Không may bị lây nhiễm HIV từ bố mẹ, em H.A. (8 tuổi) và em N.P. (14 tuổi) cùng ở Hưng Yên, phải chịu sự kỳ thị, ghẻ lạnh từ cộng đồng xung quanh, ngay cả quyền được tới trường của các em cũng bị ngăn cản.
Nhưng, khát vọng tới trường cùng nỗ lực vươn lên của bản thân H.A. và N.P. đã làm thay đổi cách nhìn của cộng đồng về hai em.
Điều này, khiến không ít người ví H.A. và N.P. là những “chiến binh” quả cảm, đi đầu trong cuộc chiến chống lại nạn kỳ thị của cộng đồng đối với những người không may nhiễm HIV.
Chị Nguyễn Thị H. và em H.A..
Đường đến trường đầy “giông bão”
Tôi gặp H.A. và N.P. trong hội nghị tổng kết Dự án và công bố kết quả nghiên cứu xây dựng mạng lưới tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại cộng đồng do trung tâm Tư vấn Pháp luật và Chính sách về Y tế, HIV/AIDS, trực thuộc Hội Luật gia Việt Nam tổ chức. H.A. và N.P. (đều đến từ Hưng Yên), kể về con đường đến trường đầy giông bão của mình, không gian hội nghị như lắng lại. H.A. và N.P. có thân hình nhỏ và gầy hơn bạn bè cùng trang lứa. Nhưng, ánh mắt của hai em thể hiện một nghị lực sống và quyết tâm lớn.
Câu chuyện của các em kể đã khiến đại biểu ở đâu đó trong góc hội trường có những giọt nước mắt lăn vội, những tiếng thút thít khóc. N.P. là một bé gái thuỳ mị, em bị nhiễm HIV từ bố mẹ mình. Bố mẹ N.P. đã chết vì AIDS khi em chưa tròn 1 tuổi. Cái chết của bố mẹ N.P. đã từng gây rúng động ở tỉnh Hưng Yên. Cũng vì thế, N.P. đã được dư luận cho rằng, bị nhiễm HIV từ mẹ và ngay từ nhỏ em đã trở thành nỗi ám ảnh của cả cộng đồng. N.P. ở với ông nội là Nguyễn Minh T.. Đến tuổi đi học, N.P. rất muốn được đến trường như các bạn cùng lứa.
Thương cháu, ông T. đã đi đăng ký học cho N.P., nhưng đã bị dư luận phản đối một cách quyết liệt. Theo ông Nguyễn Minh T., chính quyền thì lưỡng lự, nhà trường thì thờ ơ, còn dư luận thì “nổi sóng”. Phụ huynh nhất quyết gây sức ép với chính quyền, nhà trường để chống lại đến cùng việc đi học của N.P.. Sau khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng, N.P. được đi học, nhưng dư luận vẫn phản đối với những cách thức khủng khiếp. Nhiều phụ huynh đã liên kết với nhau cho rằng, việc N.P. đi học sẽ lây bệnh cho con họ. Nhiều người tuyên bố thẳng thừng, N.P. đi học, họ sẽ cho con nghỉ. Thậm chí, có hẳn âm mưu cố tình vu vạ cho N.P. để chính quyền và nhà trường đưa ra quyết định buộc N.P. thôi học.
Ông Nguyễn Minh T. (ông nội của N.P.) kể lại chặng đường đến trường của N.P..
Quãng thời gian đầu đến trường với N.P. thực sự là những ngày khó khăn. N.P. bị bạn bè xa lánh. N.P. ngồi học bàn riêng, không bạn nào trò chuyện cùng. Mọi thứ N.P. dùng không bạn nào động tay vào từ bàn ghế ngồi đến cốc uống nước. Ngay cả các thầy cô giáo đã nhận N.P. vào học cũng sợ hãi không dám gần gũi N.P.. Nhiều phụ huynh đã liên tục viết đơn vu cáo N.P. đánh bạn, cắn, cấu các bạn cùng lớp. Ngay cả những lúc N.P. nghỉ học, trong các đơn thư của phụ huynh gửi lên nhà trường và chính quyền vẫn cho rằng, N.P. cắn bạn chảy máu. Tất cả phụ huynh đều cấm con mình chơi với N.P..
Kể lại về thời điểm đó, N.P cho rằng: “Cháu rất thích chơi với các bạn, nhưng các bạn xa lánh, cháu rất buồn. Nhưng, cháu vẫn thích được đến trường nên vẫn đi học đều đặn”.
