Theo ông Vũ Hồng Trường – Tổng giám đốc Công ty đường sắt Hà Nội, số lượng nhân sự và từng chức danh làm việc tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông do Tổng thầu Trung Quốc lên danh sách.
VnExpress đưa tin, hiện tham gia vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài 13 km có 681 người, chia làm 21 trung tâm, bộ phận, chưa bao gồm nhân viên bảo vệ, vệ sinh tại các ga; được đào tạo bằng nguồn kinh phí của dự án.
Có 50 người quản lý các phòng chức năng: quản lý lái tàu; quản lý nhà ga; sửa chữa công trình; vật tư; thiết bị nhà ga; điện lực; thông tin tín hiệu; đường ray; đầu máy toa xe…
Hơn 600 nhân viên làm việc trực tiếp tại 8 trung tâm để điều độ, tàu khách, vận tải hành khách; kiểm tra sửa chữa công trình, thiết bị nhà ga, điện lực, thông tin tín hiệu, đường ray, toa xe.
Người dân tham quan tàu Cát Linh – Hà Đông. (Ảnh: Pháp Luật TP. HCM) |
Trung tâm lái tàu là bộ phận đông nhất với 86 người, 46 lái tàu chính trên tuyến và 13 lái tàu dồn, thử tàu tại khu Deport. Các lái tàu đã nhận chứng chỉ đào tạo theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải.
Ngoài ra, khoảng 120 người có nhiệm vụ kiểm tra, sửa chữa tàu, đảm bảo an toàn, hoạt động thông suốt.
Trong gần 700 người vận hành tuyến đường sắt trên cao đầu tiên ở Hà Nội, có 201 người đào tạo tại Trung Quốc.
Ông Vũ Hồng Trường – Tổng giám đốc Công ty đường sắt Hà Nội cho biết, số lượng nhân sự và chức danh làm việc tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông do Tổng thầu Trung Quốc lên danh sách theo thiết kế dự án và Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.
Vận hành tàu trên tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Ảnh: Đời sống & Pháp lý). |
Số người “chăm sóc” cho tuyến đường sắt này nhiều khả năng sẽ tăng cao khi chở khách. Theo Báo Pháp Luật TP. HCM, tuyến đường sắt đô thị khi đưa vào khai thác sẽ phục vụ hành khách tới 18 tiếng/ngày tương đương khoảng 2,5 ca, như vậy phải đổi ca chứ không phải chỉ 1 ca như các công việc hành chính thông thường.
Trang Vũ (Tổng hợp)