Tin mới

Gỗ xà cừ chủ yếu được dùng làm hàng rào?

Thứ ba, 24/03/2015, 14:46 (GMT+7)

Theo ông Hưng – Phó Giám đốc công ty cây xanh Hà Nội, nơi tập kết gỗ cây xanh bị chặt hạ cho biết: “gỗ xà cừ chủ yếu được sử dụng để làm hàng rào”.

Theo ông Hưng – Phó Giám đốc công ty cây xanh Hà Nội, nơi tập kết gỗ cây xanh bị chặt hạ cho biết: “gỗ xà cừ chủ yếu được sử dụng để làm hàng rào”.

 

 

Gỗ xà cừ chỉ để làm hàng rào?

Chiều 23/3, Công ty TNHH 1 thành viên cây xanh Hà Nội đã dẫn đoàn báo chí mục sở thị khu vườn ươm 17ha của công ty nằm trên đường K2, Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đây là nơi tập kết một phần cây xanh bị chặt hạ trong đề án cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố.

Trao đổi với PV về giá trị của cây xà cừ, hình thức xử lý khi chặt hạ và giá bán tính theo m3 gỗ của loại cây này là bao nhiêu, ông Nguyễn Xuân Hưng – Phó Giám đốc công ty cho biết: “Từ cuối năm 2014, một lượng lớn gỗ xà cừ thu được sau khi tiến hành chặt hạ hơn 400 cây phục vụ các dự án đường tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội được tập kết về đây. Chủ yếu số gỗ ở đây là cây bị chặt hạ ở đường Nguyễn Trãi đưa về.

Ông Nguyễn Xuân Hưng – Phó Giám đốc công ty cho biết: "Công ty chủ yếu sử dụng xà cừ làm hàng rào vì gỗ dễ nứt nẻ, mục nát".

Sau một quý, thường là 3 tháng. Công ty báo cáo Sở Tài chính, Sở giới thiệu một công ty đấu thầu, công ty này đứng ra tổ chức thông báo đến các tổ chức, cá nhân muốn mua củi gỗ đến đấu thầu. Tiền đấu thầu thu được sau đó nộp vào ngân sách.

Giá gỗ xà cừ thì phụ thuộc theo giá thị trường tùy từng thời điểm khác nhau.

Như chúng tôi thường hay sử dụng gỗ xà cừ để làm hàng rào công viên, vì nó rất dễ nứt nẻ, nhanh mục.”

Khi PV đề nghị được cung cấp con số cụ thể (bằng văn bản), thống kê việc công ty đã tập kết bao nhiêu cây gỗ, chủng loại và tổng số m3 gỗ được đưa về đây, giá mỗi m3 gỗ xà cừ lần bán (đấu thầu) gần đây nhất. Ông Hưng nói: “Về giá thì chúng tôi phải xem lại vì chúng tôi không trực tiếp bán. Con số thống kê cụ thể m3 thì tôi xin khất để tổng hợp lại.”

Tuy nhiên, khi được hỏi về thời gian cụ thể để cung cấp con số cho báo chí thì ông Hưng không bình luận gì thêm.

Ông Đỗ Ngọc Hoàng, Tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên cây xanh Hà Nội cho biết: Việc thu hồi cây bị chặt hạ trải qua 4 bước và có giám sát của Ban Quản lý dự án Hạ tầng kỹ thuật đô thị; Cán bộ Đội bảo vệ Phòng hành chính tổ chức; Cán bộ Phòng kế hoạch tổng hợp; Đại diện xán bộ xí nghiệp quản lý cắt sửa cây; Đại diện tổ đội trực tiếp thực hiện công tác cắt, chặt…

Những cây có đường kính trung bình nhỏ hơn 20cm sẽ được xác định là củi. Đường kính lớn hơn 20cm là gỗ. Sau khi thống nhất khối lượng, các bên lập biên bản thu hồi. Trong biên bản ghi rõ tình trạng, loại cây, loại gỗ, kích thước, đường kính, chụp ảnh hiện trạng…

Sau khi chặt hạ những cây này được đưa về kho bãi cũng có biên bản giao nhận.

Cuối cùng là thanh lý, việc này do Sở Tài chính thực hiện theo quy định của nhà nước.

Video:

 

 

9 triệu/m3 gỗ xà cừ

Anh Trần Văn Đoàn, chủ một xưởng mộc trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Giá gỗ xà cừ trong hai năm nay tăng từ 8,5 triệu/m3 gỗ lên 9 triệu/m3. Nguyên nhân chính là do các gỗ cao su và một số gỗ nhập khẩu có giá cao trong một thời gian dài, vì vậy những người làm gỗ như chúng tôi đã chọn gỗ xà cừ để giảm giá đầu vào, mà vẫn chiếm được thị trường”.

Anh Đoàn cho biết thêm: “Khi Hà Nội khai thác một loạt cây xà cừ cổ thụ có chu vi tới 2 người ôm trên tuyến đường từ Ngã Tư Sở tới cầu Trắng tôi cũng tìm đến điểm khai thác để hỏi mua nhưng không mua được. Nguyên liệu xưởng tôi chủ yếu qua các chủ hàng ở Bắc Ninh hay các tỉnh lân cận”.

Xà cừ bị chặt hạ trên đường Nguyễn Trãi được tập kết tại vườn ươm Công ty Cây xanh Hà Nội tại đường K2, Cầu Diễn.

Cũng như anh Đoàn, anh Nguyễn Mạnh Hưng, một người chuyên buôn bán các loại gỗ chia sẻ: Ngoài các loại gỗ cao cấp như gỗ xưa, gỗ trắc, giáng hương… thì thị trường Trung Quốc hiện nay họ đang có nhu cầu nhập các sản phẩm nội thất, thớt, ván gỗ sản xuất từ gỗ xã cừ. Khách hàng Trung Quốc rất thích những sản phẩm được sản xuất từ cây gỗ cổ thụ như Hà Nội vừa khai thác, nếu gỗ chất lượng họ có thể trả giá cao hơn để mua được gỗ tốt. Bản thân tôi cũng lần mò tìm cách để mua nhưng không sao mua được, hình như họ (đơn vị khai thác) đã có mối hết rồi.

Hiện nay, vẫn chưa có cơ quan nào của Hà Nội chính thức lên tiếng về giá trị của những cây xà cừ cổ thụ sau khi bị chặt hạ sẽ được xử lý thế nào? Bán cho đơn vị nào và giá bán là bao nhiêu?

Chính sự “mập mờ” thông tin này càng khiến dư luận quan tâm hơn về vụ việc.

Trước đó, sau cuộc họp báo do UBND TP Hà Nội, 21 câu hỏi của nhiều PV báo, đài quan tâm đến sự việc chưa được lãnh đạo TP Hà Nội trả lời. UBND đã có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng có trách nhiệm trả lời câu hỏi của báo chí, hạn chót là ngày 25/3.

Đức Thuận

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news