Là người lính sống sót sau khi đã trải 3 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đại tá Kim Hồng được xem là một trong những nhân chứng chiến tranh đặc biệt giữa thời bình.
Đại tá Kim Hồng và "những trận đánh của tôi"
Sinh năm 1931 tại vùng quê nghèo Hương Khê (Hà Tĩnh), hơn nửa phần đời của Đại tá Nguyễn Kim Hồng gần như sống trong bom đạn lửa binh. Với chặng đường hơn 40 năm liên tục hoạt động trong quân ngũ, trực tiếp tham gia các trận đánh trong cả 3 cuộc chiến lớn của đất nước, dấu ấn về các trận đánh trên chiến trường Điện Biên, mặt trận Khe Sanh, thành cổ Quảng Trị hay các chiến dịch quân đồn ở mặt trận Tây Bắc... vẫn mãi là những hồi ức không thể phai mờ trong lòng ông.
"Tôi còn nhớ như in diễn biến trong suốt 56 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Khi đó, với vai trò là cán bộ tác chiến của Trung đoàn 57, Đại đoàn 304, chúng tôi tham gia đánh trận khu vực Hồng Cúm, ngăn không cho quân Pháp tại đây kéo về chi viện cho phân khu Trung tâm hoặc phá vòng vây để chạy sang phía nước bạn Lào.
Ngày 2/5/1954, địch tập trung lực lượng pháo binh, bộ binh và không quân chiếm lại khu vực Hồng Cúm mà trung đoàn đã chiếm đóng trước đó. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh thiếu thốn lương thực, trời mưa, Trung đoàn vẫn kiên cường, 5 lần đánh địch phản kích để giữ bằng được trận địa" - Đại tá Kim Hồng kể.
Đại tá Kim Hồng bên cạnh Đại tướng Phùng Quang Thanh. Ảnh tư liệu của gia đình |
Đi qua chiến dịch Điện Biên, ông và các anh em đồng đội của mình lại tiếp tục bước vào chiến dịch Thượng Lào - Cánh đồng Chum - Xiêng Khoẳng (1959). Và đến chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (từ 20/01/1968 - 10/7/1968), chiến sỹ Kim Hồng cũng có mặt trên chiến hào trận địa.
Trong trận này, ông và đồng đội tham gia đánh sư đoàn Thủy quân lục chiến của đế quốc Mỹ, bao gồm chi khu quân sự Hướng Hóa, cứ điểm Làng Vây và sân bay Tà Cơn. Giữ vai trò Tham mưu trưởng Hậu cần kĩ thuật mặt trận Khe Sanh, suốt 170 ngày đêm gian khổ, ác liệt, mỗi ngày "cầm hơi" bằng 2 nắm cơm vắt nhưng ông và đồng đội luôn động viên nhau vững tinh thần, chắc tay súng.
Và trong một lần địch ném bom, đánh sập hầm trú ẩn, trợ lý của Đại tá Hồng hy sinh, bản thân ông được đồng đội đào bới đống đất đá đưa ra ngoài. Lúc được cấp cứu, ông đã bị dập phổi và phải phẫu thuật cắt 1/3 phổi, xương sống thì bị gãy 5 đốt. Sau 2 tuần nằm điều trị tại lán quân y, ông tiếp tục quay trở lại mặt trận và tham gia chiến đấu cùng đồng đội cho đến ngày chiến dịch kết thúc.
Ở tuổi 84, Đại tá Kim Hồng vẫn tự học cách sử dụng máy tính và tự in ấn các bài viết của mình. Ảnh: Vũ Đậu |
Theo chia sẻ của Đại tá Kim Hồng, năm 1972, trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, ông giữ chức vụ Tham mưu trưởng Hậu cần của mặt trận, chăm lo đời sống cho anh em chiến sỹ. Thế nhưng, trong thời điểm ấy, mưa lũ to và liên tục, nước sông Thạch Hãn dâng lên ngập hầm, các chiến sỹ phải thường xuyên chiến đấu "lộ thiên" phía trên nóc hầm nên bị thương vong nhiều. Lúc đó, mỗi tiểu đoàn 360 người nhưng chỉ khoảng 50 đủ sức chiến đấu, số còn lại bị thương. Và Tiểu đoàn đã chiến đấu trong những tình huống đầy gian khổ.
