Tin mới

Chuyện ai oán về những ngôi mộ vô danh ở 'thánh địa vàng'

Thứ sáu, 04/04/2014, 09:00 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Có những phu vàng xấu số chết mà không tìm thấy xác, người ta chỉ biết lập am thờ để đánh dấu” nơi bỏ mạng của họ. Những ngôi mộ như thế cứ ngày một dày lên, lẫn vào các lùm cây bụi cỏ, lẫn vào mưa nắng như nỗi khốn khổ của kiếp tìm vàng. Những giọt máu vô danhHà Tĩnh: Bất ngờ phát hiện nghĩa địa vô danh trong mỏ khai thác đá

 

 

 

 

(Tinmoi.vn) Có những phu vàng xấu số chết mà không tìm thấy xác, người ta chỉ biết lập am thờ để đánh dấu” nơi bỏ mạng của họ. Những ngôi mộ như thế cứ ngày một dày lên, lẫn vào các lùm cây bụi cỏ, lẫn vào mưa nắng như nỗi khốn khổ của kiếp tìm vàng.

“Phước Sơn gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó đừng mong ngày về”... Câu “thơ chế” ấy phần nào giúp ta cảm nhận điều mà người dân huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam) muốn gửi gắm đến những ai đã, đang và sẽ lặn lội đến đây tìm vàng.

Còn rất nhiều câu chuyện thương tâm, ai oán xung quanh những nấm mộ vô danh, những am thờ lạnh lẽo của những phu phen ở “thánh địa vàng” xứ Quảng.

Am thờ một phu vàng mất xác

Am thờ một phu vàng mất xác

Thâm nhập “thánh địa vàng”

Vừa đặt chân đến đây, tôi được một anh xe ôm dẫn vào rừng sâu để thắp nén nhang trên mộ những phu vàng xấu số. Theo lời anh này, trước đây, anh từng bán sức làm phu tại nhiều bãi vàng, nhưng vì không chịu nổi sự khắc nghiệt của cái nghề sinh tử này nên phải giải nghệ. Phước Sơn là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam nằm dọc theo trục đường Hồ Chí Minh, lâu nay được nhiều người biết đến với tên gọi mỹ miều “thánh địa vàng”. Huyện này có tất cả 12 xã thị trấn, hầu như ở địa phương nào cũng có mỏ vàng, vì thế mà hàng trăm bãi vàng sa khoáng trái phép mọc lên như nấm. Trên mỗi bãi lại có hàng ngàn con người tứ xứ, hằng ngày đục đẽo, quần quật như một đại công trường, chứ không ai dám nghĩ đó lại là các bãi khai thác trái phép.

Trên “thánh địa vàng”, các “chủ bưởng” thường đến từ các tỉnh phía Bắc, như Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên... Họ đến đây lập nghiệp, dựng lán trại, tập kết quân tại các đồi núi, rừng sâu để khoanh vùng chiếm giữ, thăm dò, tìm “tia vàng”. Nếu “tăm” nơi này không có hoặc lượng vàng thấp, không đủ chi phí, họ sẽ tìm ở những nơi khác. Cứ thế, rừng núi khu vực này dần dần bị băm nát để tìm vàng. Ngoài số ít các nhà máy khai thác vàng có giấy phép, được đầu tư xây dựng bài bản, kiên cố, phần lớn số còn lại là các bãi vàng trái phép. Cho nên, để thuận tiện và đỡ tốn kém, tất cả các lán đều tạm bợ, thủ công và dường như ở đó, tính mạng của những phu vàng càng trở nên mong manh...

Để lấy được quặng vàng, người ta phải đào hầm từ trên đỉnh hoặc lưng chừng núi ăn thông xuống. Hầm cạn nhất cũng phải sâu tới vài ba chục mét, còn sâu hơn thì đến hàng trăm mét. Những hầm vàng nằm san sát nhau như những ngóc ngách địa đạo thời chiến tranh. Hàng ngày, các phu vàng phải men theo những ngóc ngách, uốn mình theo đường ống dây nhựa truyền không khí từ miệng hầm xuống dưới đáy mặc cho những rủi ro đang chực chờ. Chỉ cần phía trên, hệ thống dẫn khí gặp sự cố hay miệng hầm bị sập thì họ sẽ phải vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất.

