Tin mới

Nguyên nhân ngôi nhà ở Hải Phòng 20 lần bốc cháy

Thứ tư, 26/08/2015, 18:52 (GMT+7)

Liên quan đến vụ ngôi nhà ở Hải Phòng tự nhiên bốc cháy liên tiếp 20 lần, ông Nguyễn Hoàng, Trưởng phòng Phân tích Hóa- Quang phổ (thuộc Viện địa chất) khẳng định "không có gì tự nhiên cháy cả".

Liên quan đến vụ ngôi nhà ở Hải Phòng tự nhiên bốc cháy liên tiếp 20 lần, ông Nguyễn Hoàng, Trưởng phòng Phân tích Hóa- Quang phổ (thuộc Viện địa chất) khẳng định "không có gì tự nhiên cháy cả".

Như tin tức đã đưa, thời gian vừa qua, ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1952), và con rể là anh Bùi Đình Lâm (45 tuổi) ở thôn Cầu Thượng, xã Quang Hưng, huyện An Lão, Hải Phòng, đã liên tiếp xảy ra những vụ cháy.

Vụ việc bắt đầu từ ngày 16/8, đến ngày 24/8 ngôi nhà này đã xảy ra 20 lần liên tiếp bốc cháy.

Cụ thể, ngày 16/8, đã xảy ra 4 đám cháy ở bếp, gốc vải ở vườn, đống rơm ở sân và giường; 17h ngày 18/8, cháy đống rơm ở sân; 6h40’ ngày 19/8 cháy chòi cá tại góc ao; 9h ngày 19/8 tiếp tục cháy chòi cá; 19h20’ ngày 20/8 cháy bàn học; 20h30’ ngày 20/8, cháy quần áo; 21h30’ ngày 21/8, cháy đế và dây tủ lạnh (tủ lạnh không cắm điện); 22h15’ ngày 21/8 cháy quần áo tiếp; ngày 22/8, xảy ra 04 lần cháy; ngày 23/8, xảy ra 2 lần cháy; ngày 24/8, cháy 03 lần.

Khu vực bất ngờ bốc cháy (ảnh PLO)

Vụ việc đã khiến những thành viên trong gia đình bà Thanh và những người dân trong khu vực hoang mang, lo sợ.

Nhận định về nguyên nhân của vụ việc, TS. Nguyễn Hoàng, Trưởng phòng Phân tích Hóa- Quang phổ (thuộc Viện địa chất) khẳng định: "Không có gì tự nhiên cháy cả".

Ông Hoàng nhận định, vụ cháy bất thường ở Hải Phòng có khả năng là hiện tượng do khí phốt- pho bốc lên gặp không khí nên xảy ra cháy. Điều kiện để gây cháy là trước đó, người dân khu vực này mới đào bới thứ gì đó từ dưới đất hoặc sự việc trên xảy ra sau một trận mưa, đất bị nứt ra giải phóng phốt pho.

“Nhiều khả năng là do khí phốt-pho hoặc muối natri vì chỉ có hai loại này cháy trong không khí. Tôi vẫn nghiêng về giả thiết do khí phốt-pho hơn vì nếu là phốt- pho thì có thể gây cháy ở trong môi trường kín như trong nhà. Phốt-pho từ đất mà ra. Nó nằm cách mặt đất vài chục cm. Có thể trước khi xảy ra sự việc trên, ở khu vực này người dân mới đào bới thứ gì đó từ đất hoặc sự việc trên xảy ra sau một trận mưa, đất bị nứt ra giải phóng khí phốt-pho” – TS. Nguyễn Hoàng nói.

Về giả thiết cho rằng nguyên nhân do đám mây tích điện, chất phóng xạ, acid..., ông Hoàng cho rằng, điều đó không thể xảy ra.

“Đám mây tích điện thì nó không gây cháy mà chỉ tạo ra các tia chớp có thể dễ dàng nhìn thấy. Chất phóng xạ hay acid càng không thể gây cháy. Chúng có thể tác động lên da, cơ thể con người chứ không gây cháy được”, ông Hoàng nhận định.

Trước đó, trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Tất Thưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Hưng, huyện An Lão, TP.Hải Phòng cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương đã động viên gia đình, giúp gia đình di dời tài sản trong nhà ra ngoài. Đồng thời báo cáo vụ việc lên UBND huyện và các cơ quan chức năng.

Ngày 19/8, Đại diện của Sở KH- CN và Tài nguyên môi trường đã về hiện trường vụ cháy kiểm tra, tuy nhiên đến nay chưa rõ kết luận nguyên nhân xảy ra vụ việc.

Hiện chính quyền địa phương đã phối hợp với công an huyện, CSPCCC huyện, thực hiện bảo vệ hiện trường 24/24, nhằm bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, đảm bảo ổn định đời sống tinh thần của hộ gia đình, cũng như giúp đỡ gia đình nếu xảy ra đám cháy.

H.Yen (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news