"Tôi luôn đau đáu về những đồng đội còn nằm lại trong lòng Thành Cổ. Thắng lợi trong chiến dịch này thật huy hoàng nhưng mất mát, đau thương cũng không thể nào tả hết. Xương máu của hàng vạn đồng đội, chiến sỹ đã đổ xuống, liệu có bia nào ghi hết được công lao của họ!" - Đại tá Hồng nghẹn lời.
Cũng trong năm 1972, ông quay về miền Bắc, tham gia đánh không quân Mỹ ở Hà Nội. Trong suốt 12 ngày đêm lịch sử, nhiệm vụ của ông là quan sát trận địa để báo cáo trực tiếp lên Bộ Chính trị và chỉ huy Quốc phòng. 7 năm sau (1979), ông được điều lên Tây Bắc tham gia chiến dịch bảo vệ biên giới, giữ chức vụ Tham mưu trưởng Hậu cần Quân khu II, tham gia các trận đánh tại Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái... Sau đó quay về Quân khu II vào năm 1983.
Đại tá xắn quần trồng rau, nuôi lợn
Chiến tranh kết thúc, Đại tá Kim Hồng công tác tại Quân khu II cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1987. Trở về với cuộc sống đời thường, ông luôn duy trì thói quen sinh hoạt và nếp sống đúng "chất" lính.
Với ông, tuổi nghỉ hưu không phải là quãng thời gian để nghỉ ngơi. Chính vì thế, vị đại tá già vẫn miệt mài với các việc xã hội. 10 năm liền, ông làm Chủ nhiệm CLB Hưu Trí thị xã Phúc Yên; Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào khu vực Vĩnh Phúc; Phó Ban liên lạc CCB Quân khu Trị Thiên khu vực Bắc Hà Nội...
Vị Đại tá già bình dị giữa đời thường. Ảnh: Vũ Đậu |
Và bởi yêu mến sự giản dị, cởi mở và chân thành của ông mà người dân địa phương ở Thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) nơi gia đình ông đang sống vẫn gọi ông bằng cái tên vui vẻ: "Đại tá chân đất". Bởi vị đại tá già chưa bao giờ ngại ngần trút bỏ bộ quân phục để sống hòa đồng với những người dân quê. Ông cũng không nề hà những công việc cuốc đất, trồng rau, chăn lợn, nuôi gà... sau khi rời quân ngũ.
Được trời phú cho trí tuệ minh mẫn, suốt 15 năm qua, ông là cộng tác viên viết tin, bài cho các tờ báo của Đảng ở địa phương như Báo Vĩnh Phúc, Đài PTTH Vĩnh Phúc, Bản tin sinh hoạt Chi Bộ của Ban tuyên giáo Thị ủy và Đài phát thanh Thị xã Phúc Yên. Đặc biệt, dù đã 84 tuổi nhưng ông vẫn tự học cách sử dụng máy tính, tự đánh máy và in ấn các bài viết của mình.
Hơn 70 năm qua, với những đóng góp trong cả thời chiến và thời bình, ông đã được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương như: Huân chương kháng chiến hạng nhất, 2 Huân chương chiến công hạng 3, Huân chương quân kì quyết thắng; đặc biệt là Huân chương quân công hạng nhì - Danh hiệu huân chương cao nhất của quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ngoài ra, ông còn được tặng danh hiệu "Dũng sĩ Quyết thắng" cùng các kỷ niệm chương của Quân khu Trị Thiên, Hậu cần Quân đội, Bộ Tham Mưu, Chiến sỹ Bảo về Thành cổ Quảng Trị...
"Đã từng trải qua khốc liệt của chiến tranh ở ba thời kỳ khác nhau, so với những anh em, đồng đội đã ngã xuống, bản thân tôi cảm thấy mình may mắn hơn họ rất nhiều. Chính vì thế, tôi luôn luôn trân trọng việc mình vẫn còn sống và được hưởng cuộc sống yên bình đến ngày hôm nay" - vị Đại tá chia sẻ.
Vũ Đậu