Tin mới

Gà, măng tươi, dưa cải nhuộm vàng ô kịch độc: Chưa có chỉ dẫn là chất cấm?

Thứ hai, 11/04/2016, 18:05 (GMT+7)

Mặc dù vàng ô được xếp hàng thứ 5 trong số 116 chất gây ung thư hàng đầu nhưng việc nhiều tiểu thương thời gian qua vẫn "vô tư" dùng để tạo màu thực phẩm phải chăng vì chưa có bất kỳ cảnh báo, chỉ dẫn cụ thể nào về loại chất cấm trên?

Mặc dù vàng ô được xếp hàng thứ 5 trong số 116 chất gây ung thư hàng đầu nhưng việc nhiều tiểu thương thời gian qua vẫn "vô tư" dùng để tạo màu thực phẩm phải chăng vì chưa có bất kỳ cảnh báo, chỉ dẫn cụ thể nào về loại chất cấm trên?

Vàng ô được sử dụng tràn lan

Vừa qua, liên tiếp phát hiện các vụ việc dùng vàng ô (tên hóa học Auramine, là chất cấm thuộc danh sách gây ung thư nhóm 3) để tạo màu hấp dẫn cho da gà, măng tươi, dưa cải muối chua... đã khiến người tiêu dùng hoang mang.

Cụ thể, để "tân trang" cho măng tươi có màu vàng bắt mắt thì chỉ cần ngâm loại thực phẩm này cùng với bột vàng ô trong vòng 5 đến 10 phút, sau đó có thể vớt bán cho người tiêu dùng. Và theo tìm hiểu, với một lượng vàng ô giá thành khoảng 14.000 đồng có thể nhuộm vàng cho gần 1 tấn măng tươi.

Dưa cải muối chua - một trong những món được sử dụng nhiều trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình cũng bị phát hiện tẩm chất vàng ô. Điều đáng nói, 7/7 mẫu dưa cải tại Đà Nẵng được mang đi phân tích đều có chứa chất kịch độc này.

Và trong thịt gà, ngan, vịt - dòng thực phẩm tiêu dùng khá phổ biến, cơ quan chức năng cũng phát hiện có chất vàng ô. Theo tìm hiểu, được biết, trong quá trình chăn nuôi, chất vàng ô đã được trộn vào thức ăn của gia cầm giúp tạo màu da thân, da chân và đặc biệt là lòng đỏ trứng có màu vàng bắt mắt.

Chất vàng ô được các tiểu thương sử dụng ngâm tẩm thực phẩm để tạo màu vàng

Theo PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), vàng ô vốn là hóa chất được dùng để nhuộm vải và làm vôi ve quét tường trong xây dựng. Nếu trộn vàng ô vào thức ăn gia cầm, chất này sẽ không thể được đào thải mà tích tụ lại trong thịt và nội tạng của gia cầm, đặc biệt là trong lòng đỏ trứng. Do đó, người ăn phải loại thực phẩm chứa chất này, về lâu dài có nguy cơ ung thư.

Còn Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho biết thêm, khi ăn thực phẩm chứa vàng ô có thể bị dị ứng, ngộ độc, ảnh hưởng đến gan, hệ thần kinh, thận... Với trẻ nhỏ, việc hấp thụ quá nhiều chất này có thể bị các chứng kích thích, hiếu động thái quá, lơ đãng, thiếu tập trung.

Có chỉ dẫn nào về loại chất cấm kịch độc?

Việc báo chí thông tin về các vụ thực phẩm "nhuộm" vàng ô được phát hiện tại nhiều địa bàn trên cả nước đã làm dấy lên mối lo ngại về những ẩn họa sức khỏe khôn lường từ việc tiêu dùng thực phẩm nhiễm độc. Nhiều ý kiến lên tiếng chỉ trích các tiểu thương, chủ cơ sở sản xuất đã vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả, đưa"chất cấm" vào đầu độc sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy nhiên, rất có thể, trong quá trình nhuộm vàng ô cho thực phẩm, bản thân các tiểu thương cũng chưa ý thức được tác hại của loại chất kịch độc này. Thực tế, trước thời điểm bị kiểm tra, các tiểu thương, chủ xưởng đã có một thời rất dài sử dụng chất vàng ô để tạo màu cho măng, dưa cải, thịt gà... 

Dưa cải muối - một món xuất hiện quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của người dân cũng bị phát hiện có chất vàng ô. Ảnh minh họa

Và theo như chia sẻ của tiểu thương, họ không biết việc làm này gây nguy hiểm cho người tiêu dùng vì mua vàng ô rất dễ dàng do chất này được bày bán tràn làn tại các khu chợ. Họ có thể mua ở bất kỳ thời điểm nào nếu có nhu cầu. Hơn nữa, không chỉ bán cho người tiêu dùng, bản thân một số tiểu thương và gia đình cũng "vô tư" sử dụng những thực phẩm chứa chất này trong bữa ăn. Lý do là họ không được thông tin về loại chất cấm có tên "vàng ô" có thể gây ung thư.

Với một loại hóa chất trôi nổi được bày bán tràn lan ngoài chợ, không có thông tin về thành phần, độc tính trên bao bì, cách sử dụng đơn giản lại có thể biến hàng hóa trở nên bắt mắt, tiêu thụ dễ dàng thì việc các tiểu thương lựa chọn sử dụng vàng ô ngâm tẩm thực phẩm không phải là điều quá khó hiểu. Do vậy, nếu thực tế đúng như lời các tiểu thương nói thì việc người tiêu dùng bị đầu độc suốt một thời gian dài có thể không thuộc hoàn toàn lỗi ở người bán hàng.

Và từ thực tế này, vấn đề là nên chăng, cơ quan chức năng cần phải có những chỉ dẫn, lưu ý cụ thể đối với người dân về chất cấm, tác hại của nó cũng như chỉ định những lĩnh vực cấm lưu hành. Có vậy thì trong quá trình chăn nuôi, chế biến thực phẩm, những chủ cơ sở tiểu thương "có lương tâm" mới có thể "né" được các loại chất cấm đầu độc người tiêu dùng. 

Vàng ô là chất được sử dụng trong công nghiệp, dùng để nhuộm vải, giấy, hay để quét tường; không được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc làm chất phụ gia trong nguyên liệu thô.

Theo TS. Lê Thanh Hiền - Trưởng bộ môn bệnh truyền nhiễm và thú y cộng đồng (ĐH Nông lâm TP.HCM), chất vàng ô khi tiếp xúc với cơ thể thì tế bào bị tiếp xúc sẽ mất chức năng của màng tế bào nên không thể hoạt động. Vàng ô còn được cho là có thể gây hư hại cấu trúc di truyền (ADN) của tế bào, từ đó có thể gây ung thư và các rối loạn về di truyền không thể lường được.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news