Liên quan vụ tranh chấp lao động xảy ra tại Học viện Âm nhạc Huế, Giám đốc Học viện đã viết giấy ủy quyền cho Phó giám đốc tới dự phiên hòa giải lao động nhưng lại nêu rõ, việc tổ chức cán bộ phải do đích thân Giám đốc về giải quyết.
Chiều ngày 30/6, tại Trung tâm Hành chính tập trung tp. Huế (phường Xuân Phú, tp Huế) đã diễn ra phiên hòa giải lao động giữa một bên là Học viện Âm nhạc Huế và 12 cán bộ, nhân viên đang làm việc tại Học viện này. Cụ thể, phía người lao động khiếu nại Học viện Âm nhạc Huế thực hiện việc ký kết và chấm dứt hợp đồng lao động không đúng với quy định của Bộ Luật lao động.
Trong nội dung Giấy mời hòa giải, hòa giải viên lao động được xác định là ông Phạm Hoàng Mai – Chủ tịch Liên đoàn Lao động Tp Huế. Đại diện Ban chấp hành Công đoàn Học viện gồm 12 cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại Học viện Âm nhạc Huế. Phía khách mời của Học viện được xác định là Giám đốc Học viện hoặc người được ủy quyền hợp pháp.
Vắng mặt tại phiên hòa giải, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế viết giấy ủy quyền cho cấp dưới tham dự |
Tại buổi hòa giải, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế Nguyễn Việt Đức vắng mặt, người được ông Đức viết giấy ủy quyền thay mặt tham dự phiên hòa giải là Phó Giám đốc Học viện Tạ Quang Đông. Tuy nhiên, điều khiến người lao động bức xúc là mặc dù ông Tạ Quang Đông là người được ủy quyền hợp pháp để giải quyết tranh chấp lao động, thế nhưng các vấn đề tranh chấp được đưa ra lại phải đợi đích thân ông Nguyễn Việt Đức về thì mới giải quyết. Trong khi đó, vấn đề tranh chấp đang xảy ra giữa hai bên lại liên quan tới công tác tổ chức cán bộ trong Học viện.
Được biết, Giấy ủy quyền của Giám đốc Học viện Nguyễn Việt Đức có ghi rõ: “Trong thời gian đi công tác Hà Nội từ 28/6 đế 01/7/206, tôi ủy quyền các công việc của Học viện cho đồng chí Phó Giám đốc Tạ Quang Đông phụ trách, và là đại diện hợp pháp của Học viện tại phiên hòa giải lao động chiều ngày 30/6 do phòng Lao động Thương binh xã hội thành phố Huế tổ chức. Riêng công tác tổ chức cán bộ, Kế hoạch tài chính, Dự án xây dựng chờ giám đốc về giải quyết”.
Bức xúc trước thái độ làm việc của Ban Giám đốc Học viện, các các bộ, nhân viên cho rằng, nếu Giấy ủy quyền không có tác dụng trong lĩnh vực Tổ chức Cán bộ, Kế hoạch Tài chính, Dự án xây dựng thì sự có mặt của ông Đông cũng không giải quyết được gì!
Trước ý kiến trên, ông Đông thống nhất như bên nguyên đơn mong muốn, đó là đợi giám đốc về… hòa giải lại.
Ý kiến về vụ hòa giải, ông Phạm Hoàng Mai – Trưởng ban hòa giải nhận định: “Vụ việc đã gây xôn xao dư luận trong một thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Vì vậy, phương án cuối cùng là đưa sự việc lên tòa án nhân dân thành phố Huế”.
Phiên hòa giải lao động giữa Học viện âm nhạc Huế và cán bộ, nhân viên của Học viện |
Trước đó, theo tin trên báo Tuổi trẻ, tại cuộc đối thoại với 141 cán bộ, nhân viên thuộc diện hợp đồng vào chiều ngày 10/7/2015, Học viện Âm nhạc Huế đã thông báo có thể cho số cán bộ trên nghỉ việc vì không có tiền để trả lương. Nguyên nhân từ phía Học viện đưa ra là do sáu tháng đầu năm 2015, đơn vị này chi 3,17 tỉ đồng để trả lương cho các cán bộ, nhân viên diện hợp đồng, trong khi chỉ thu được 302 triệu đồng học phí. Trong khi đó, dự kiến trong sáu tháng cuối năm sẽ chi khoảng 3 tỉ đồng tiền lương cho diện hợp đồng, trong khi chỉ thu được gần 1,4 tỉ đồng tiền học phí, sẽ thâm thêm hơn 1,6 tỉ đồng.
Giám đốc Nguyễn Việt Đức cho biết, trong trường hợp xấu nhất, Học viện sẽ cho diện lao động hợp đồng nghỉ việc không lương những tháng cuối năm cho đến khi tình hình tài chính ổn định sẽ gọi đi làm trở lại. Tuy nhiên, ông Đức cũng không thông tin rõ sẽ cho nghỉ vào thời điểm nào và nghỉ trong khoảng thời gian bao lâu.
Được biết, từ 90 lao động diện hợp đồng vào năm 2010, đến năm 2011, Học viện Âm nhạc Huế đã có 107 lao động hợp đồng. Đến ngày 30/6/2015, số hợp đồng của học viện là 168; sau đó có 27 người được nhận vào biên chế, đến nay còn lại 141 hợp đồng.
Tại buổi đối thoại, trước câu hỏi lượng vì sao lượng sinh viên giảm, nguồn thu liên tục giảm, nhưng học viện lại liên tục nhận thêm người, ông Đức cho biết ba lý do: Thứ nhất là các khoa phòng đề xuất cần thêm người; thứ hai, học viện thường xuyên tổ chức hoạt động biểu diễn bên ngoài nên cần nhiều người để phục vụ; và thứ ba là... quan hệ đối ngoại của học viện.
Thục Quyên