Tin mới

Giá xăng giảm: Do phương Tây kiềm chế Nga?

Thứ tư, 15/10/2014, 10:15 (GMT+7)

Giá xăng dầu đã giảm liên tiếp trong những tháng gần đây.\nTrên thế giới, ngày 10/10, giá dầu đã lần đầu tiên kể từ năm 2010 giảm xuống\ndưới 90 USD/thùng.

giá xăng dầu đã giảm liên tiếp trong những tháng gần đây. Trên thế giới, ngày 10/10, Giá dầu đã lần đầu tiên kể từ năm 2010 giảm xuống dưới 90 USD/thùng.

 

 

Bùng nổ chiến tranh giá dầu

Cuộc chiến tranh giá dầu hiện được cho là đang bùng nổ trên thị trường thế giới khi các nhà sản xuất cố duy trì vị thế của mình bằng cách cung cấp dầu mỏ giá rẻ. Ngày 10-10, giá dầu đã lần đầu tiên kể từ năm 2010 giảm xuống dưới 90 USD/thùng. Trong vòng 3 tháng qua giá dầu đã giảm 21,7%.

Cuối tuần qua, giá dầu Brent cho tháng 11 giảm xuống đến 87,76 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Đến chiều 13-10, giá dầu ở Nga giảm 2,28%, xuống còn 88,1 USD/thùng trong khi dầu ở Mỹ giảm giá 1,62%, còn 84,38 USD/thùng.

Giá dầu giảm đã làm suy yếu đáng kể giá trị đồng rúp của Nga.

Đáng chú ý là trong những ngày này, Ả Rập Saudi đã hạ giá dầu thêm nữa cho một loạt khách hàng lớn ở các nước châu Á.

Iran cũng đã có động thái tương tự. Đồng thời, Iran cảnh báo rằng giá dầu sẽ còn sụt giảm mạnh khi OPEC không có một Chính sách thống nhất để chỉnh đốn thị trường dầu mỏ thế giới.

Các chuyên gia nhận định giá dầu càng giảm bao nhiêu, mâu thuẫn giữa các quốc gia sản xuất vàng đen sẽ càng sâu sắc bấy nhiêu.

Trong khi đó, điều không thể phủ nhận là giá dầu giảm đã làm suy yếu đáng kể giá trị đồng rúp của Nga.

Tính đến trưa 13-10, theo tỉ giá hối đoái trên thị trường Moscow, 1 USD = 40,37 rúp, cao hơn 4 kô-pếch so với phiên giao dịch trước đó, trong khi 1 euro = 51,11 rúp , tăng 26 kô-pếch so với ngày 10-10.

Giá dầu giảm: Đòn trừng phạt của phương Tây vào Nga?

Bắt đầu từ 0h00 ngày 12/9/2014, EU quyết định áp đặt biện phạt trừng phạt kinh tế mới với Nga do cáo buộc là Nga có những hành động can thiệp tại Đông Ukraina.

Những biện pháp trừng phạt mới này sẽ bao gồm: hạn chế các ngân hàng và doanh nghiệp Nga tiếp cận thị trường vốn châu Âu, nhất là các doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí, hạn chế xuất khẩu vào Nga các mặt hàng công nghệ cao, cấm đi lại và đóng băng tài sản với nhiều quan chức cấp cao của Nga.

Giảm giá dầu: Một "đòn" của Obama giáng vào Putin?

Những tuyên bố trên ngay lập tức có tác dụng. Thị trường chứng khoán Nga bắt đầu chao đảo, tỷ giá đồng rúp – đô la Mỹ ngày 16/9 đã xuống thấp kỷ lục 38 rúp/01 đô la Mỹ (cụ thể là 38,68 rúp), đối với đồng euro – tỷ giá đã là 50,5 rúp/01 euro.

V.Krashenhinnhikova, giám đốc Trung tâm báo chí và nghiên cứu Hãng thông tấn Moscow “Nước Nga ngày nay” nhận định, kế hoạch của Tổng thống Mỹ Obama giống kế hoạch của tổng thống R.Rigan chống Liên Xô thập niên 80.

Mỹ và Liên Xô đã có lịch sử dài “trao đổi” các biện pháp trừng phạt. Kể từ khi Liên Xô (Nga là chủ thể thừa kế hợp pháp) được thành lập cho đến nước Nga hiện nay và Mỹ đã có nhiều “cuộc chiến tranh thương mại”, trong đó có 2 lần xảy ra “cuộc chiến dầu mỏ”.

Lần thứ nhất, năm 1973, Mỹ đã “thua đau” khi các nước Arập khai thác dầu mỏ nằm trong thành phần OPEC tiến hành “cuộc chiến tranh thương mại dầu mỏ” chống lại Mỹ và các nước Châu Âu ủng hộ Israel. Mỹ bị cấm vận dầu mỏ, còn Châu Âu – bị tăng số tiền phụ thu khi nhập khẩu dầu.

 “Cuộc khủng hoảng dầu mỏ” những năm 70 khiến giá dầu tăng, đã có tác dụng tích cực đối với nền kinh tế Xô Viết. Tốc độ tăng trưởng GDP của Liên Xô trong những năm 70 luôn cao hơn các đối thủ cạnh tranh trong “khối tư bản chủ nghĩa” lúc này đang bị “sốc nặng” vì hậu quả của cuộc khủng hoảng dầu. Mức sống và chất lượng sống của đại bộ phận người dân Xô Viết không ngừng tăng lên. Thặng dư thương mại luôn dương.

Tháng 6/1982, giữa Mỹ và Nga tiếp tục xảy ra cuộc chiến tranh dầu mỏ lần thứ hai. Tổng thống Mỹ R.Rigan khi đó đã quyết định giáng vào Liên Xô trên lĩnh vực tiền tệ - nơi mà các khoản thu ngoại tệ chủ yếu của Liên Xô đều từ thị trường dầu mỏ, và mọi giao dịch thanh toán đều được thực hiện bằng đồng đôla Mỹ.

Bên cạnh đó, Mỹ đã thành công trong việc gây sức ép với Saudi Arabia để đánh sụp “chỗ dựa” của nền kinh tế Xô Viết. Mùa hè năm 1985, Saudi Arabia đã mở kho dự trữ dầu và tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu.

Đến cuối năm 1985, sản lượng khai thác dầu của Saudi Arabia tăng từ 2 triệu thùng/ngày lên 10 triệu thùng/ngày – giá dầu trên thế giới giảm từ 30 xuống còn 12 đôla/thùng. Chỉ riêng thiệt hại do giá dầu giảm của Liên Xô trong những tháng đó đã là hơn 10 tỷ đôla.

Lại cũng trong khoảng thời gian này, Liên Xô mất gần 2 tỷ đôla tiền xuất khẩu vũ khí –lý do: Iran, Iraq và Lybia do khoản thu nhập từ xuất khẩu dầu bị suy giảm đột ngột nên đã không thể thanh toán khoản tiền nhập khẩu vũ khí cho Liên Xô.

Kết quả là, bắt đầu từ năm 1985, thâm hụt ngân sách của Liên Xô ngày càng lớn (từ 18 tỷ rúp năm 1985 lên đến 76 tỷ rúp năm 1990, trong khi tổng thu ngân sách hơn 400 tỷ rúp một chút). Nước Nga sau đó ngập sâu vào nợ nần để trả các khoản nhập khẩu lương thực.

Do đó, theo V.Krashenhinnhikova, những biện pháp mà Chính quyền B.Obama hiện nay đang áp dụng đối với Nga có rất nhiều điểm trùng lặp với chiến lược của R.Rigan, với mục tiêu không thay đổi: làm suy yếu nước Nga và nếu như có thể được, tiếp tục làm tan rã nước Nga.

Tuy nhiên, theo V.Krashenhinnhikova, kết cục cuộc chiến mới như thế nào, sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trước hết là ở bản thân nước Nga.

theo Nam Nam/Người đưa tin

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news