Vừa cập bờ, thuyền trưởng Huỳnh Văn Khanh cùng 5 ngư dân trên tàu cá QNg 90479 TS đã trình báo sự việc với cơ quan chức năng. Vẻ mặt mệt mỏi, ngư dân Võ Văn Lựu cho biết sự việc xảy ra lúc khoảng 8 giờ ngày 9-7. Lúc này, tàu QNg 90479 TS cùng QNg 95001 TS đang neo đậu ở khu vực đảo Đá Lồi (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) thì xuất hiện 2 canô, tiếp sau là 2 tàu Trung Quốc mang số hiệu 46102 và 56103 ập tới. Biết có chuyện chẳng lành, 2 tàu cá Việt Nam nhổ neo chạy tránh. Hai tàu Trung Quốc đuổi theo, chèn ép.
Sau khi liên tục bị đuổi ép đến 11 giờ, trong lúc cố chạy tránh 2 tàu vỏ thép Trung Quốc, tàu QNg 90479 TS bị tàu Trung Quốc va chạm mạnh làm hư hỏng nặng, nước tràn vào khoang.
“Liền đó, 6 người từ canô của Trung Quốc cầm súng, dùi cui nhảy lên tàu cá khống chế toàn bộ 5 ngư dân về phía mũi tàu. Tôi bị họ đánh hai bạt tai. Sau khi khống chế chúng tôi, họ vào cabin lục soát đồ đạc, đập phá tài sản. Lúc này, tàu chìm dần” - ông Lựu kể.
Cũng theo ông Lựu, sau khi khống chế thuyền viên tàu QNg 90479 TS, tàu Trung Quốc liên tục đuổi ép tàu QNg 95001 TS nhưng không thành. Khoảng 19 giờ cùng ngày, tàu QNg 90479 TS chìm đến mức chỉ còn nhô phần mũi, tàu Trung Quốc mới bỏ đi, bỏ mặc các ngư dân bấu víu vào mũi tàu. May mắn lúc đó tàu QNg 95001 TS kịp quay lại cứu.
Thuyền trưởng Huỳnh Văn Khanh cho biết lúc nhìn thấy tàu của ông Lựu chìm, lính trên tàu Trung Quốc phát tín hiệu yêu cầu tàu của ông vào cứu 5 ngư dân nhưng ông yêu cầu tàu Trung Quốc rút đi mới vào cứu nhưng họ không rút. “Mình cố quay vào cứu anh em nhưng lại bị 2 tàu Trung Quốc bao vây, chèn ép để bắt tàu mình. Phải đến khoảng lúc 19 giờ, tàu Trung Quốc bỏ đi, lúc đó tôi mới vào cứu 5 ngư dân. Lúc đó, họ đã kiệt sức vì đói, vì lạnh, có người tím tái vì ngâm quá lâu trong nước biển. Khi đưa lên tàu, chúng tôi cho họ ăn cháo, uống sữa đến hơn 1 giờ sau, họ mới khỏe lại” - thuyền trưởng Huỳnh Văn Khanh kể.
Thuyền trưởng Huỳnh Văn Khanh cũng cho biết khi chứng kiến tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu và còn không cho cứu 5 ngư dân trên tàu ông Lựu, anh chỉ suy nghĩ phải làm sao cứu được dù bất cứ giá nào. “Nghĩ vậy nên dù bị tàu Trung Quốc cố tình đuổi bắt, tôi vẫn quyết tâm cứu cho được 5 ngư dân. Trên biển, ngư dân mình nhỏ bé lắm, không đoàn kết, giúp đỡ nhau thì làm sao đối mặt với tàu Trung Quốc to lớn, hung bạo” - anh Khanh nói.
Ngư dân Nguyễn Trung Hậu, một trong số 5 ngư dân trên tàu QNg 90479 TS, nói không tin là còn sống bởi sự hung hăng của tàu Trung Quốc. Anh Hậu cùng vợ là giáo viên dạy hợp đồng tại huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi. Tranh thủ nghỉ hè, anh Hậu về quê theo cha vợ đi khai thác hải sản. Trên tàu, anh Hậu là người non kinh nghiệm nhất vì đây là lần đầu đi biển. Anh không ngờ ngay chuyến đi đầu đã đụng ngay sự hung hăng của tàu Trung Quốc.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, cho biết: “Tàu của ông Lựu đã 3 lần bị tàu Trung Quốc đập phá, gây hư hỏng lớn. Ông Lựu là một trong những ngư dân kỳ cựu đã mấy chục năm đi biển, từng cứu rất nhiều người. Nay bị nạn, không biết còn sức gượng dậy, tiếp tục bám biển nữa không”.
