Trước tình hình Giá dầu thế giới giảm mạnh (giảm hơn 40%), nhiều dự báo cho rằng, các cơ quan chức năng sẽ đưa ra quyết định giảm tiếp giá xăng dầu vào ngày hôm nay (20/12).
Theo Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, thời gian giữa hai lần điều chỉnh xăng dầu liên tiếp tối thiểu 15 ngày (trong trường hợp tăng giá) và tối đa 15 ngày (giảm giá) thì hôm nay (20.12) là đúng 15 ngày kể từ ngày giá xăng dầu được điều chỉnh giảm (ngày 6.12). Nhiều dự báo cho biết, các cơ quan chức năng sẽ đưa ra quyết định giảm tiếp giá xăng dầu, bởi kể từ lần điều chỉnh giảm giá xăng dầu hôm 6.12, giá dầu trên thế giới tiếp tục lao dốc, giảm mạnh.
(ảnh minh họa)
Chốt phiên giao dịch ngày 18.12, giá dầu mỏ thế giới tiếp tục giảm sâu. Tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) giao tháng 1.2015 giảm 2,36 USD xuống còn 54,11 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5.2009. Trong khi đó, tại London (Anh) giá dầu Brent giao tháng 2.2015 cũng giảm 1,91 USD xuống còn 59,27 USD/thùng.
Phiên giao dịch gần nhất tại Singapore, ngày 17.12, giá xăng RON92 cũng chỉ còn 64,79 USD/thùng; dầu thô là 74,08 USD/thùng. Các mức này đều giảm rất mạnh so với giá ngày 5.12.
Tại thời điểm giảm giá vào ngày 6-12, liên bộ Công Thương – Tài chính đã quyết định tăng thuế nhập khẩu thêm 9%, đồng thời giảm giá nhẹ . Thế nhưng Chính sách điều hành này diễn ra sau thời điểm Tổng công ty Dầu Việt Nam có văn bản đề xuất lên Bộ Tài chính cần tăng mạnh thuế nhập khẩu từ 5-7 % và giữ nguyên giá bán lẻ trong nước. Lý do mà doanh nghiệp (DN) này đưa ra là muốn tăng thuế vì… đang lỗ.
Theo Tổng công ty Dầu Việt Nam, những tháng gần đây, hàng tồn kho xăng dầu đều trên 300.000m3, trong khi lượng bán ra chỉ khoảng 220.000m3, tức khoảng 220 triệu lít/tháng. Trong lúc đó, giá dầu thô thế giới liên tục giảm mạnh, trong vòng ba tháng giá dầu thô Brent đã mất giá 23%. Sự biến động đó đã ảnh hưởng đến nguồn hàng trong nước; Giá bán lẻ trong nước liên tục giảm với biên độ lớn. Dự kiến kết quả kinh doanh của PV Oil trong năm 2014 sẽ không có lãi, trong đó phát sinh lỗ thực tế kể từ tháng 8-2014. Như vậy, rõ ràng mức tăng thuế lên 9% của cơ quan quản lý đã vượt qua sự mong đợi của DN, đề xuất của họ đã được đáp ứng, trong khi giá xăng dầu đến tay người tiêu dùng chỉ giảm vài trăm đồng.
Trong khi đó, 15 ngày vừa qua, giá xăng dầu trong nước vẫn giữ nguyên như mức đã điều chỉnh hôm 6.12. Với giá xăng dầu thế giới giảm mạnh như hiện nay, có thể nhẩm tính, mức giá cơ sở kinh doanh xăng dầu (theo công thức tính hiện hành) đang thấp hơn giá bán lẻ hiện hành gần 1.300 đồng/lít đối với xăng và 1.000 đồng/lít đối với dầu, tức các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang lãi từ 1.000-1.300 đồng/lít xăng, dầu. Đây là khoản lãi ngoài khoản lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp (300 đồng/lít) đã được tính sẵn trong giá bán xăng.
Hiện nay, xăng RON 92 có giá 19.939 đồng/lít, dầu diexzel là 18.413 đồng/lít, dầu hỏa là 18.971 đồng/lít và dầu mazut là 14.827 đồng/kg. Đây là giá đã được điều chỉnh giảm 312 đồng/lít với xăng, diezel giảm 244 đồng/lít, dầu hỏa giảm 279 đồng/lít và dầu mazut giảm 314 đồng/kg từ 6.12.2014.
Trao đổi với báo Pháp luật TP.HCM, một quan chức của Bộ Công Thương cho rằng, giá xăng dầu trong nước tới đây tiếp tục giảm. Chu kì điều chỉnh giá mới đã cận kề, cơ quan quản lý sẽ “hành xử” ra sao với cách điều hành của mình để hài hòa các bên. Những lúc này DN sẽ gặp khó khăn nhưng theo quy luật thị trường phải chấp nhận cuộc chơi. Chứ không thể cái gì có lợi cho bản thân DN thì kêu lên, còn khi lãi thì ngồi im và không tự nguyện giảm giá.
Bảo An (tổng hợp)