Toàn bộ gấu nuôi tại Quảng Ninh sẽ được chuyển về Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo để cứu hộ, nuôi dưỡng.
Trước tình trạng gấu nuôi nhốt tại các trang trại ở TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đang bị bỏ đói và chết hàng loạt trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đang vào cuộc để cứu loài động vật quý hiếm này. Và ngày 30.1, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn đã có Công văn 1181/BNN-TCLN đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam vận động các hộ đang nuôi gấu tại TP.Hạ Long và trên địa bàn toàn tỉnh chuyển giao toàn bộ cá thể gấu về Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo để cứu hộ, nuôi dưỡng.
Đồng thời các đơn vị tiếp tục giám sát xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý bảo tồn gấu (nếu có); Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận, quản lý, nuôi gấu theo quy định hiện hành và tôn chỉ mục đích bảo tồn.
Toàn bộ cá thể gấu sẽ được đưa về Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo
Được biết, chỉ trong hơn 2 tháng kể từ tháng 11/2014, đã có 12 cá thể gấu đã chết, trong đó 4 cá thể chết tại trại của ông Nguyễn Trọng Bờ, ở phường Đại Yên, TP. Hạ Long và 8 cá thể chết tại trang trại của ông Phùng Văn Hải, ở phường Hà Khẩu, TP. Hạ Long. Thậm chí, có tới 4 cá thể gấu trong trại của ông Hải chết trong một buổi sáng ngày 8/1.
Báo Dân trí dẫn theo thông cáo báo chí của Tổ chức Động vật Châu Á: “Những cá thể gấu còn lại có nhiều vết thương trên cơ thể, bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và đang bị bỏ đói, đó là thực trạng đáng báo động tại các trại nuôi gấu tư nhân ở Quảng Ninh. Tiều tụy, mất chi, đói khát, trên mình đầy những vết thương hở, trán trụi lông, đầu lắc liên tục và cọ vào thành lồng một cách buồn chán là những cảnh tượng đau lòng mà các bác sĩ, chuyên gia thú y của Tổ chức Động vật Châu Á cùng đoàn công tác chuyên trách của tỉnh Quảng Ninh chứng kiến khi đến thăm khám lâm sàng tại ba trại gấu trên địa bàn TP. Hạ Long, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh)”.
Theo tổ chức này, hầu hết 49 cá thể gấu đã được tiến hành khám đều suy dinh dưỡng ở cấp độ nặng. Gấu bị suy kiệt về sức khỏe và toàn bộ 100% bị sừng hóa ở lòng bàn chân, bàn tay do chúng hoàn toàn bị nhốt trong các chuồng có sàn là các thanh sắt. Đa số gấu có vết thương trên cơ thể (chiếm 77%), nhưng không được chữa trị, một số vết thương đã biến chứng viêm chảy mủ, nhiễm trùng nặng. Hơn một nửa số gấu (58%) bị căng thẳng hoặc bất ổn về thần kinh, có biểu hiện lặp đi lặp lại, hoặc đánh nhau với gấu ở chuồng bên cạnh.
Vũ Đậu (Tổng hợp)