Cụ Lê Thi (94 tuổi) tự nhận mình không đủ xuất sắc nhưng đủ may mắn để đại diện thế hệ thanh thiếu niên năm xưa có vinh dự kéo lá cờ Tổ quốc trong Lễ tuyên ngôn độc lập năm 1945. Mỗi lần nghe lại bài Quốc ca cụ đều xúc động nhớ đến giây phút đó, tự bảo mình cần cố gắng hơn nữa.
Trong căn nhà cổ kính nép mình trên phố Ngô Quyền (Hà Nội) có người phụ nữ lặng mình đếm từng nhịp thời gian qua. Hình ảnh, ký ức và những thước phim tua lại mỗi ngày trong suy nghĩ của bà. 94 tuổi, đầu bạc, chân run, cụ Thi ngồi bên khung cửa sổ lớn, ngắm nhìn mình của năm 19 tuổi. Cái thời mà cô thiếu nữ may mắn được đại diện cho tầng lớp thanh thiếu niên ưu tú, vinh dự kéo lá cờ Tổ quốc đầu tiên trong Lễ Tuyên ngôn độc lập 1945.
Người con gái năm xưa trong trang phục dân tộc.
"Tôi không dám nghĩ đến chuyện vinh dự, chỉ có trách nhiệm"
Cụ Lê Thi sinh năm 1926. Năm 1945, cô Thi khi đó tròn 19 tuổi được cử đi vận động chị em đến quảng trường tập hát Quốc ca, đi đều bước, chọn trang phục quần áo để chuẩn bị đi dự ngày trọng đại của đất nước.
Sáng ngày 2/9/1945, quảng trường Ba Đình rợp bóng cờ hoa. Đoàn phụ nữ Hàng Bông do cô Thi dẫn đầu đứng ngay ngắn, quần áo trắng tươm tất, chỉnh tề và rất trang nghiêm.
Trước giờ khai mạc buổi lễ, người trong ban tổ chức xuống khu vực các chị em và yêu cầu cử một người đại diện lên kéo cờ. Cô Thi hỏi mấy chị nhưng không ai trả lời. Người của ban tổ chức vẫn tiếp tục giục, cô Thi hỏi thêm lần 2 vẫn không có ai.
"Tôi đứng đầu, thành ra phải lên. Nếu có ai chủ động thì tôi sẽ không lên!".
Cụ Lê Thi (94 tuổi) - người phụ nữ kéo cờ Tổ quốc trong lễ Tuyên ngôn độc lập năm 1945.
Trong lúc bước lên lễ đài, cô Thi gặp một người chị đứng ngay ngắn một góc. Cô không biết đó là ai nhưng vẫn thử một lần mở lời: "Chị với em lên lễ đài, chị nâng cờ, em kéo".
Cột cờ thời đó còn thô sơ nên nếu kéo không chuẩn rất dễ tắc. Kéo lên càng không khớp với bài Quốc ca thì càng nghiêm trọng. Nhớ lại phút giây đó, "cô" Thi xúc động: "Tôi rất lo vì đây là sự kiện trọng đại, tôi lại chưa được chuẩn bị gì. Nếu có bất cứ sai sót nào dễ ảnh hưởng đến buổi lễ. May là tôi thuộc bài Tiến quân ca nên kéo cờ lên đến đỉnh là vừa hết nhạc. Lúc đấy, tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm".
Ngày trước, cô Thi từng học 10 năm tại trường Đồng Khánh (nay là trường Trưng Vương). Cô từng chứng kiến lễ kéo cờ và tham gia kéo một vài lần nhưng chưa lần nào thực sự "tử tế". Lúc thì cái thấp cái cao, lúc thì 2 cái tắc tị lại không lên được. Thành thử hôm kéo cờ ngày 2/9/1945, cô Thi mới run, sợ kéo không thành công.
"Tôi không xuất sắc để được chọn lên kéo cờ, mọi chuyện đều thật ngẫu nhiên. Tôi không dám nghĩ đến chuyện vinh dự, chỉ có trách nhiệm. Những năm tháng đó, tôi tham gia nhiệt tình phong trào ở khu phố Hoàn Kiếm".