Như trường hợp của N.P., con đường đến trường của H.A. cũng đầy trắc trở. H.A. nhiễm HIV từ mẹ ngay từ khi chào đời. Khi H.A. được hơn 3 tháng tuổi thì bố cháu mất, được 1 tuổi thì mẹ qua đời vì bệnh AIDS. Từ đó, H.A. bị hàng xóm nhìn với ánh mắt đầy nghi kị. Theo như chị Nguyễn Thị H. (SN 1971), bác của H.A., lúc lên 4 tuổi, gia đình xin cho H.A. đi học mẫu giáo, thầy cô nhất quyết từ chối. Họ cho rằng, nhận H.A. thì các phụ huynh khác sẽ không cho con họ đến trường. Gia đình tuy thương H.A. nhưng không biết cách đòi quyền được học của cháu. Khi H.A. được 8 tuổi, đòi được đi học, gia đình quyết định xin cho cháu nhưng chính quyền và nhà trường lờ đi. Do đó, đến 8 tuổi mà H.A. vẫn không được đến trường.
Những “chiến binh tí hon”
Không phải ai cũng đủ nghị lực để vượt lên sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng khi đã không may mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Không chỉ dám đối diện với sự kỳ thị mà bằng sự nỗ lực của mình, H.A. và N.P. đã làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về những người nhiễm HIV.
N.P. nhớ lại: “Cháu chỉ biết cặm cụi học tập và nhìn các bạn vui đùa là cháu vui. Càng ngày, cháu học tốt lên, nhiều bạn trong lớp bắt đầu trò chuyện với cháu. Sau 5 năm học, học lực của cháu đều đạt loại giỏi. Thầy cô, bạn bè từ chỗ xa lánh, giờ rất quan tâm đến cháu. Các bạn vẫn hay đến nhà cháu chơi và bố mẹ các bạn cũng cho cháu đến nhà chơi nên cháu thấy rất vui”.
Cũng theo ông nội của N.P., thì giờ đây các bạn đều rất quý N.P., do cháu có năng khiếu về văn nghệ nên mọi hoạt động văn nghệ của trường cháu tham gia tích cực. Thầy cô giáo thường xuyên động viên, nhắc nhở N.P. mặc ấm kẻo ảnh hưởng đến sức khoẻ và còn giao cho N.P. kèm cặp, giúp đỡ các bạn có học lực kém. Đến giờ N.P. được nêu gương là học sinh hiếu học, có ý thức vươn lên khó khăn để học giỏi. Năm nào, N.P. cũng nhận được học bổng của quỹ khuyến học.
Với H.A. thì khác, nhờ sự giúp đỡ của luật sư Nguyễn Quang Chiến và trung tâm Tư vấn Pháp luật và Chính sách về Y tế, HIV/AIDS, H.A mới được đi học. Tuy nhiên, việc hoà nhập của H.A. với các bạn hiện nay rất khó khăn. Trò chuyện với H.A., tôi được biết, H.A. đã đi học được 2 tuần. H.A. được bố trí ngồi một mình ở bàn cuối cùng của lớp. Trong hai tuần, chỉ có một bạn đến trò chuyện; giờ ra chơi, H.A. ngồi một mình và nhìn các bạn vui đùa. “Cháu rất thích đi học và rất vui vì được ngồi trong lớp nghe cô giáo giảng bài”, H.A. nói.
Cũng theo chị Nguyễn Thị H., từ khi được đi học, H.A. rất vui. Mặc dù, các bạn vẫn chưa chơi với H.A., nhưng cháu vẫn thích đến trường. Quãng đường từ nhà đến trường của H.A. gần 2km nhưng H.A. vẫn xin được tự đi học một mình, không cần ai đưa đón. H.A. rất có ý thức, đến lớp rất ngoan. “Thấy cháu vui khi đi học nên chúng tôi cũng thấy rất vui. Hy vọng, sau này, thầy cô và các bạn không còn kỳ thị các cháu”, chị H. bộc bạch.
Quyền con người bị xem nhẹ Để được đến trường, H.A. và N.P. phải cần đến sự giúp đỡ của trung tâm Tư vấn Pháp luật và Chính sách về Y tế, HIV/AIDS. Nói về việc đấu tranh cho cháu H.A. và N.P. đi học, luật sư Trịnh Quang Chiến, người trực tiếp tham gia vào hai vụ việc trên chia sẻ rằng: Mọi việc không hề đơn giản như ta thấy. Để đấu tranh cho quyền lợi của hai cháu được học, đến trường, chúng tôi đã phải căn cứ vào luật pháp và phân tích, giải thích cho chính quyền, nhà trường hiểu được vấn đề. Lúc đầu, bản thân nhà trường cũng phản đối kịch liệt. Nhưng sau, họ nhận thức được và đồng ý. Gốc của vấn đề là hiện nay nhận thức về quyền con người và bệnh HIV trong cộng đồng còn chưa cao, dẫn tới giấc mơ đến trường của nhiều em nhỏ nhiễm HIV càng trở nên xa xăm. |
Trinh Phúc