"Nước trong giếng là do mưa đổ xuống, còn nước giếng nóng lên bất thường, có thể làm chín trứng, mỳ tôm là do tiếp xúc với các dòng nhiệt tàn dư trong lòng đất" - GS Địa chất Phan Trường Thị nhận định.
Vừa qua, tại địa bàn xã Bar Măih, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai xuất hiện hiện tượng nước giếng bỗng nhiên nóng bất thường sau cơn mưa lớn. Giếng này nằm trong khu đất của một hộ dân tên Pyin ở làng Thoong Tăng của xã.
Được biết, cách đây khoảng 3 tháng, gia đình anh Pyin có đào hai giếng cách nhau khoảng 10m nhưng đều không có nước. Tuy nhiên, vừa qua, sau khi mưa xuống được 1 ngày, nước ở một trong hai giếng lại nóng tới mức có thể làm chín trứng, mỳ tôm. Theo thông tin mà gia chủ cung cấp, nước nóng nhất trong khoảng thời gian từ 12h trưa tới 4 giờ chiều cùng ngày. Và cho đây là hiện tượng "lạ" nên gia đình anh Pyin không dám sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt.
Trao đổi với phóng viên về hiện tượng trên, GS Địa chất Phan Trường Thị nhận định, nước giếng nóng bất thường không phải là hiện tượng bí ẩn và cũng không ẩn chứa các mối nguy khẩn cấp về địa chất. Bởi từ cách đây khoảng 3, 4 nghìn năm, vùng Gia Lai, Kon Tum từng có núi lửa hoạt động. Hiện nay, những núi lửa này đã tắt; tuy nhiên, ẩn sâu dưới lòng đất vẫn còn lại "hơi" của núi lửa cổ. Đó chính là những dòng nhiệt tàn dư. Khi lòng đất có biến động địa chất hoặc xuất hiện đường nứt, dòng nhiệt sẽ di chuyển. Khi các khối nhiệt đi qua nước trong giếng thì một phần nhiệt sẽ "hấp thu" vào nước và làm cho nước nóng lên.
Nước giếng nhà anh Pyin bỗng trở nên nóng bất thường sau cơn mưa. Ảnh: báo Công lý |
"Trong trường hợp này, nước có trong giếng là do nước mưa đổ xuống. Còn nước bị nóng là do tiếp xúc với khối nhiệt tàn dư nằm trong lòng đất. Khối nhiệt này có thể có sẵn ở vị trí đáy giếng, có thể ở quanh khu vực đó nhưng xa hơn hoặc sâu hơn, khi chưa có nước thì nhiệt đó chưa lan truyền được. Khi giếng có nước, các mạch nước lan tỏa và gặp các khối nóng sẽ làm nước ấm lên" - GS. Phan Trường Thị giải thích.
Theo chuyên gia địa chất, ngoài việc khối nóng làm ấm mạch nước ngầm thì, trong lòng đất vẫn tồn tại rất nhiều các đường nứt nẻ. Với những đường nứt nẻ đương đại (đường nứt chỉ khoảng 2000 năm trở lại đây) thì sẽ dẫn nhiệt từ trong lòng đất đi lên phía trên bề mặt trái đất, nhiệt này gặp các dòng thủy văn sẽ tạo thành các suối nước nóng.
Về nguyên nhân hai giếng nhà anh Pyin cách nhau chỉ 10 m nhưng chỉ có nước một giếng bị nóng lên bất thường, Giáo sư Phan Trường Thị lý giải, đó là do hai giếng không có chung một biên nước ngầm. Giếng còn lại chảy ở đường biên khác thì sẽ không tiếp thu được luồng nhiệt đó. Đây là hiện tượng không hề kỳ bí mà hoàn toàn có thể giải thích bằng khoa học.
Trước đó, cũng tại địa bàn Gia Lai, hồi tháng 4, giếng nước của một hộ dân trên địa tỉnh cũng trở nên nóng bất thường. Nhiệt độ nước trong giếng cao nhất là vào thời điểm sáng sớm và tối muộn, khoảng 80°C và có thể làm chín được mì gói. Thời điểm còn lại, nguồn nước có nhiệt độ 30-35°C. Hiện tượng "lạ" này kéo dài đã hai tuần khiến gia chủ không dám sử dụng nguồn nước trong giếng mà phải đi xin nước về để sinh hoạt.
Vũ Đậu