15h30 ngày 13/7, tàu cá QNg 95001 của thuyền trưởng Huỳnh Văn Khanh (31 tuổi) đã cập cảng cá Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi), đưa 5 nạn nhân vụ chìm tàu ở Hoàng Sa 5 ngày trước về bờ. Bà Nguyễn Thị Năng nhờ người chở xe máy từ xã Bình Châu (Bình Sơn) sang đón 5 người thân, nhưng không ra cầu cảng mà chờ ở đồn biên phòng vì vừa phải truyền nước. Gặp được chồng, con, bà Năng đôi mắt đỏ hoe, hai tay siết chặt lấy con trai Võ Văn Cầu (học lớp 11).
Thuyền trưởng tàu cá QNg 90479 TS Võ Văn Lựu (52 tuổi) động viên vợ bằng cái ôm vội, pha chút bẽn lẽn của người dân làng chài. Các thuyền viên sau đó được lực lượng biên phòng Trạm Sa Kỳ lấy tường trình. Khi nhìn thấy hình ảnh tàu Cảnh sát biển 46102 do phóng viên cung cấp, thuyền trưởng Lựu nói: "Chính con tàu này tông chìm tàu chúng tôi".
Ông Lựu kể, khoảng 8h sáng 9/7, tàu cá do ông cầm lái cùng tàu của anh Khanh đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa thì bị hai tàu Cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 46102 và 56103 từ phía xa tiến lại xua đuổi. Tàu 46102 đuổi tàu ông Lựu, còn 56103 đuổi tàu anh Khanh, đồng thời hạ hai canô áp sát tàu cá. Cả thuyền trưởng Lựu và Khanh đều tăng tốc, đánh lái tránh né sự truy đuổi.
Đến khoảng 11h, ở tọa độ 16,09 vĩ độ Bắc, 111,36 kinh độ Đông, 6 người Trung Quốc trên canô đã nhảy lên tàu ông Lựu, trong đó có một người biết nói tiếng Việt. "Trên tay họ cầm theo dùi cui điện. Tôi bị tát hai cái và bị khống chế ngay tại cabin. 4 người còn lại bị đưa ra phía mũi tàu, bắt úp mặt xuống sàn, tay bỏ ra sau gáy, không được nhìn ngó gì", ông Lựu kể.
Nhóm người trên tàu Cảnh sát Trung Quốc sau đó lục soát, đập phá nhiều đồ đạc trên tàu cá Quảng Ngãi. "Họ dí dùi cui, ép tôi phải tăng tốc đuổi theo tàu anh Khanh. Đi bên cạnh là tàu cảnh sát biển Trung Quốc 46102, phía sau còn có canô của họ. Chạy được khoảng 30 phút, tàu cá của ông Lựu bị tàu 46102 tông.
"Sau tiếng rầm, nước biển chảy vào khoang máy. Lúc đó, một người Trung Quốc biết nói tiếng Việt đã bảo chúng tôi dùng máy bơm hút nước ra ngoài. Nhưng do máy đã bị ngập nên không thể bơm nước được nữa", ông Lựu nhớ lại. Con tàu chìm dần. 6 người Trung Quốc nhảy xuống canô bỏ về tàu 46102.
Chừng 30 phút sau, tàu chìm nhưng do máy nặng hơn nên kéo ngược phần đầu nổi lên mặt nước. Ông Lựu nhanh tay với được chiếc bộ đàm làm phương tiện liên lạc. 5 người ngồi co ro trên mũi tàu, trong khi các tàu Trung Quốc vẫn vây quanh. "Họ không cứu mà nói chúng tôi gọi tàu cá Việt Nam đến. Nhưng họ cứ đứng ở đó nên anh Khanh không dám qua", ông Lựu nói thêm.
Thuyền trưởng Huỳnh Văn Khanh kể, tàu Trung Quốc áp sát nhưng không nhảy lên được nên dùng nhiều chai nước ném lên boong và cabin. Đề phòng tàu bị đâm, anh Khanh lệnh cho các thuyền viên đứng ra hai bên mạn, sẵn sàng nhảy xuống nước, không được ở trong ca bin dễ mắc kẹt nếu tàu chìm. "Khi tông chìm tàu ông Lựu, tàu Trung Quốc không đuổi theo tàu chúng tôi nữa. Nhưng họ cho tàu đứng ở đó, tôi không dám vào cứu vì nhỡ họ tông chìm cả tàu tôi, hay bắt bớ", anh Khanh nói.
Anh Khanh neo tàu ở bãi cạn, cách nơi tàu ông Lựu chìm chừng 5 hải lý và thường xuyên giữ liên lạc qua bộ đàm. Đến hơn 18h, các tàu Trung Quốc rút đi. "Khi tôi đến, các thuyền viên trên tàu gần như đã kiệt sức, mặt nhợt nhạt. Chúng tôi vội đưa mọi người lên tàu thay áo quần, ăn cơm, uống nước, họ mới tỉnh táo dần và nói chuyện được", anh Khanh kể.