Tin mới

GS Ngô Bảo Châu: ĐH Việt Nam làm ngược, lạc hậu với thế giới

Thứ sáu, 01/08/2014, 10:34 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Theo GS Ngô Bảo Châu, quy trình xây dựng, cải tiến đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu ở các đại học Việt hoàn toàn ngược với quy trình của các trường đại học ở các nước tiên tiến. Hiện trạng này tiếp tục tiếp diễn sẽ kéo chất lượng đại học Việt Nam đi giật lùi với các nước láng giềng.

(Tinmoi.vn) Theo GS Ngô Bảo Châu, quy trình xây dựng, cải tiến đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu ở các đại học Việt hoàn toàn ngược với quy trình của các trường đại học ở các nước tiên tiến. Hiện trạng này tiếp tục tiếp diễn sẽ kéo chất lượng đại học Việt Nam đi giật lùi với các nước láng giềng.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, Thanh niên, Vnexpress, buổi đối thoại về giáo dục Việt Nam đã được tổ chức tại Trung tâm Hoa Kỳ TP HCM ngày 31/7 do GS NGô Bảo Châu chủ trì với sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ các trường ĐH trong và ngoài nước. 

Tại buổi đối thoại, GS Ngô Bảo Châu đã chỉ ra thực tế tất cả các bước cơ bản trong xây dựng đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đều làm ngược lại so với thế giới. Nếu hiện trạng trên tiếp diễn thì “e rằng” chất lượng đại học Việt Nam sẽ đi giật lùi so với cả các nước láng giềng.

Theo GS Ngô Bảo Châu, tiêu chí hàng đầu để tuyển dụng giảng viên và giáo sư ĐH là khả năng nghiên cứu khoa học. Chỉ những người “sống và thở” ở tiền tuyến của tri thức nhân loại mới có khả năng hiểu và truyền tải những kiến thức nền tảng và những phát kiến tiên tiến nhất cho lực lượng lao động trí não tương lai. Thế nhưng, tại Việt Nam, việc tạo nguồn nhân lực ở các đại học là bồi dưỡng sinh viên giỏi và đưa các em quay lại trường làm giảng viên. Đây là điều mà các đại học phương Tây hạn chế tối đa.

GS Ngô Bảo Châu: ĐH Việt Nam làm ngược, lạc hậu với thế giới

GS Ngô Bảo Châu: "Việt Nam đang đi ngược với thế giới". Ảnh: Nguyễn Loan/Vnexpress

“Đó là tư duy cũ kỹ, sai lầm vì việc tạo nguồn như vậy mang tính chủ quan, ưu tiên người mình đào tạo, không chủ động đi tìm nguồn khác, dẫn đến thiếu tính cạnh tranh. Một nhà khoa học trẻ ở Việt Nam hầu như không có lựa chọn khác ngoài tiếp tục làm ở nơi ông thầy hướng dẫn. Như vậy anh ta đánh mất đi cơ hội phát triển, sự độc lập khoa học với người thầy hầu như không có”, ông Châu nêu quan điểm.

Ngoài ra, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, quy trình tuyển chọn cán bộ giảng dạy ở đại học Việt Nam mang nặng tính hành chính, theo quy trình tuyển chọn công chức, viên chức nhà nước mà không có tính đặc thù của môi trường hàn lâm. Trong khi đại học phương Tây, tiêu chí hàng đầu là khả năng nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm giáo sư ở nước ta phụ thuộc vào một cơ quan cấp nhà nước.

“Gần đây, Hội đồng chức danh chỉ công nhận chức danh giáo sư, còn việc bổ nhiệm do các trường thực hiện. Tuy nhiên, tôi nghĩ nó còn phức tạp, các trường vẫn không thực sự được bổ nhiệm giáo sư. Không bổ nhiệm được một 'ông tướng' thì không thể tự chủ khoa học được”, GS Ngô Bảo Châu nói.

Về thu nhập của giảng viên Việt Nam, theo GS Ngô Bảo Châu, mức lương thấp, cơ chế cứng nhắc, phức tạp và thiếu minh bạch, nhất là với các giảng viên trẻ mới ra trường. Ông xuất, mức lương giảng viên ĐH cần có sự quan tâm của xã hội. Cụ thể, một giảng viên ĐH cần phải được hưởng chế độ đãi ngộ của tầng lớp trung lưu trong xã hội. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nên coi thu nhập cán bộ khoa học giảng dạy làm tiêu chí để đánh giá, xếp hạng các trường đại học.

Về việc sử dụng nhân lực cao cấp, để minh chứng cho những bất cập, ông Châu dẫn dụ trường hợp một giáo sư nước ngoài nổi tiếng tự nguyện qua Việt Nam làm việc nhưng không được bất kì ưu đãi nào trong khi các đại học Trung Quốc có một nguồn kinh phí lớn để khuyến khích, mời các giáo sư nước ngoài đầu ngành nghỉ hưu qua làm việc trong 3 hoặc 6 tháng.

H.Minh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news