Tin mới

Ghế đá “cổ” tại hồ Gươm bị vỡ “không phải từ thời Lê”

Thứ hai, 09/02/2015, 15:08 (GMT+7)

Theo một số nhà sử học, không có ghi chép hay tài liệu lịch sử nào về Hà Nội có ghi chép về chiếc ghế đá bị vỡ ở Hồ Gươm từ đời nhà Lê.

 

 

Theo một số nhà sử học, không có ghi chép hay tài liệu lịch sử nào về Hà Nội có ghi chép về chiếc ghế đá bị vỡ ở Hồ Gươm từ đời nhà Lê.

Sau khi chiếc ghế đá “cổ” tại Hồ Gươm bị vỡ ngày 6/2, nhiều tờ báo cho rằng chiếc ghế này có từ thời nhà Lê. Sở dĩ có thông tin này vì theo cuốn sách Me Tư Hồng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến có nói, Cô Tư Hồng cũng đứng sau những công trình có tính lịch sử ở Hà Nội, hiện vẫn tồn tại quanh Hồ Gươm hay khu phố Tây. Đó là 2 chiếc ghế đá công cộng đầu tiên của Hà thành ở 16 Lê Thái Tổ ngày nay.

Chiếc ghế đá bị vỡ ngày 6/2 khiến nhiều người dân tiếc nuối.

Trao đổi với PV, tác giả cuốn sách Me Tư Hồng chia sẻ: Câu chuyện về bà Tư Hồng phá thành Hà Nội năm 1897, thấy 2 ghế đá trong điện Kính Thiên đẹp quá nên mang ra bờ hồ là câu chuyện truyền miệng của người dân, chính sử không có ghi chép. Trong quá trình tìm hiểu, viết về Hà Nội ông đã sưu tầm được.

“Khi Nguyễn Ánh đánh tan quân Tây Sơn rồi lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long (năm 1802). Sau đó ông phá thành nhà Lê, một số đồ vật cung đình được chuyển vào Huế để xây dựng cung đình ở trong đó. Còn những ghế đá thì do nặng nên để lại. Sau đó, người Pháp tiến hành cải tạo hồ Hoàn Kiếm vào cuối thế kỷ 19, họ xua dân đi làm đường xung quanh. Khi khánh thành thì cũng là lúc bà Tư Hồng phá tường thành Hà Nội xong. Do vậy, theo tư duy lô gic trong nghiên cứu lịch sử và dựa trên sự truyền miệng của người dân thì có thể suy luận chiếc ghế này có từ thời nhà Lê. Tất nhiên, không có sử sách nào ghi chép về những vật nhỏ nhỏ như vậy cả. Trước nay, ngay cả lịch sử nước ta cũng làm gì có tài liệu nào ghi chi tiết về những chiếc ghế, cái bàn trong hoàng cung”, tác giả cuốn sách nói.

Tuy nhiên, một số nhà sử học cho biết, không thể khẳng định chiếc ghế này có niên đại từ thời nhà Lê.

Về vấn đề này, Giáo sư Phan Huy Lê  - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: Hiện nay, không có tài liệu lịch sử về Hà Nội từ trước đến nay nào ghi chép về nguồn gốc lịch sử của chiếc ghế đá này. Mặc dù, nhìn bằng mắt cũng có thể thấy đây là chiếc ghế đã có từ lâu đời.

Chiếc ghế này cũng không nằm trong danh sách di vật được bảo tồn, không thuộc diện quản lý của nhà nước.

Hình ảnh Ghế đá trăm tuổi tại hồ Gươm khi chưa bị vỡ số 5

Ghế không có hoa văn, họa tiết gì nên rất khó để xác định chính xác niên đại.

Để xác định nó có phải cổ vật từ thời nhà Lê hay không thì phải có cơ sở để đánh giá, ví dụ như hoa văn, họa tiết. Tuy nhiên, có thể thấy, chiếc ghế hoàn toàn không có hoa văn họa tiết gì. Bề mặt trên của ghế nhắn bóng, trống trơn, viền bên cạnh và mặt dưới thô ráp, được đẽo thủ công. Phần chân ghế cũng được đẽo đơn giản, không hề có hoa văn họa tiết gì để đánh giá cả. Mỗi thời thì sẽ có những đặc trưng riêng để đánh giá.

Chiếc ghế đá đã trở nên thân thuộc với người dân thủ đô và cả những người đang học tập, sinh sống tại Hà Nội.

Còn câu chuyện về bà Tư Hồng khi phá thành Hà Nội, thấy chiếc ghế đẹp nên đem ra hồ để người dân ngồi ngắm cảnh thì đây cũng chỉ là câu chuyện dân gian. Vì thế rất khó kiểm chứng.

Tuy nhiên, Gs.Lê cũng không phủ nhận khả năng chiếc ghế này có từ thời nhà Lê.

Chân ghế cũng được đẽo thủ công, không có hoa văn họa tiết.

Cũng về vấn đề này, PGS.TS Vũ Văn Quân - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội cho biết: “Đến nay chưa có tài liệu lịch sử nào về Hà Nội có ghi chép về chiếc ghế đá này thuộc thời nhà Lê.”

Là người gắn bó nhiều năm với Hồ Gươm, Phó Giáo sư, tiến sĩ Hà Đình Đức khẳng định: “Không có tài liệu lịch sử nào về chiếc ghế đó cả. Không phải thời Lê đâu. Thời Lê có khi Hồ Gươm còn ra đến BV Việt Đức. Còn về chiếc ghế, tôi nhận định nó có từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Nói ghế đó từ thời Lê là không có căn cứ, nhưng có thể nói nó là chiếc ghế độc nhất vô nhị ở Hà Nội và nó có tuổi đời lâu.”

Đức Thuận

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news