Mỗi năm, tại xứ vàng Quảng Nam xảy ra nhiều vụ sập hầm vàng, khiến không ít người chết. Máu cũng đã đổ nhiều trên các bãi khai thác vàng ở đất Quảng khi các tay “anh chị” trong giới “vàng tặc” giải quyết mâu thuẫn tranh giành lãnh địa bằng hung khí hoặc mìn tự tạo. Có những cái chết vì sập hầm, vì sốc ma túy và cũng có cả những cái “chết mòn” theo ngày tháng vì sốt rét rừng hay HIV/AIDS... Dù đã “thấy quan tài” trước mắt nhưng vì đói nghèo, vì muốn đổi đời trong chốc lát, những phu vàng tứ xứ vẫn liều mình đánh đu với số phận, mặc bao hiểm nguy chết chóc, bệnh tật rình rập.

Năm 2013, nơi đây đã có không ít người bị bệnh, nhiễm HIV/AIDS rồi chết dần chết mòn, tập trung chủ yếu tại các xã vùng sâu, nơi những bãi vàng hoạt động nhộn nhịp như: Phước Thành, Phước Kim, Phước Đức và thị trấn Khâm Đức..., khiến người dân địa phương hết sức hoang mang, lo sợ. Con số này chỉ là một phần nổi của tảng băng, bởi lẽ còn rất nhiều người đã và đang đấu tranh giành giật mạng sống từng ngày, nhưng họ lại từ chối khám chữa bệnh nên không thể nào thống kê hết.

Nhiều câu chuyện thương tâm, ai oán xung quanh những nấm mộ vô danh, những am thờ lạnh lẽo của những phu phen ở “thánh địa vàng” xứ Quảng.

Nhiều câu chuyện thương tâm, ai oán xung quanh những nấm mộ vô danh, những am thờ lạnh lẽo của những phu phen ở “thánh địa vàng” xứ Quảng.

Đau lòng những nấm mồ vô danh

Dọc theo tuyến đường từ thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn) vào các bãi vàng ở xã Phước Đức, Phước Thành, Phước Xuân..., anh xe ôm chỉ cho tôi vô số những nấm mộ vô danh, những ban thờ bên vệ đường lạnh tanh không mấy khi được nhang khói. “Phận phu vàng sống đã khổ, chết còn khổ hơn. Đa số người chết đều không danh tính, quê quán, vì khi đến đây, ai nấy cũng đều muốn giấu giếm quê quán, quá khứ của mình. Khi chết đi, bạn vàng hay người dân chỉ biết mang ra bìa rừng, bờ suối chôn cất để an ủi người đã khuất”, anh xe ôm giải thích.

Cũng theo anh xe ôm kể, thậm chí, có những phu vàng chết nhưng không tìm thấy xác, nên người ta chỉ biết lập lên những am thờ để “đánh dấu” nơi bỏ mạng của những phu vàng xấu số. Do rừng sâu, nước thẳm nên phần lớn những ngôi mộ, ban thờ đều được lập đơn sơ. Điều đáng buồn, các ngôi mộ như thế cứ ngày một dày lên, lẫn vào các lùm cây bụi cỏ, lẫn vào mưa nắng và sự khốn khổ của một kiếp tìm vàng.

Trên đường đi, anh xe ôm nói như chiêm nghiệm: “Đời phu vàng ngắn ngủi, ranh giới sống chết mong manh, nên chuyện thi thoảng lại nghe có vụ sập hầm chết người là chuyện thường ở huyện. Đau xót hơn, nhiều vụ sập hầm chết người, chủ cai không thèm đưa thi thể lên mà để nằm dưới hầm sâu lạnh lẽo, nhiều người chết chẳng biết gốc gác quê hương. Có người chết vì sập hầm thì chủ cai đổ thừa chết do chích hút để chối bỏ trách nhiệm”.

