Có nhà nhưng không ở, người đàn ông U50 đào hầm sâu xuống lòng đất và sống chui lủi trong đó như loài chuột.
Không những thế, căn hầm của ông còn được bao bọc bỏi lùm cây rậm um tùm và hàng tá quần áo, vải vóc phủ kín. Đứng ở ngoài nhìn vào chỉ thấy một màu đen âm u, ghê sợ…
Đó là những gì mà người dân tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, Hải Dương truyền tai nhau về người đàn ông “lập dị”, sống chui lủi như loài chuột.
Lối vào căn hầm rậm rạp, cây mọc um tùm. |
Theo thông tin từ người dân, người đàn ông này tên Phức, sống ở xã Thanh Hồng. Bất kể là người già, trẻ nhỏ hay đám thanh niên khi nhắc đến trường hợp ông Phức đều có thể kể vanh vách với những tình tiết lạ lùng. Có người còn nghi vấn, ông Phức giả vờ sống dị thường, đào hầm trong khu vườn để tìm kho báu?!
Căn nhà ông Phức hoang tàn do không có người ở. |
Câu chuyện về người đàn ông lập dị này không chỉ xôn xao ở xã Thanh Sơn, mà một số xã lân cận đó đều xì xầm nhỏ to.
Phía ngoài căn hầm nơi người đàn ông kỳ dị trú ẩn. |
Tuy nhiên, mọi người biết đến câu chuyện và tin rằng lý do khiến ông Phức trở nên “gàn dở” như vậy là do một năng lực bất thường nào đó điều khiển. Vì ngày trước, ông có thời gian công tác trên miền núi, mãi tận biên giới giáp ranh Trung Quốc.
Tất cả những câu chuyện lạ lùng mà người dân rỉ tai nhau xôn xao cả một vùng cũng đều do được nghe lại. Câu chuyện cứ thế tam sao thất bản, khiến chính người dân cũng không biết thực hư nó như thế nào, nên càng gây thêm sự tò mò trong dân chúng.
Câu chuyện về ông Phức chưa ai xác minh, nhưng lời đồn về ông thì cứ thế lan truyền ngày một rộng.
Đức Hòa (30 tuổi, người địa phương) cùng một vài thanh niên nữa dẫn đồng ý dẫn chúng tôi đến mục sở thị căn hầm nơi ông Phức sống.
Trên chặng đường từ Thanh Cường đến Thanh Hồng, khi hỏi về ông Phức ai cũng đều biết. Thế nên chúng tôi chẳng khó khăn gì tìm được đến căn hầm ông.
Quả thực, không ngoài những lời đồn đoán, nơi ông Phức sống hiện tại nằm ngay bên đường dân sinh thôn Hồng Kỳ, xã Thanh Hồng.
Đứng từ ngoài đường nhìn vào thì chẳng thể thấy nổi bên trong, vì cây cối rậm rạp, phía ngoài bị che chắn bởi túi nilon, quần áo cũ giăng kín.
Lối vào căn hầm là một cái lỗ nhỏ được che chắn bởi lùm cây rậm rạp. |
Vén tán cây, Hòa dẫn chúng tôi vào bên trong. Qua lớp bụi rậm như mê cung là cả một khu lán tạm bợ, tuềnh toàng được che chắn bởi đủ thứ vải, lá chuối…
Trong cái lán ấy có những hốc thụt vào sâu như thể nơi để người nằm tránh mưa nắng. Phía trung tâm lán, dưới gốc chuối có tấm gỗ, nơi được cho là cửa dẫn xuống hầm, nơi sinh sống của ông Phức. Cửa hầm tối om om, khu vườn rậm rạp và cảnh tượng hoang tàn khiến chúng nôi nổi da gà nên phải trở ra ngoài.
