Theo dữ liệu được cập nhật mới nhất của Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore (cập nhật ngày 25/7) với RON92 là 105,58 USD/thùng, xăng RON95 là 158,26 USD/thùng. So với thời điểm kỳ điều chỉnh giá 21/7 (xăng RON92 mức 112,8 USD/thùng, xăng RON95 là 116 USD/thùng) thì giá xăng thành phẩm đã giảm khá nhiều.
Trao đổi với PV VTC News, một lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu dự báo, giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm khá mạnh trong tuần qua. Theo dự báo của vị này, trong kỳ điều hành tới (1/8), giá xăng vẫn sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, mức giảm như thế nào tùy thuộc vào việc trích lập quỹ Bình ổn giá (BOG) nhưng chắc cũng không nhiều, có thể trong khoảng 2.000 - 2.500 đồng/lít.
Trước đó, trong kỳ điều hành ngày 21/7, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm mạnh. Cụ thể, xăng E5 RON 92 giảm 2.710 đồng/lít với mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 25.070 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 3.600 đồng/lít với mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 26.070 đồng/lít.
Giá bán đối với mặt hàng dầu cũng giảm mạnh ở kỳ điều hành này, dầu diesel giảm hơn 1.000 đồng/lít còn 25.200 đồng/lít, dầu hỏa còn 25.240 đồng/lít...
Ở kỳ điều chỉnh này, cơ quan điều hành trích lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng ở mức 950 đồng/lít, dầu diesel 550 đồng/lít, dầu mazut 950 đồng/kg và dầu hỏa 500 đồng/lít. Đây là lần giảm thứ 3 sau bảy lần tăng liên tiếp của giá xăng, dầu.
Cũng liên quan đến giá xăng dầu, mới đây, tờ An ninh thủ đô đưa tin, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 4648/VPCP-KTTH ngày 25/7/2022 về việc nghiên cứu đề xuất giảm các loại thuế, phí.
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại văn bản số 240/LĐCP ngày 18/7/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh... để giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm phục vụ cạnh tranh xuất khẩu và kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ Chính sách tiền tệ... cho cả trước mắt và trung hạn.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7/2022.
Trước đó, Bộ Công Thương đề nghị cân nhắc xem xét lại quan điểm đánh thuế tiêu thụ đặc biết đối với mặt hàng xăng. Phía Bộ Công Thương cho rằng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng là 7% - 10% là con số tương đối lớn trong cơ cấu giá xăng dầu nên việc điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có ý nghĩa lớn đối với việc kiềm chế sự tăng cao của giá xăng dầu trong thời gian tới.
Do đó, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết và cần sớm thực hiện rà soát, trình Quốc hội điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và nhu cầu của việc giảm giá xăng dầu để góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ đời sống người dân đang gặp nhiều khó khăn sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.