Chồng ốm không làm được công việc nặng, mẹ chồng năm nay gần 80 tuổi, dù bản thân sức khỏe yếu nhưng chị Lê Thị Bảy vẫn phải gồng gánh lo cho cả gia đình cùng 3 con ăn học. Việc bị nhiều người dân đánh oan vì tưởng bắt cóc trẻ em khiến cuộc sống của chị Bảy càng thêm khó khăn.
"Lúc đó tôi đã nghĩ mình không còn đường về gặp 3 con nữa"
Liên quan đến sự việc , chiều ngày 23/7 chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn. Tại đây, chị Lê Thị Bảy (40 tuổi, ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vẫn đang trong tình trạng hoảng loạn, thâm tím mặt mũi, người phù nề vì những gì mà nhiều người dân ở xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn gây ra.
Chị Bảy bật khóc khi kể lại sự việc.
Nghĩ lại sự việc, chị Bảy bật khóc. Chưa bao giờ chị lại cảm thấy mình bất lực khi bị nhiều người đánh nhưng không biết làm cách nào để bảo vệ bản thân. Mặc những lời giải thích rằng mình chỉ là những người bán tăm lương thiện, hàng trăm con mắt soi xét, đổ dồn về chị và
Chồng chị Bảy chăm sóc vợ tại bệnh viện.
"Họ nghi ngờ tôi định bắt cóc trẻ em khi tôi đứng ngoài cổng hỏi một cháu bé. Vì khi đi mời chào mua tăm tôi thấy cháu bé đang ở trong nhà nên tôi hỏi xem có người lớn ở nhà không và nói cho bác gặp để mời mua tăm. Sau đó, tôi gặp một người phụ nữ đi xe máy nhưng không có chuyện gì, tôi tiếp tục đi bán tăm ở mấy ngõ bên cạnh.
Theo chị Bảy, lúc bị vây đánh, chị rất bất lực, nghĩ không còn đường về gặp con nữa.
Nhưng sau đó nhiều người kéo đến giữ tôi và chị Phúc lại. Dù tôi van xin hết mức nhưng họ không buông tha tôi, họ đấm đá vào mặt tôi, rồi lấy cả cái ghế ở quán nước đập vào đầu. Khi có công an đến, tôi cầu cứu bám vào công an, họ vẫn lao vào đánh tôi. Lúc đó tôi nghĩ mình chắc không về gặp lại 3 đứa con nữa rồi", chị Bảy sợ hãi kể lại.
Chị Bảy có hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn.
Trong nhà không có đồ đạc giá trị.
Theo chị Bảy, hiện tại bản thân chị chẳng có mong muốn gì hơn bằng việc cơ quan công an minh oan cho chị và bà Phúc. Bởi thông tin chia sẻ lên mạng đã khiến chị bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề, bị mang tiếng ác bắt cóc trẻ em trong khi chị chỉ là người bán tăm lương thiện. Chị Bảy cũng mong muốn sớm lành bệnh để đi làm lo cho các con ăn học và lo cho mẹ già cùng chồng nay đau mai ốm.
Hàng xóm góp tiền đỡ tiền viện phí cho người phụ nữ bị đánh oan
Tìm về thôn Áng Thượng, xã Lê Thanh, khi nghe câu chuyện về gia đình chị Bảy, người dân nơi đây ai cũng thương xót. Bởi theo họ, chị Bảy có hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Bản thân chị quanh năm lo việc đồng áng, bám vào mấy sào ruộng, mới đi bán tăm được vài ngày để chăm lo cho gia đình thì xảy ra sự việc.
Clip: Bà Oanh kể lại sự việc sau khi con dâu bị đánh nhập viện vì tưởng bắt cóc trẻ em. Thực hiện: Định Nguyễn
Bà Oanh buồn rầu lo cho sức khỏe con dâu.
Căn nhà nhỏ dột nát là nơi trú ngụ của 6 người.
Tài sản không có gì ngoài chiếc ti vi cũ.
Trong ngôi nhà cấp 4 lụp xụp cũ kỹ, không vật dụng gì đáng giá, trên tường có nhiều vết nứt, bà Nguyễn Thị Oanh (77 tuổi, mẹ chồng chị Bảy) rưng rưng nước mắt khi nghĩ về con dâu. Theo bà Oanh, suốt hơn 1 ngày qua kể từ khi xảy ra sự việc với con dâu, bà vô cùng lo lắng.
