen, điểm chết, biến một khu phố hiện đại thành phố cổ quanh co.

Chỉ có một lý lẽ duy nhất để bào chữa cho con đường buộc phải cong là vì không thể làm thẳng như qua đèo, qua núi hay qua một di tích lịch sử quan trọng đến mức không thể di dời, không thể đụng chạm tới. 

Mấy cái biệt thự của mấy vị tướng không quân không thuộc cỡ di tích lịch sử quan trọng không thể di dời, những miếng đất vàng này chỉ “là ơn nghĩa dành cho bộ máy đầu não bảo vệ vùng trời” (lời của thiếu tướng Phạm Ngọc Lan).

Nếu kể “cái ơn bảo vệ vùng trời” thì người dân nhớ tới rất nhiều anh hùng liệt sĩ đã hy sinh hoặc còn sống. Nhân dân không quên ơn một ai. Người thì chỉ được thắp hương vọng vào ngày thương binh liệt sĩ vì không biết phần mộ và cả ngày hy sinh hay tan cả thân xác ngàn vàng cùng máy bay địch như anh hùng Vũ Xuân Thiều, chắc là bạn cùng lứa phi công với ông Lan. 

Kẻ chỉ còn nấm mồ gắn ngôi sao trong nghĩa trang liệt sĩ lâu lâu được đồng đội thăm viếng. Không phải ai cũng có cơ may được trả ơn bằng đất như mấy vị.

Các vị có công lớn được quân đội cấp đất là rất xứng đáng. Chắc các vị cũng đồng ý với tướng Phạm Tuân (một người có nhà trong phạm vi bị con đường thẳng xâm phạm) khi ông nói rất đáng mặt anh hùng với báo Người đưa tin: 

Tôi đã chiến đấu suốt đời, ở cương vị không cao nhưng đã được nhân dân biết đến thì mình thêm một tí được cái gì, chiến đấu cả đời có phải được chỗ đó đâu. Lúc chiến đấu chỉ nghĩ làm sao bảo vệ được Tổ quốc chứ đâu có nghĩ đến sau này về tôi được miếng đất này, miếng đất kia”.

Vả lại, vật đổi sao dời, đời cha còn là nương dâu đời con đã thành bãi biển, giữ đất cát làm chi cho nhọc lòng, lại mang tiếng. Những chỗ hiện nay người ta ở, đang dùng làm “nhà nghỉ” hay bán phở, bún bò ở phố Hà Nội, chỉ mấy trăm năm trước thôi đều là cung vua phủ Chúa cả đấy!

Nguyễn Du, con một đại thần triều Lê, khi được về thăm lại Thăng Long cũng đã thảng thốt kêu lên: “Thiên niên cự thất thành quan đạo/Nhất phiến tân thành một cố cung!” (Dinh thự ngàn năm thành đường cái/ một đoạn thành mới làm mai một cả cung xưa). 

Ngày trước cha ông làm đường thẳng, không né ai nên mới biến được cự thất thành đường cái, nếu cứ né nhà quan thì đâu có Hà Nội xinh đẹp ngày nay!

Miếng đất, ngôi nhà chỉ là sỏi đá, xi măng, phá rồi cất lên to đẹp hơn dễ như bỡn. Đường thẳng cho muôn đời con cháu mai sau mới là điều hệ trọng. Chắc chủ dự án cũng sẵn sàng đền bù thỏa đáng, nếu cần cao hơn cả giá trị hiện có cho các vị để có con đường thẳng cũng chẳng ai thắc mắc. Chắc người đời cũng đánh giá các vị không kém gì trung tướng Phạm Tuân, sẵn sàng đi chỗ khác nếu con đường đòi hỏi. 

Nhưng không hiểu sao con đường vẫn cong? Thật không hiểu nổi vì sao con đường vẫn cong?

Đường cong và cái lý con… cua

Nó cong cong mềm mại cho mát mắt người đời? Chắc không phải là thứ đường cong trên thân thể phụ nữ, hay đường cong của bảy sắc cầu vồng mà tôi và bạn và nhất là các nhà thơ vẫn mê mẩn trầm trồ, ao ước.

Nếu mở Google earth, đoạn đường này rõ hình cái ghi đông xe đạp. Phải chăng muốn ghi lại một giai đoạn lịch sử của dân tộc mà một nhà báo Mỹ đã mách nước với tổng thống Mỹ Jhonson:

Nếu ngài cầu Chúa sao cho những chiếc bánh xe đạp của Hà Nội ngừng quay thì ngài không cần ném bom cũng có thể thắng!”.

Chắc Mỹ cũng như Tàu, như bất kỳ ai, xâm lược nước ta sẽ không bao giờ thắng, không xe đạp thì dân ta đi bộ, không còn quần thì còn cái lai quần, từ bà Trưng, bà Triệu đến nay, đã hàng chục lần đánh cho kẻ xâm lược ôm đầu máu tháo chạy.

Nhưng làm một tượng đài cho chiếc xe đạp là một gợi ý tốt và xứng đáng. Tuy nhiên không ai tán thành tượng đài ấy là con đường Trường Chinh hiện nay!

Thôi thì ta cứ theo ông Tuấn nào đó ở sở Xây dựng Hà Nội, gọi khúc cua ấy là “con đường mềm mại” mà các cụ nhà ta thường bảo là cách nói “ngang như …cua”. 

Còn như gã trưởng giả trong câu chuyện của văn hào Gogol thì đó chính là cách nói quanh co của lòng dạ  quanh co.

Theo Nguyễn Quang Thân - Một thế giới

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: đường thẳng