Để đi lại phía trong khu lán, chúng tôi phải luồn cúi gập mình vì cây cối chằng chịt. |
Bà Bi (ngoài 70 tuổi) người địa phương cho biết, trường hợp ông Phức ai cũng biết, người dân ở đây cho rằng ông bị năng lực nào đó điều khiển nên mới như vậy chứ không phải bị bệnh tật gì.
Vải bạt, nilon được giăng kín quanh khu lều tạm. |
Bà cho biết thêm, ông Phức còn một người em trai, nhà ngay gần khu vườn rậm rạp, nơi ông trú ngụ.
Quay trở lại khu vườn, đi vòng ra bên cạnh là căn nhà mái bằng của ông Đỗ Văn Thơm (SN 1970, em trai ông Phức). Chúng tôi phải chờ mãi đến chiều, ông Thơm mới vác quốc từ đồng về nhà.
Trao đổi với chúng tôi về trường hợp của anh trai mình, ông Thơm tỏ ra ngạc nhiên khi câu chuyện lại nhiều người biết đến vậy.
Khu vườn được nhìn từ ngôi nhà mái bằng nằm sát bên. Ông Thơm phải dùng sào để gạt lá cây, chỉ cho chúng tôi cửa hầm dẫn xuống lòng đất. |
Ông Thơm cho biết, anh trai mình đào một đường hầm đi chéo xuống lòng đất, sau khoảng 3m. Sâu xuống 1m tính từ mặt đất, ông Phức khoét rộng lòng hầm, ông kê ván để ngủ. Trong ảnh là lối dẫn xuống hầm. |
Ông kể, anh trai ông tên đầy đủ là Đỗ Văn Phức, SN 1963. Ngày trước, ông Phức đi bộ đội trên Hà Giang, đóng quân mãi tận biên giới, sau khi xuất ngũ ông ở lại đó làm ăn. Có lẽ, cũng vì điều này mà người dân đồn đoán ông bị bùa ngải.
Ông Thơm khẳng định, anh trai mình bị bênh tâm thần, đã từng đi chữa trị tại bệnh viện chứ không phải bị bùa ngải, dẫn đến hành động lập dị là đào hang để sống.
“Sau khi ra quân anh tôi sinh sống trên Hà Giang, đến năm 1994 thì phát bệnh, gia đình lên đón anh về. Sau đó đưa đi chữa bệnh, nhưng được một thời gian anh bỏ bệnh viện nên gia đình đưa về nhà”, ông Thơm chia sẻ.
Ông Phức, bên lối vào căn hầm của mình. |
Ông Thơm phỏng đoán, do ngày trước bệnh tình ông Phức chưa nặng như bây giờ nên mọi người không để ý. Những năm gần đây, bệnh tình ông càng nặng thêm, ông đào một cái hốc xuống lòng đất, sâu khoảng 3m và thường xuyên ở trong đó. Nhiều người không biết ông bị bệnh tâm thần nên cứ đồn đoán rồi lan truyền câu chuyện mê tín.
Ông Thơm chia sẻ, do ông Phức không có biểu hiện nguy hiểm như vô cớ đánh người, thương anh trai nên gia đình không muốn đưa đi viện mà để ông ở gần, tiện chăm sóc. Ngày trước, gia đình có lấy thuốc từ BV về điều trị. Tuy nhiên, ông Phức không chịu uống nên gia đình đành chịu.
Ông Thơm chia sẻ với chúng tôi về thực hư câu chuyện của anh trai mình. |
Sau khi nghe ông Thơm lý giải về hành động của anh trai mình, nhóm thanh niên dẫn chúng tôi đến mục sở thị cũng thừa nhận. Trước nay, họ cũng chỉ nghe người dân đồn thổi, rồi một số người chụp ảnh và đăng câu chuyện ông Phức lên Facebook chứ cũng chưa bao giờ xác minh.
Sự thật mà ông Thơm chia sẻ, đã giải tỏa được lời đồn khiến người dân gần đó xôn xao thời gian qua.
Nhóm PV