Theo chuyên gia khí tượng, thời điểm này các tỉnh miền Bắc và Trung bộ đang trong giai đoạn chuyển mùa, các hiện tượng tố lốc, mưa đá và đặc biệt là giông sét xuất hiện nhiều theo đúng quy luật thời tiết.
Theo ghi nhận của báo chí, gần đây ở nhiều địa phương liên tiếp xảy ra giông sét, làm thương vong nhiều người, trong đó có vụ khiến 4 người chết cùng một lúc. Những hiện tượng bất thường này cùng với những đợt nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều ngày khiến nhiều người lo ngại vì thời điểm này mới là tháng 5. Liệu có phải năm nay các hiện tượng thời tiết bất thường xuất hiện sớm hơn cùng kỳ những năm trước?
Giải mã hiện tượng này, trao đổi trên Vnexpress, ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng dự báo ngắn hạn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định: "Tùy thuộc giai đoạn chuyển mùa đến sớm hay muộn mà thời gian có giông sét cũng bị ảnh hưởng theo, chuyển mùa càng chậm thì giông sét càng kéo dài".
Nhiều người bị sét đánh chết trong thời gian gần đây. Ảnh minh họa |
Theo ông Tuấn, thời gian này đây đang là giai đoạn chuyển mùa ở khu vực miền Bắc và Trung Bộ. Lúc này Không khí lạnh vẫn còn hoạt động, di chuyển đẩy rãnh thấp lùi sâu xuống phía Bắc gây xáo động mạnh, tạo ra các hiện tượng tố lốc, mưa đá và đặc biệt là giông sét. Giai đoạn này giông sét sẽ xuất hiện nhiều ở miền Bắc và Trung Bộ. Còn khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ đã bước vào mùa mưa nên khả năng xuất hiện giông sét đã giảm đi khoảng 20% so với hồi tháng 3 (thời kỳ chuyển mùa ở Tây Nguyên, Nam Bộ).
"Giông sét là hiện tượng phóng điện giữa đám mây giông tích điện xuống mặt đất, còn hiện tượng phóng điện giữa các đám mây với nhau hoặc phóng điện vào trong không khí chỉ gây ra sấm, chớp bình thường mà chúng ta vẫn thấy", ông Tuấn giải thích.
Ông Tuấn cho biết, hàng năm, miền Bắc và Trung Bộ có hai giai đoạn chuyển mùa, từ mùa lạnh chuyển sang nóng (tháng 4-6) và từ mùa nóng chuyển sang lạnh (tháng 8-9). Lúc này đang là thời điểm giông sét xuất hiện nhiều nhất. Thời kỳ chuyển mùa ở Tây Nguyên, Nam Bộ thì giông sét thường xảy ra vào tháng 3. Lúc chính vụ nóng mà có mưa giông thì vẫn xảy ra hiện tượng này.
"Tùy từng năm, thời kỳ chuyển mùa đến sớm hay muộn mà thời gian có giông sét cũng bị ảnh hưởng theo. Căn cứ vào thời kỳ chuyển mùa, có những năm thời kỳ chuyển mùa dịch lùi về phía sau thì thời kỳ cảnh báo giông sét cũng bị dịch theo. Năm nay, thời kỳ chuyển mùa đến bình thường, vào tháng 4 – 5 và tháng 8 – 9 từ mùa nóng sang lạnh, nên hiện tượng giông sét cũng sẽ xuất hiện trong thời gian đó", ông Tuấn nói.
Ngoài các bản tin từ cơ quan khí tượng, người dân có thể dựa vào kinh nghiệm dân gian để nhận biết dấu hiệu sắp có giông sét. Đó là trời đang nóng đột ngột chuyển lạnh, những đám mây đen dày đặc xuất hiện, không khí lạnh hẳn đi, có những đợt gió xoáy mạnh trong không khí.
Do thời điểm hiện nay, bà con ở nhiều tỉnh miền Bắc và Trung bộ đang bước vào mùa gặt, thường xuyên ở ngoài trời - khu vực nguy hiểm khi xảy ra giông sét nên ông Tuấn khuyên, nếu thấy có hiện tượng mưa giông thì bà con nên đi về, không nên cố làm thêm gây nguy hiểm đến tính mạng.
