Ngày 4/9, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, thành phố ghi nhận thêm 1.129 ca mắc sốt xuất huyết và 66 ổ dịch chỉ trong một tuần. Dự báo, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp trong các tuần tới.
Cụ thể, thông tin trên báo Lao Động, trong tuần qua (từ ngày 25 đến 31/8), trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.129 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 73 ca so với tuần trước đó).
Trong đó, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm là những quận có nhiều bệnh nhân nhất trong tuần (Đống Đa 105 ca, Cầu Giấy 86 ca, Nam Từ Liêm 77 ca, Hoàng Mai 76 ca, Đan Phượng 68 ca, Phú Xuyên 63 ca).Ngoài ra, tuần qua cũng ghi nhận thêm 66 ổ dịch tại 21 quận, huyện, thị xã: Đông Anh (10 ổ dịch); Phúc Thọ (8 ổ dịch); Bắc Từ Liêm (7 ổ dịch); Nam Từ Liêm (6 ổ dịch); Cầu Giấy (4 ổ dịch).
4 quận, huyện: Hà Đông, Quốc Oai, Đống Đa, Ba Đình - mỗi nơi có 3 ổ dịch.
7 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Thanh Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng - mỗi nơi có 2 ổ dịch.
5 huyện: Gia Lâm, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì, Đan Phượng, mỗi nơi có 1 ổ dịch.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 6.693 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 541/579 xã, phường, thị trấn.
Dự báo thời gian tới, sốt xuất huyết sẽ tiếp tục bùng phát mạnh nếu Hà Nội không có những giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.
VOV đưa tin, tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi Trung ương đã ghi nhận những bệnh nhi tại quận Thanh Xuân, huyện Phú Xuyên có dấu hiệu sốt xuất huyết nặng như: Sốt cao liên tục, nôn ra máu, tiểu cầu hạ, men gan tăng...
Trẻ mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi Trung ương cho biết, giai đoạn nguy hiểm, thường rơi vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Vào giai đoạn này trẻ có thể vẫn còn sốt hoặc đã thuyên giảm nhưng có nguy cơ bị thoát huyết tương. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện thường nhận thấy như: vật vã, bứt rứt, li bì, tụt huyết áp, xuất huyết dưới da… Đây là thời điểm các thầy thuốc cần đặc biệt chú ý trong điều trị, giảm tử vong ở trẻ.
"Với sốt xuất huyết dengue thường chúng ta có hướng dẫn chăm sóc điều trị tại nhà, còn với sốt xuất huyết dengue có dấu hiệu cảnh báo như đau, triệu chứng nặng thì chúng ta phải cho nhập viện và trong số sốt xuất huyết dengue nhập viện, thoát dịch, thậm chí bệnh nhân sốc do thoát dịch, phải nhập viện cấp cứu, chống sốc bù dịch đúng để cứu sống bệnh nhân", TS.BS Nguyễn Văn Lâm cho hay.
Dù số bệnh nhân tại Hà Nội nhập viện tại các cơ sở y tế tăng cao từng tuần và đã có ca tử vong, song tại không ít địa bàn, người dân vẫn tỏ ra thờ ơ, chủ quan trước sốt xuất huyết.
Kết quả kiểm tra, giám sát sốt xuất huyết của ngành y tế Hà Nội cho thấy, tổng số ổ dịch được phát hiện là 407, hiện còn 153 ổ dịch đang còn lưu hành tại 24 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: xã Phùng Xá, Hữu Bằng (huyện Thạch Thất); xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì); xã Văn Tự (huyện Thường Tín... Đặc biệt, xã Vĩnh Quỳnh nổi lên như một "điểm nóng" khi chiếm hơn 70% số ca mắc của toàn huyện Thanh Trì. Hiện thôn Vĩnh Ninh thuộc xã này là một trong những thôn có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất toàn xã với chỉ số bọ gậy (BI) ở mức 35. Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo vùng nguy cơ cao có dịch sốt xuất huyết là vùng có chỉ số bọ gậy từ 20 trở lên. Các bãi rác thải có vật dụng chứa nước đọng có ổ loăng quăng, bọ gậy vẫn ngổn ngang tại không ít quận, huyện tại Hà Nội.
Để kiểm soát dịch bệnh này, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian tới, ngành y tế thành phố tiếp tục tăng cường giám sát tại các quận/huyện như: Phú Xuyên, Tây Hồ, Thanh trì, Hai Bà Trưng, Ứng Hòa, Hoàn Kiến, Thanh Xuân nhằm tăng cường các biện pháp phòng ngừa để giảm số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết.
"Tình hình dịch Hà Nội sẽ cao điểm vào tháng 10, 11 đặc biệt sau khi học sinh, sinh viên nhập học, cộng thêm điều kiện thời tiết thuận lợi, vì vậy Hà Nội cũng đã chủ động phòng sốt xuất huyết từ đầu năm, cùng nhiều các công việc chỉ đạo theo tinh thần phòng chống dịch bệnh nói chung, sốt xuất huyết với tinh thần 4 tại chỗ", ông Vũ Cao Cương cho hay.
Theo báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến cuối tháng 8/2023, cả nước ghi nhận gần 70 nghìn ca mắc sốt xuất huyết trong đó có 16 bệnh nhân tử vong. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, ngày 29/8 vừa qua, Bộ Y tế đã gửi công văn số 5480/BYT-DP đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.