Khi vừa hoàn thành nhiệm vụ kéo cờ Tổ quốc, cô Thi lùi lại phía sau và quan sát xem trên lễ đài là ai. Đó là lần đầu tiên cô cũng như hàng triệu đồng bào được tận mắt nhìn thấy Bác Hồ. Ngỡ tưởng bác sẽ mặc comple, thắt cà vạt sang trọng, nhưng không ngờ, Bác vẫn luôn "trung thành" với bộ đồ kaki quen thuộc đi kèm với đôi dép cao su giản dị.
Bác dõng dạc đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Ngày nay là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).
"Bác hỏi đồng bào: "Tôi nói mọi người nghe rõ không". Tôi rất xúc động vì chưa từng gặp lãnh đạo nào hỏi thế cả. Khi Bác đọc đến đoạn "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy", ở dưới tất cả đồng thanh hô "xin thề, xin thề xin thề". Nghe xong, tôi quyết định dấn thân làm cách mạng, chứ không đi học làm cô giáo như dự định trước đây nữa".
94 tuổi vẫn miệt mài nghiên cứu
Cụ Lê Thi tên thật là Dương Thị Thoa. Vì tham gia cách mạng, cụ mới lấy bí danh như vậy. Họ Lê là theo họ vua Lê Thái Tổ, còn Thi là tên người bạn thân của cụ.
Cụ Thi quê Hưng Yên nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình trí thức có 8 anh chị em, sống ở 98 Hàng Bông (Hoàn Kiếm – Hà Nội). Cha cụ là một nhà giáo nổi tiếng, Hiệu trưởng Trường Bưởi, liệt sĩ Dương Quảng Hàm.
Sau khi theo cách mạng, cụ Thi đi làm phong trào ở các tỉnh Việt Bắc. Xuống các cơ sở, gặp gỡ đủ tầng lớp giai cấp, cụ học cách sống hoà đồng với mọi người: học làm việc, ăn ở, mặc quần áo như một nông dân.
Cuối thời kỳ công tác, cụ Thi được phong hàm giáo sư triết học và cử về Viện triết học việt Nam. Đến khi về hưu, cụ cùng một số người sáng lập trung tâm nghiên cứu phụ nữ và gia đình, sau này chuyển thành viện gia đình và giới.
"Hiện tại đã 94 tuổi nhưng tôi vẫn nghiên cứu khoa học, vẫn thường xuyên viết sách báo. Mỗi lần nghe lại Quốc ca tôi đều xúc động nhớ đến giây phút đó, tự bảo mình cần cố gắng hơn nữa".
Về người phụ nữ kéo cờ cùng, phải đến 20 năm sau cụ Thi mới biết đó là bà Đàm Thị Loan, người dân tộc Tày, vợ Đại tướng Hoàng Văn Thái. Ngày 2/9/1997, 2 người phụ nữ ấy đã gặp nhau và chụp chung với nhau bức hình tại Quảng trường Ba Đình. Đến năm 2010 thì bà Đàm Thị Loan qua đời.
Cụ Thi hiện vẫn rất minh mẫn và chăm chỉ nghiên cứu mỗi ngày dù sức khỏe yếu. Theo chia sẻ của người giúp việc, cụ làm việc từ sáng đến tối với thời gian biểu khoa học. Cụ còn có hẳn một thư phòng sách.
"Suốt cả đời người, tôi đã không ngừng cố gắng vì trách nhiệm của một công dân và vì mình đã từng có được vinh dự là người kéo cờ trong ngày 2/9 lịch sử. Mấy hôm nay hoà cùng không khí thể thao, tôi lại nhớ lại sự kiện ngày trước. Tôi muốn thanh niên trách nhiệm, cố gắng hơn nữa với lá cờ Tổ quốc ngày trước chúng tôi không có điều kiện để công khai như thế".
Minh Nhân - Bá Cường