"Giông sét thường xảy ra trong phạm vi hẹp. Khi mưa giông xảy ra, bà con nên di chuyển đến nơi an toàn, không tránh trú dưới gốc cây, tránh xa nơi đồng không mông quạnh. Đó là những nơi dễ có giông sét, chỉ cần có một đám đất nhô cao cũng có thể bị sét đánh. Ngoài ra, tránh xa những vũng nước, rãnh nước, mương nước vì sét đánh dễ truyền điện, gây nguy hiểm tính mạng", ông Tuấn khuyến cáo.
Như tin tức đã đưa, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ giông sét gây chết người. Gần đây nhất là vụ sét đánh trúng nhóm 7 nông dân đang thu hoạch lúa trên cánh đồng ở TP Tam Điệp (Ninh Bình) khiến 4 người chết tại chỗ, 3 người còn lại trọng thương.
Các nạn nhân tử vong gồm: ông Trần Văn Tuân (SN 1960), chị Nguyễn Thị Thùy (SN 1986), cùng trú tại phường Tân Bình – TP. Tam Điệp - Ninh Bình, và chị Phạm Thị Tấm (SN 1974), chị An Thị Nhung (SN 1981), cùng trú tại xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh – Ninh Bình.
Ngoài ra, 3 người bị thương gồm, chị Vũ Thị Ngải (SN 1973), Đặng Thị Yến (SN 1972), cùng trú tại xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, và chị Trần Thị Bưởi (SN 1980, trú tại phường Tân Bình - TP, Tam Điệp).
Chia sẻ trên báo Thanh niên, chị Vũ Thị Ngải, 1 trong 3 người may mắn sống sót cho biết: "Lúc tôi đang bốc lúa lên bờ, bỗng thấy 2 chân tê cứng như có luồng điện chay qua. Tôi nhớ là chỉ kịp kêu lên : "Ối con ơi mẹ chết mất rồi!", sau đó ngã vật ra ruộng lúa, không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy, tôi nghe tiếng người kêu khóc, nghe kỹ thì là tiếng của thím Yến (cũng là một người may mắn thoát chết). Lúc đó tôi cố ngồi dậy nhưng toàn thân tê cứng, không thể nhúc nhích được. Tôi chỉ cảm nhận được là người mình vẫn đang ngâm dưới nước vì ruộng lúa lúc đó cũng có khoảng một gang tay nước”.
Ông Đinh Thịnh Hội (43 tuổi), người chứng kiến vụ việc cũng cho biết, bà con làm việc gần hiện trường nghe tin dữ cùng chạy ra tìm cách sơ cứu nạn nhân, nhưng 4 người đã tắt thở trước đó.
"Sau tiếng nổ đinh tai, tôi chạy ra thì thấy cảnh tượng hãi hùng. Họ nằm la liệt, cơ thể cháy xém, quần áo rách nham nhở", ông Hội thảng thốt kể lại trên Vnexpress.
Trước đó, chiều tối 19/5, tại thôn Con Riêng, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cũng xảy ra vụ sét đánh làm 3 người chết, 1 người bị thương.
Theo đó, vào thời điểm trên sau khi tập kết sắn thu mua của người dân, bà Đinh Thị Kim Thanh, 45 tuổi, ngụ thôn Con Riêng thuê một số người chuyển sắn lên ô tô tải. Lúc này mưa giông và sấm sét đã đánh trúng làm bà Đinh Thị Kim Thanh và hai cha con ông Phạm Văn Lo, 31 tuổi cùng cháu Phạm Thị Thơ, 6 tuổi, tử vong tại chỗ. Riêng anh Phạm Văn Thanh, 21 tuổi, ngụ thôn Con Riêng, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ bị thương.
Ngày 18/5 cũng tại huyện miền núi Ba Tơ, chị Phạm Thị Lý, 32 tuổi ngụ thôn Trường An, xã Ba Thành, bị sét đánh tử vong khi đang chăn trâu ngoài đồng.
H.M (tổng hợp)