Nhớ lại sự việc, bà Oanh kể, trưa (22/7), khi bà đang ở nhà thì dân làng chạy đến báo tin con dâu đi bán tăm bị đánh chấn thương nặng, đưa tin ầm ĩ trên mạng xã hội. "Nghe xong tôi giật mình, tinh thần hoang mang, lo lắng, nghĩ thương con đi bán tăm lại bị người ta đổ tiếng oan, đánh đến nỗi phải nhập viện. Con dâu tôi là người thật thà, hiền lành mà sao ai lại nỡ lòng nào đánh nó như vậy", bà Oanh chia sẻ.
Bà Oanh cho biết, bản thân nay đau mai ốm, con trai sức khỏe yếu nên gánh nặng dựa vào con dâu.
Cảnh hoang tàn ngoài ngôi nhà.
Cuộc sống khó khăn nên lúc rảnh rỗi chị Bảy lại đi bán tăm kiếm thêm thu nhập.
Theo lời bà Oanh, nhà bà quanh năm bám vào mấy sào ruộng. Bản thân bà tuổi già yếu, chồng chị Oanh là anh Quản Trung Dũng làm thợ xây bị tai nạn gãy xương 4-5 năm nay, sức khỏe yếu nên không làm được việc nặng, lại lo cho 3 đứa con ăn học.
Bản thân chị Bảy cũng bị bệnh ốm yếu nhưng vì gia đình nên gồng gánh làm đủ mọi việc. Những khi rảnh rỗi chị Bảy lại tranh thủ đi bán tăm cho hội người mù để kiếm tiền thêm trang trải cho cuộc sống gia đình. Mới đây xong việc đồng áng, chị mới quay lại bán tăm được 4 ngày thì xảy ra sự việc.
Tài sản lớn nhất của gia đình là một con bò để anh Dũng chăn dắt.
"Hôm qua nghe tin con dâu nằm viện, hàng xóm thương tình sang góp mỗi người cho một hai trăm nghìn để chồng nó lấy tiền lên đó chứ nhà có tiền đâu". Bà cho biết, nhà hộ nghèo nhiều năm, quanh năm ốm đau bệnh tật nên ngôi nhà bị nứt dột không có tiền để sửa sang.
"Nhà cửa hôm nọ mưa gió dột ướt hết nhưng không có tiền chữa đành chịu chứ biết làm sao. Gom góp mãi được mấy triệu mua một con bò để con trai tôi chăn dắt. Giờ sức khỏe nó yếu không làm được việc nặng", bà Oanh tâm sự.
Tường nứt, nhà dột nhưng vì kinh tế eo hẹp nên bao năm qua gia đình chị Bảy không có tiền tu sửa.
Nói về mong muốn lớn nhất của mình, bà Oanh chia sẻ, giờ bà chỉ mong chính quyền tìm và xử lý những ai đã hành hạ, đánh đập con dâu mình, lấy lại được danh dự để con mình không bị oan ức, chữa chạy vết thương cho lành.
Được biết, chị Bảy và anh Dũng sinh được 3 người con, 2 trai 1 gái. Con trai cả của anh chị năm nay lên 12 vì gia đình khó khăn nên tranh thủ mùa hè được nghỉ học cháu đi phụ hồ lấy tiền để đóng học phí cho kỳ sau đỡ đần mẹ.
Bố chăm mẹ ốm ở viện, con cái chị Bảy ở nhà nấu cơm lo cho bà.
Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình chị Bảy, ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng thôn Áng Thượng cho biết, chị là người địa phương, lấy chồng 17 năm nay, hiện tại gia đình có 6 khẩu, mẹ già ốm yếu, chồng cũng bệnh tật không lao động được, bản thân chị cũng bệnh tật nên kinh tế eo hẹp.
"Gia đình thuộc diện hộ nghèo nhiều năm nay, không thoát được nghèo. Gia đình chị ấy chủ yếu làm nông, ngoài ra cũng có tham gia vào hội tình thương của HTX để tiêu thụ sản phẩm, kiếm đồng ra đồng vào nuôi gia đình. Cuộc sống của gia đình chị Bảy chỉ trông chờ vào mỗi chị ấy.
Nhận được thông tin chị ấy bị đánh khi đi bán tăm vì tưởng bắt cóc trẻ em, chúng tôi rất bàng hoàng vì ở xóm chị ấy là người hiền lành, có làm điều xấu với ai bao giờ. Vì cuộc sống mưu sinh nên phải lang bạt khắp nơi kiếm tiền nuôi gia đình nên khi nghe hung tin ai trong xóm cũng thương xót", ông Thiện chia sẻ.