Theo Oilprice, lúc 0h ngày 11/1 (giờ Việt Nam), Giá dầu WTI của Mỹ giao dịch ở mức 74,3 USD/thùng, giảm 0,29%; dầu Brent giao dịch mức 79,2 USD/thùng, giảm 0,3% so 24 giờ trước đó. Mức giá này thấp hơn bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 3/1 (là 89,110 USD/thùng xăng RON92 và 92,513 USD/thùng xăng RON95).
Do đó, ở kỳ điều hành hôm nay (11/1), giá xăng dầu trong nước có thể giảm nhẹ nếu cơ quan quản lý không trích lập quỹ bình ổn giá.
Đại diện một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết, mức giảm giá được dự báo là khoảng 100 đồng/lít đối với xăng và 200-300/lít đối với dầu. Nếu đúng như dự báo, giá xăng có thể giảm nhẹ còn giá dầu về dưới 21.000 đồng/lít.
Tính từ đầu năm nay, giá xăng dầu đã tăng 2 lần liên tiếp. Lần một là từ ngày 1/1/2023, giá các mặt hàng xăng dầu đều tăng do việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường.
Lần 2 là tại kỳ điều hành hôm 3/1 vừa qua, các mặt hàng xăng dầu (trừ dầu diesel) đều tăng giá bán. Cụ thể, xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) có mức giá mới 22.150 đồng, tăng 350 đồng; Xăng E5 RON92 cũng tăng thêm 350 đồng, lên 21.350 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 600 đồng/ lít, lên 22.760 đồng; dầu mazut là 13.740 đồng một kg, tương đương tăng 110 đồng. Riêng dầu diesel giữ nguyên giá bán 22.150 đồng một lít.
Liên bộ Công Thương - Tài chính cho hay, thị trường xăng dầu thế giới gần đây chịu ảnh hưởng của các yếu tố như diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc và việc quốc gia này nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh; việc Nga có khả năng cấm cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ đối với các quốc gia áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga; nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu…Các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen.