Mới đây, trong kỳ điều hành ngày 21/7, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm mạnh. Cụ thể, xăng E5 RON 92 giảm 2.710 đồng/lít với mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 25.070 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 3.600 đồng/lít với mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 26.070 đồng/lít.
Giá bán đối với mặt hàng dầu cũng giảm mạnh ở kỳ điều hành này, dầu diesel giảm hơn 1.000 đồng/lít còn 25.200 đồng/lít, dầu hỏa còn 25.240 đồng/lít...
Ở kỳ điều chỉnh này, cơ quan điều hành trích lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng ở mức 950 đồng/lít, dầu diesel 550 đồng/lít, dầu mazut 950 đồng/kg và dầu hỏa 500 đồng/lít. Đây là lần giảm thứ 3 sau bảy lần tăng liên tiếp của giá xăng, dầu.
Ở phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu cắt giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Trước đó, trong kỳ điều hành gần nhất hôm 11/7, lần đầu tiên giá xăng đã giảm hơn 3.000 đồng/lít, về ngưỡng dưới 30.000 đồng/lít nhờ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu giảm về mức sàn và tác động từ Giá dầu thế giới giảm.
Điều đáng nói là ở kỳ điều hành ngày 11/7, đáng lẽ giá xăng có thể giảm 4.500 - 5.000 đồng/lít, nếu cơ quan điều hành giá không trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức gần 1.000 đồng/lít đối với xăng và 550 - 950 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut trong kỳ điều hành này. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến cơ quan điều hành phải trích lập bình ổn giá vào xăng dầu là do quỹ bình ổn đã được sử dụng liên tục để bình ổn giá xăng dầu trong nước nên số dư hiện ở mức thấp, tại nhiều doanh nghiệp đã bị âm.
Thời điểm giá dầu biến động, Quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn nhiều, thậm chí có thời điểm bị âm hàng trăm tỷ đồng, việc giảm thuế, phí là công cụ duy nhất giúp hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước.