Theo luật sư, với việc gây ô nhiễm môi trường khiến cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung Công ty Formosa sẽ buộc phải khắc phục hậu quả do hành vi gây ra. Ngoài ra, những người có lỗi để gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 182 BLHS.
Tại buổi họp báo chiều 30/6, nguyên nhân cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung đã được chính thức công bố và "thủ phạm" chính là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Theo đó, các bộ ngành, cơ quan chức năng có liên quan đã thẩm định kỹ lưỡng, tham vấn các nhà khoa học trong, ngoài nước và kết luận: Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ô nhiêm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong tháng 4 vừa qua.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và các bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông, Bộ Tài nguyên - môi trường, thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư tại cuộc họp báo - Ảnh: Việt Dũng/ Tuổi trẻ |
Trao đổi với PV về những vấn đề pháp lý của vụ việc sau khi nguyên nhân, "thủ phạm" khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung được chính thức công bố, luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Với thông tin về hậu quả hủy hoại môi trường và kết luận của Chính phủ về "thủ phạm" gây nguyên nhân hải sản miền trung chết hàng loạt thì vụ việc có dấu hiệu của tội “Gây ô nhiễm môi trường” theo quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự (BLHS) với khung hình phạt cao nhất lên tới mười năm.
“Vụ việc này có thể khởi tố vụ án để tiến hành điều tra để xác định các nghi phạm và xử lý theo pháp luật, đảm bảo sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật” – luật sư Cường nói.
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, trong vụ việc này sẽ có rất nhiều trách nhiệm pháp lý được đặt ra với nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan.
Luật sư Cường phân tích, trước tiên với Formosa, doanh nghiệp này sẽ bị áp dụng biện pháp hành chính là ngừng việc sả thải gây ô nhiễm môi trường và buộc phải khắc phục hậu quả do hành vi gây ô nhiễm môi trường nêu trên. Ngoài ra, những người có lỗi để gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng này có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 182 BLHS và một số tội danh khác có liên quan.
Với chính quyền địa phương, các cán bộ có nhiệm vụ quản lý về môi trường cũng sẽ bị xem xét trách nhiệm pháp lý, tùy thuộc vào mức độ lỗi mà có thể xem xét kỷ luật hoặc xử lý hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại, luật sư Cường phân tích, Formosa có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại đã gây ra cho đồng bào Miền Trung, số tiền có thể sẽ lớn hơn 500 triệu USD. Nếu không thỏa thuận được mức bồi thường thì người dân có quyền khởi kiện để được toà án giải quyết theo quy định pháp luật.
Những thiệt hại sẽ bao gồm: thiệt hại về người; về tài sản, chi phí đầu tư sản xuất, thu nhập bị mất, bị giảm sút; chi phí cải tạo đất, cải tạo mặt nước; chi phí chuyển đổi nghề nghiệp; chi phí khám chữa bệnh với người bị nhiễm bệnh... Cần phải có căn cứ, chứng cứ cụ thể để chứng minh cho những thiệt hại cụ thể của từng hộ gia đình, cá nhân, tổ chức thì mới có thể thực hiện việc bồi thường một cách công bằng, đúng pháp luật.
“Nếu không đồng ý với việc thương lượng, thỏa thuận bồi thường thì người dân hoàn toàn có thể khởi kiện Formosa tới toà án và có quyền yêu cầu luật sư tham gia tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý miễn phí cho đồng bào Miền Trung” – luật sư Cường cho biết.
Điều 182. Tội gây ô nhiễm môi trường (Sửa đổi) Người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Làm môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Tiểu Phương