Tin mới

Giải mã hiện tượng nước giếng bị mặn chát, nếm vào là tê lưỡi ở Thanh Hóa

Thứ bảy, 11/06/2016, 10:15 (GMT+7)

"Hoạt động của các hang ngầm Karst trong lòng đất chạy thông ra biển cũng có thể là nguyên nhân gây nên hiện tượng nước giếng của các hộ dân bị nhiễm mặn" - GS địa chất Phan Trường Thị cho biết.

"Hoạt động của các hang ngầm Karst trong lòng đất chạy thông ra biển cũng có thể là nguyên nhân gây nên hiện tượng nước giếng của các hộ dân bị nhiễm mặn" - GS địa chất Phan Trường Thị cho biết.

Suốt 5 năm qua, nước giếng khơi, giếng khoan của các hộ dân ở thôn 7, thôn 8 của xã Quảng Thái (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bỗng nhiên bị mặn, không thể dùng để sinh hoạt. Có hộ còn khoan tới 3, 4 lần nhưng nước giếng vẫn bị mặn. 

Theo thông tin từ một cán bộ xã Quảng Thái, khu vực nước giếng bị nhiễm mặn nằm sát bờ biển. Cách đây 13 năm (vào năm 2003), một công ty có tên Long Phú có triển khai mô hình nuôi tôm trên cát tại địa phương. Vị trí của các vuông tôm vốn dĩ trước đây là khu đất trồng rừng phòng hộ, nằm ngay sát nhà của các hộ dân hai thôn 7 và 8 của xã.

"Trong quá trình nuôi tôm, doanh nghiệp đã bơm một lượng lớn nước biển vào các vuông. Thời gian quá lâu, các bạt lót đáy của vuông tôm không được thay thế, bị mục nát và rò rỉ nước, thấm xuống phía dưới. Đây có thể là nguyên nhân khiến nước ngầm bị nhiễm mặn. Xã đã làm báo cáo gửi lên huyện đề nghị lập đoàn kiểm tra làm rõ nguyên nhân nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý" - vị cán bộ này cho biết.

Nước giếng bị mặn chát, người dân không thể sử dụng sinh hoạt mà phải đi xin nước từ nơi khác về. Ảnh: Nguyễn Dương

Tuy nhiên, theo nhận định của Giáo sư địa chất địa chất Phan Trường Thị, ngoài nguyên nhân giả định về trường hợp nước giếng nhiễm mặn do dự án nuôi tôm trên cát, cũng cần xem xét tới khả năng hoạt động của các hang ngầm Karst trong lòng đất ở khu vực này.

Các hang Karst thường xuất hiện ở các vùng hoặc gần các vùng có núi đá vôi. Hang thông ra biển và khiến nước biển hòa vào nguồn nước ngầm, gây nên hiện tượng mặn chát.

Theo thông tin chia sẻ trước đó của một cán bộ địa chính xã Quảng Thái, thì địa hình của xã là khu cát bãi, nằm sát biển, không có bất kỳ dãy núi đá vôi hoặc hang đá vôi nào. Tuy nhiên, Giáo sư Phan Trường Thị cho biết, đôi khi, những núi đá vôi, hang đá vôi này bị vùi sâu dưới lòng đất và bị các lớp cát phủ phía trên nên rất khó để phát hiện. 

"Theo bản đồ địa chất, cách địa bàn này khoảng 15km về hướng thành phố Thanh Hóa là khu núi đá vôi (tên là Núi Nhồi). Với phạm vi khoảng cách này thì rất có khả năng có những hang đá vôi ngầm kéo dài tới khu vực xã này. Do đó, không loại trừ khả năng các hang ngầm này đang thông ra biển, dẫn nước biển vào gây nên hiện tượng xâm thực mặn nhưng do hang bị vùi trong các tầng cát nên người dân địa phương không phát hiện ra" - Giáo sư Phan Trường Thị cho hay.

Được biết, trong khi chính quyền chưa có bất kỳ biện pháp nào khắc phục tình trạng nước giếng nhiễm mặn, người dân địa phương vẫn liên tục tiến hành khoan thăm dò để tìm nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt hoặc đi xin nước ở khu vực khác. Một số hộ còn phải khoan giếng ở khu vực khác và đầu tư hệ thống ống dẫn nước ngọt về tận nhà. 

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news