Tuy mới đưa vào sử dụng được 8 tháng và vẫn trong thời hạn bảo hành nhưng tuyến đường có vốn đầu tư 95 tỷ đồng đã bị hỏng nặng và có thể dùng tay dễ dàng bóc từng mảng đường.
Báo SGGP đưa tin, trên tuyến đường nối từ huyện Đăk Đoa đi huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) có nhiều vị trí hỏng nặng; mặt đường bong tróc, lồi lõm; nhiều chỗ bị nứt, cong vênh, chỉ cần dùng lực mạnh tác động có thể vỡ toác cả mảng lớn… Chỉ tính riêng xã Ia Băng có 4 km mặt đường bị hỏng ở nhiều điểm rải rác.
Nhiều mảng bê tông nhựa người dân có thể dùng tay bóc lên từng mảng. (Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn) |
Ổ gà , ổ vịt xuất hiện lỗ chỗ trên mặt đường. (Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn) |
Trao đổi với Báo SGGP, ông Phạm Xuân Điệp, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Gia Lai, đơn vị chủ đầu tư con đường, cho biết, đường có 2 đoạn tuyến, trong đó mặt đường rộng 7 m, nền đường rộng từ 7,5 m đến 9 m. Đơn vị tư vấn, thiết kế là Công ty cổ phần phát triển Đại Việt. Nhà thầu thi công là Công ty Thuận Nguyên (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) và Công ty Hà Mỹ Hưng.
Đường dài 21,8 km, được thi công vào năm 2016, đến tháng 2/2018 thì được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng. Thời gian bảo hành 12 tháng, tức đến tháng 2/2019 mới hết hạn bảo hành. Kinh phí đầu tư 95 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Tuyến đường đang trong thời hạn bảo hành đã xuất hiện bong tróc với những vệt dài hàng chục mét. (Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn) |
Ông Điệp cho rằng nguyên nhân làm đường hư hỏng là do mưa làm nước thấm trong thời gian dài gây ảnh hưởng và nguyên nhân nữa là do xe quá khổ, quá tải.
Mặc dù vậy nhưng đơn vị này lại không hề cắm biển cảnh báo tải trọng trên đường và cũng không báo tình trạng xe quá tải cho thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông biết để ngăn chặn.
Giải thích những bất cập trên, ông Điệp nói: “Nguyên nhân hư hỏng do mưa nhiều và xe quá tải này là do ban đi kiểm tra và xác định ban đầu là như thế chứ ngành chức năng chưa thành lập hội đồng chuyên môn để đánh giá toàn diện nguyên nhân. Vụ việc đường hư hỏng thì đơn vị chưa báo UBND tỉnh vì còn trong thời gian bảo hành của nhà thầu”.
Con đường xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí có thể dùng tay dễ dàng bóc từng mảng đường. (Ảnh: Congan.com.vn) |
Trái với quan điểm của ông Điệp cho rằng một trong những nguyên nhân làm đường hư hỏng là do xe quá tải, Thanh tra Sở GTVT Gia Lai cho biết, đơn vị vẫn thường xuyên đi kiểm tra các tuyến đường, nếu phát hiện xe quá khổ quá tải sẽ xử phạt. Tuy nhiên trong thời gian qua, thanh tra giao thông chưa phát hiện và xử phạt trường hợp nào xe quá khổ quá tải trên tuyến đó cả, theo Công an TP. HCM.
Trả lời về việc đường trong thời gian bảo hành mà hư hỏng thì trách nhiệm thuộc về ai, ông Điệp khẳng định: “Vị trí hư hỏng đều thuộc đoạn đường thi công của cả 2 nhà thầu là Công ty Thuận Nguyên và Công ty Hà Mỹ Hưng.
Trong thời gian bảo hành, đường hư thì đương nhiên trách nhiệm thuộc về 2 nhà thầu này và nhà thầu phải sửa chữa. Kinh phí sửa chữa thì nhà thầu phải tự bỏ tiền. Hiện Ban vẫn giữ lại 15% tiền bảo hành của 2 nhà thầu xây dựng”.
Trang Vũ (tổng hợp)