Tin mới

Gia đình ở Hà Nội kiện bệnh viện đã trao nhầm con 6 năm trước: Bệnh viện phải bồi thường thế nào?

Thứ năm, 12/07/2018, 09:17 (GMT+7)

Liên quan đếnVụ việc trao nhầm con tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội), gia đình bị trao nhầm con có quyền yêu cầu bệnh viện bồi thường thiệt hại về mặt vật chất và những chi phí này được chứng minh bằng hóa đơn, chứng từ.

Liên quan đếnVụ việc trao nhầm con tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội), gia đình bị trao nhầm con có quyền yêu cầu bệnh viện bồi thường thiệt hại về mặt vật chất và những chi phí này được chứng minh bằng hóa đơn, chứng từ.

Theo Infonet đưa tin, sự việc anh Phùng Giang Sơn (Ba Vì, Hà Nội) tố Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì đã trao nhầm con. Cụ thể, theo đơn kiến nghị gửi Bộ Y tế, anh Phùng Giang Sơn cho biết, ngày 01/11/2012, vợ anh hạ sinh con tại Khoa sản, Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì. Khi nghi ngờ nhầm tã lót, gia đình đã hỏi lại bác sĩ đỡ đẻ và được khẳng định là chỉ nhầm tã lót chứ không nhầm con.

Tuy nhiên, khi cháu Phùng Thanh H. càng lớn thì gia đình càng nhận thấy có những nét không giống bố mẹ nên đã đưa cháu H. đi xét nghiệm và được kết quả là cháu H. không phải con của vợ chồng anh.

Vụ việc trao nhầm con ở Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Sau đó, gia đình anh đã đến làm việc với bệnh viện nhưng sau một thời gian vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng của bệnh viện.

Ngày 10/7 vừa qua, Bộ Y tế đã ra Công văn gửi Sở Y tế Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) của kíp trực tại Bệnh viện đa khoa Ba Vì gây ra sự cố trao nhầm trẻ sơ sinh ngày 01/11/2012.

Trên đây chỉ là một trong số không ít những sự việc trao nhầm con xảy ra trong thời gian qua. Và nguyên nhân để xảy ra những sự nhầm lẫn vô cùng đáng tiếc này hầu như đều là do sự thiếu trách nhiệm của cán bộ y tế.

Trong trường hợp này, bệnh viện sẽ phải bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

Theo đó, trước hết, bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường cho hai gia đình bị trao nhầm con, sau đó, bệnh viện có thể yêu cầu nhân viên y tế (bác sĩ đỡ đẻ, hộ lý, y tá...) có lỗi trong việc này hoàn trả tiền cho bệnh viện theo quy định.

Gia đình bị trao nhầm con có quyền yêu cầu bệnh viện bồi thường thiệt hại về mặt vật chất, như: thu nhập bị mất hoặc giảm sút trong thời gian đi tìm con đẻ, chi phí giám định ADN, chi phí xác minh, làm lại giấy tờ hộ tịch… Những chi phí này phải được chứng minh bằng hóa đơn, chứng từ hoặc xác nhận do cá nhân hoặc tổ chức làm chứng.

Ngoài những tổn thất về vật chất có thể định lượng được một cách cụ thể, còn có những thiệt hại, nỗi đau về mặt tinh thần, như: vì đứa con bị trao nhầm mà vợ chồng nghi ngờ nhau khiến hôn nhân đổ vỡ; hoặc vì lời gièm pha, đàm tiếu của những người xung quanh mà gia đình bị trao nhầm con lo lắng, mất ăn mất ngủ, khiến tinh thần sa sút, cuộc sống không hạnh phúc…

Đáng chú ý, nếu hành vi trao nhầm con của nhân viên y tế là cố ý thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi (Điều 152 Bộ luật Hình sự 2015); mức xử phạt từ 02 năm tù đến 05 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 năm đến 05 năm.

Trang Vũ (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news