Đường vào khu mộ heo hút, có chỗ dốc đứng, chỗ phải len lỏi dưới những khe suối có tán rừng rậm. Chúng tôi dừng xe thắp nén hương cho một nấm mộ vô danh nằm ven suối vào bãi vàng khe 45, xã Phước Đức. Không khí như u uất, lạnh lẽo hơn, khi anh xe ôm kể cho tôi nghe về một phu vàng người Nghệ An chết vì nhiễm HIV cách đây không lâu. Theo lời anh xe ôm, khi thấy mình có những biểu hiện của căn bệnh thế kỷ vì trước đó đã dùng chung kim tiêm ma túy với bạn vàng, người thanh niên này hoang mang, lo sợ, trốn khỏi bãi vàng để về quê chữa bệnh. Thế nhưng, khi chưa ra được khỏi rừng, mệt lả vì đói khát và sốt rét, anh ta đã bỏ mạng tại khe suối này. Đến hôm sau, những người thồ hàng đi ngang qua, thấy xác một thanh niên đã chết ngồi tựa vào gốc cây bên suối nên đã đào hố chôn cất ngay bên gốc cây này và lấy đá đắp xung quanh để phòng khi nước lớn có thể cuốn đi. Rồi cứ thế, mỗi khi có người đi ngang qua lại dừng chân thắp nén hương và đắp lên trên mộ phần thêm vài viên đá để an ủi vong linh người xấu số. Ngôi mộ ngày một to lên...

Phía trong bãi vàng ngầm 45 Phước Đức còn có ngôi mộ đặc biệt mà gần như phu vàng nào cũng biết, đó là “mộ ba mũ”. Do từng làm ở đây nên anh xe ôm biết rất rõ về ngôi mộ này. “Vì không ai biết tên tuổi, quê quán ba người nằm dưới mộ nên họ chỉ dựa vào ba chiếc mũ bảo hộ treo trên ba lư hương nên gọi là mộ ba mũ thôi”, anh xe ôm cho biết. Họ chết cách đây đã hơn chục năm vào một chiều mưa tầm tã. Sau khi nổ mìn đánh đá xong, ba phu vàng ngồi trên miệng hầm hút thuốc, chờ khói mìn bay hết mới vào khuân đá. Thế nhưng, do chủ hầm đang say rượu, bắt phải xuống vác đá ngay, nên họ bị ngạt khói, chết luôn dưới hầm. Sau khi chôn cất, bạn bè làm chung tiếc thương nên lấy ba chiếc mũ bảo hộ họ đội treo lên ban thờ để tưởng nhớ.

Nhìn những nấm mộ lấp vội, sơ sài cỏ mọc dày đặc, cái thấp cái cao rất khó phát hiện. Ngoài những chân nhang vàng bệch được cắm trên những nấm mồ vô danh, còn vô số những miếu thờ nằm ẩn khuất dưới rừng cây. Những miếu thờ được lập lên để tưởng niệm những người đã chết, thân xác bị đất đá vùi lấp không thể tìm thấy.

Mộ vô danh và am thờ bị bỏ quên không chỉ dày đặc ở các bãi vàng mà ngay trong nghĩa địa nhân dân thị trấn Khâm Đức, trung tâm huyện lỵ “thủ phủ vàng” Phước Sơn cũng rất nhiều. Những nấm mộ này được đắp lên cho người chết vì nhiều nguyên nhân khác nhau, như sập hầm, nghiện ngập, bệnh tật..., tất cả đều không có người thân thích. Họ được chủ các bãi vàng, người dân nhân hậu hay chính quyền địa phương phát hiện và gửi lại nghĩa trang để đỡ hiu quạnh. Vì thế, trên một số ngôi mộ “may mắn”, bà con thường gắn bia và đặt tên là Nguyễn vô danh, Trần vô danh...

Ranh giới sống - chết mong manh

Còn rất nhiều câu chuyện thương tâm, ai oán xung quanh những nấm mộ vô danh, những am thờ lạnh lẽo của những phu phen ở “thánh địa vàng” xứ Quảng. Song, từng ấy mảnh đời cũng đủ để thấy rằng, câu “thơ chế” là lời khuyên nhủ của người dân nơi đây dành cho những ai đang quay cuồng trong giấc mộng vàng – nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết thật là mong manh...

Thanh Trúc- Miên Miên

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news