(Tinmoi.vn) Sở hữu đàn ngựa hơn 20 con với chi phí mua, vận chuyển và nuôi dưỡng cực “khủng”. Thế nhưng, mục đích của anh Thắng không nhằm kinh doanh mà chỉ để “chơi”.
Nằm ngay giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, ít ai lại có thể tưởng tượng ra cảnh tượng một đàn ngựa hơn 20 con tung tăng chạy nhảy. Bất ngờ hơn nữa, đa phần trong số đó là những chú ngựa được mua và vận chuyển bằng máy bay từ những nước châu Âu, châu Á về Việt Nam với chi phí mà theo chủ nhân của nó cho biết là “có tiền cũng không mua được.”
Thú vui “có tiền cũng không mua được”
Trong trang trại nằm sau nghĩa trang Mai Dịch (ngõ A36, đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) rộng hơn 10.000 m2, chúng tôi có cuộc trò chuyện với “đại gia” Ngô Lê Thắng (SN 1968, ngụ khu văn hóa nghệ thuật Mai Dịch, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Sở dĩ, chúng tôi gọi anh Thắng là “đại gia” vì hiện giờ anh đang sở hữu đàn ngựa hơn 20 con, trong đó có 16 con được anh mua về từ các nước châu Âu như Anh, Đức… và một số nước châu Á như Kazakhstan, Mông Cổ…
Để có được đàn ngựa như hiện nay, anh Thắng đã phải bỏ rất nhiều công sức cũng như tiền của. Anh tâm sự: “Trang trại hiện có hơn 20 con ngựa, tôi dành ra 5.000 – 6.000 m2 đất để làm khu chăn thả. Trong cả đàn thì có 16 con được nhập về từ nước ngoài. Quá trình vận chuyển được chúng về Việt Nam cũng rất công phu, tôi phải vận chuyển qua 3-4 nước, hoàn thành rất nhiều thủ tục kiểm duyệt mới vận chuyển về được đến Việt Nam. Rất may, là tôi có nhiều bạn bè ở nước ngoài, cứ mỗi khi đến đâu tôi lại được anh em giúp đỡ chứ nếu mình tôi thì chắc cũng khó.”
Anh Thắng bên một chú ngựa tại trang trại. |
Ngoài nhóm PV có mặt ở trang trại ngựa thì còn có khoảng 10 khách tham quan cũng đang trầm trồ ngắm nghía những chú ngựa cuồn cuộn cơ bắp, có chiều cao từ đất lên đến lưng cũng phải hơn 1.7 m. Nếu tính cả chiều cao cơ thể (từ chân trước lên đến đầu - PV) thì những chú ngựa tây này phải cao hơn 2 m. Anh Thắng cho biết: “Hiện nay, trang trại có 3 con ngựa đua giống châu Âu thuần chủng, thuộc loại chuẩn quốc tế. Còn lại là giống ngựa kéo xe, ngựa lai trong nước và một số giống được nuôi dạng sưu tầm như ngựa lùn.”
Khi được hỏi về chi phí để có được đàn ngựa thuộc hàng “độc” tại Việt Nam như hiện nay thì anh Thắng chỉ mỉm cười nói: “Ai cũng hỏi tôi về chi phí mua, vận chuyển đàn ngựa từ nước ngoài về Việt Nam. Có người còn đoán già đoán non rằng chi phí phải từ 300 triệu cho đến 1 tỷ đồng/con. Nhưng nói thật, mình không phải là người thích khoe khoang, nói về chi phí thì khó nói lắm vì nó thuộc loại muốn mua mà không được. Nếu tôi không có bạn bè ở nước ngoài giúp đỡ thì có muốn mua về cũng khó.”
Tuy nhiên, anh Thắng cho biết, mỗi tháng anh phải bỏ ra hơn 100 triệu chi phí thuê người chăm sóc, thức ăn... cho đàn ngựa này.
Giấc mơ cho ngựa tham dự Asiad
Chi phí bỏ ra để có được đàn ngựa là rất lớn, để nuôi dưỡng và chăm sóc chúng cũng không hề nhỏ. Vậy vì đâu mà anh Thắng lại bỏ ra một số tiền lớn đến vậy để sở hữu được đàn ngựa?
“Đại gia” Thắng chia sẻ: “Tôi đến với ngựa cũng chỉ vì lòng đam mê, bản thân tôi đã thích ngựa từ bé. Do gia đình tôi có truyền thống làm ngành xiếc nên tôi có điều kiện tiếp xúc nhiều với động vật. Ông ngoại tôi là nghệ sĩ Tạ Duy Hiển, một trong những người đặt nền móng cho ngành xiếc Việt Nam. Mẹ cũng là nghệ sĩ xiếc thú. Bản thân tôi cũng là người hoạt động trong ngành xiếc vì thế đam mê nó ngấm vào máu.”
Video: "Thắng đại gia" chia sẻ về đam mê nuôi ngựa
Anh Thắng kể, vợ mình hay nói mình đã mê cái gì là say, là bị cuốn vào đó. Với ngựa cũng vậy, ban đầu đó chỉ là đam mê thôi, rồi tôi bắt đầu mua một vài chú ngựa giống trong nước nuôi cho vui. Nhưng mê rồi nên máu, cứ có rồi lại muốn có thêm nữa, thêm nhiều nữa.
Quả thực, phải nhìn cách anh Thắng say sưa kể về đặc tính, nguồn gốc hay bệnh và cách trị bệnh của các giống ngựa thì mới hiểu được tại sao anh lại dám bỏ cả "núi" tiền để mua cả đàn ngựa chỉ để chơi cho vui.
Từ ngày trang trại của anh được nhiều người biết đến, khách tham quan cũng đến nhiều hơn. Ngoài việc, ngắm ngựa chụp ảnh, thì nhiều người còn có nhu cầu được cưỡi thử ngựa. Việc chụp ảnh, hay đến trang trại chỉ để ngắm ngựa được anh Thắng rất hoan ngênh. Bởi anh cho rằng, những người quan tâm, đam mê thì họ mới đến đây để vuốt ve, chụp ảnh với nó. Việc chụp ảnh trang trại hoàn toàn miễn phí. Nhưng nhiều khách muốn cưỡi thử thì việc này mất chút thời gian và phải có người hướng dẫn. Vì thế, khách sẽ giả tiền cho những người chăm ngựa (150 nghìn đồng/người/20 phút - PV).
“Thực ra, tôi nuôi ngựa cũng chỉ vì đam mê chứ không có mục đích kinh doanh. Thời gian gần đây thấy nhiều khách đến tham quan, chụp ảnh bạn bè tôi cũng khuyên nên mở thêm dịch vụ. Nhưng có lẽ tôi chỉ mở lớp dạy cưỡi ngựa, hoặc những môn thể thao như ngựa nhảy vượt rào. Tôi có một mơ ước là ngựa của mình sẽ được đi thi đấu, ví dụ như ở Đại hội thể thao châu Á Asiad 2019 mà Việt Nam đăng cai chẳng hạn.”
Đức Thuận