Các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 3, số 4, số 5 và số 6 được kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư giữa nhà nước và tư nhân (PPP) có tổng mức đầu tư khoảng 150.000 tỷ đồng.
TP. Hà Nội kêu gọi đầu tư PPP vào cho 52 dự án giai đoạn 2016 -2020 với tổng mức đầu tư 338.000 tỷ đồng, trong đó 4 dự án PPP đường sắt trên cao chiếm một nửa với 150.000 tỷ đồng (khoảng 7,1 tỷ USD). |
Trong danh mục dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, UBND Thành phố Hà Nội vừa cho biết, dự kiến có tổng số 52 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến vào khoảng 338.725 tỷ đồng.
Trong số 35 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, có 4 dự án đường sắt đô thị trên cao mới được xếp vào danh mục các dự án trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 với tổng mức đầu tư vào khoảng 150.000 tỷ đồng (tương đương 7,1 tỷ USD).
Theo đó, TP. Hà Nội kêu gọi đầu tư vào dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 3 (đoạn từ Ga Hà Nội - Hoàng Mai) nhằm phát triển mạng lưới đường sắt đô thị, phục vụ nhu cầu vận tải hành khách khu vực nội đô và giảm ùn tắc giao thông. Dự kiến quy mô tuyến đường sắt này sẽ có chiều dài 8 km bao gồm 3 km đi ngầm với 7 ga. Dự án có tổng mức đầu tư vào khoảng 28.175 tỷ đồng.
Nhằm nâng cao năng lực vận tải khu vực đô thị trung tâm và đồng thời thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực hai bên Đại lộ Thăng Long. TP. Hà Nội muốn kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP vào tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 5. Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ có chiều dài 38,4 km với tổng mức đầu tư lên tới 65.572 tỷ đồng.
Tuyến đường sắt đô thị số 4 giai đoạn 1 (từ Liên Hà – Vĩnh Tuy) dài 18 km gồm 6 km đi ngầm có tổng mức đầu tư 40.885 tỷ đồng là dự án tiếp theo được TP Hà Nội kêu gọi đầu tư trong giai đoạn này. Tuyến đường này sẽ phục vụ nhu cầu đi lại giữa các khu vực phát triển đô thị trong đô thị trung tâm.
UBND TP Hà Nội cho biết, dự án đường sắt đô thị tuyến số 6 nối giữa Trung tâm Hà Nội đến Sân bay Nội Bài khi hoàn thành còn thúc đẩy phát triển đô thị khu vực Bắc sông Hồng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Liên quan đến con số 52 dự án được huy động PPP, TP. Hà Nội dự kiến kêu gọi đầu tư vào 5 dự án y tế, 12 dự án nước sạch, 15 dự án công nghiệp và thương mại dịch vụ, 5 bãi đỗ xe, 11 dự án công viên, bệnh viện và 10 dự án nhà ở xã hội...
Các công trình xây dựng mới và cải tạo các chung cư cũ, UBND TP. Hà Nội cũng đưa ra con số hơn 315.000 tỷ đồng (15 tỷ USD) để cải tạo, xây mới 10 khu chung cư cũ xuống cấp trầm trọng hiện nay. Các dự án phải được thực hiện từ nay đến năm 2020 bởi tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, sức khỏe và tính mạng của người dân.
Đây là lần đầu tiên, Hà Nội công khai kêu gọi tư nhân tham gia xây dựng các công trình giao thông, cơ sở vật chất bằng hình thức PPP. Trước đó, chủ yếu các dự án được thực hiện bằng vốn ngân sách, vốn viện trợ chính thức (ODA) và hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh và chuyển giao).
Đức Hòa (tổng hợp)