Chưa cần nói đến mục đích câu view, bài viết "Gái miền Tây và 3 chữ N nổi danh thiên hạ" của báo điện tử Trí thức trẻ thể hiện việc non kém về nghiệp vụ báo chí, đó cũng là bài học cho những người làm báo hời hợt.
Ngày 16/8, trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, một lãnh đạo của Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông đã chia sẻ như vậy sau sự việc bài báo viết về "gái miền Tây" của báo Trí thức trẻ bị xử phạt hành chính và đình bản trong thời hạn 3 tháng.
Trước đó, vào ngày 12/8, trên trang điện tử của mình, báo Trí thức trẻ có đăng bài viết “Gái miền Tây và 3 chữ “N” nổi danh thiên hạ”. Ngay sau khi đăng tải, bài viết đã lan truyền mạnh mẽ trong Cộng đồng mạng, gây bức xúc trong dư luận.
“Gái miền Tây và 3 chữ N”: Bài học cho người làm báo hời hợt
Bài viết về "Gái miền Tây và 3 chữ N nổi danh thiên hạ" của báo Trí Thức trẻ gây xôn xao dư luận và khiến cho báo Trí thức trẻ phải đình bản 3 tháng.
Chiều 14/8, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với Thanh tra Bộ Thông tin truyền thông, Cục Báo chí, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử để xem xét sai phạm của báo điện tử Trí Thức Trẻ.
Đến sáng ngày 15/8, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã ký quyết định số 1171/QĐ-BTTTT đình bản báo điện tử Trí Thức Trẻ 3 tháng.
Xác nhận thông tin trên với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết, cùng ngày, Chánh thanh tra Bộ Thông tin truyền thông đã ký quyết định xử phạt báo Trí Thức Trẻ 207 triệu đồng.
Dù đã ra quyết định xử phạt, nhưng dư âm của bài báo vẫn còn gây xôn xao trong những ngày gần đây.
Sáng 16/8, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo của Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông nhận định rằng, chưa cần nói đến mục đích câu view, nhưng bài báo về gái miền Tây của báo Trí thức trẻ đã thể hiện một quy trình tác nghiệp chưa đúng chuẩn mực: phóng viên tác nghiệp chưa đúng, biên tập viên còn non, chưa đủ trình độ biên tập, quy trình từ sản xuất đến kiểm duyệt đều kém…
Trước thắc mắc cho rằng, liệu có phải việc tiếp cận những thông tin chính thức của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay còn khó khăn, nên nhiều báo có xu hướng làm những bài theo kiểu “dễ dãi”, câu view để thu hút độc giả, vị lãnh đạo này khẳng định không có chuyện đó. "Tất cả các nguồn thông tin chính thống đều đã được luật quy định nên không có gì khó khăn cho báo chí khi lấy những thông tin ấy, quan trọng là do cách phóng viên tác nghiệp như thế nào".
“Nếu nói đến mục đích câu view, hay chạy theo thông tin thì các báo có thể làm cách này hay cách khác, nhưng cách viết như bài của Trí Thức Trẻ thể hiện chưa có một chút gì trong trình độ báo chí. Câu view thì có thể giật tít thế này thế kia, hay diễn giải thế nào cho độc giả tò mò, chú ý, còn bài viết về gái miền Tây lại mang một màu sắc chính trị ấu trĩ trong bài” – vị lãnh đạo này nhận định.
Nhấn mạnh thêm về quy trình quản lý báo chí, lãnh đạo Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông cho rằng, trong một tờ báo, phóng viên có thể viết rất nhiều bài, nhưng quan trọng là phải tuân theo đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo.
“Sau khi phóng viên viết bài, người kiểm duyệt đầu tiên là Ban biên tập. Ban biên tập phải xem xét mọi góc độ, còn Tổng biên tập hoặc Phó Tổng biên tập là người chịu trách nhiệm cuối cùng về việc quyết định xem có đăng tải bài viết ấy hay không. Vì vậy, đăng một bài không đúng quy chuẩn thì rõ ràng Tổng biên tập hoặc Phó Tổng biên tập phải chịu trách nhiệm” – lãnh đạo của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông phân tích.
Khi được hỏi vì sao không xử phạt cá nhân những người chịu trách nhiệm chính mà lại xử phạt cả một tở báo, vị lãnh đạo này cho rằng, trong quản lý báo chí, đối với vi phạm của phóng viên thì Tổng biên tập phải chịu trách nhiệm. Còn tất nhiên, ở trong chính cơ quan báo chí đó họ sẽ có quy chế quản lý phóng viên riêng, và phóng viên sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào đó là do nội bộ cơ quan đó xử lý.
Theo Doisongphapluat.com