Hà Nội: Quy định cho học sinh nghỉ học khi trời lạnh dưới 10 độ C là bất hợp lý
Thứ năm, 20/02/2014, 16:09 (GMT+7)
Nhiều độc giả gửi ý kiến đến báo giadinh.net.vn cho rằng, quy định của Sở Giáo dục-Đạo tạo như hiện nay là chưa thực tế, gây khó cho trường học và chính phụ huynh, học sinh.
Theo dõi Tinmoi.vn trên
Nhiều độc giả gửi ý kiến đến báo giadinh.net.vn cho rằng, quy định của Sở Giáo dục-Đạo tạo như hiện nay là chưa thực tế, gây khó cho trường học và chính phụ huynh, học sinh.
Sau bài viết “Hà Nội: Giáo viên, phụ huynh “chết dở” vì nhiệt độ 9,9 độ C”, nhiều bạn đọc đã gửi phản hồi đến báo giadinh.net.vn bày tỏ sự xáo trộn mà họ gặp phải mỗi khi có thông báo nghỉ học. Nhiều người còn đóng góp ý kiến, kiến nghị để Sở Giáo dục-Đào tạo có những điều chỉnh hợp lý hơn.
Bạn đọc Nguyễn Thị Ánh Hồng chia sẻ: “Tôi thấy việc xem thời tiết để quyết định nghỉ học cho cấp mầm non và tiểu học nên dựa vào dự báo thời tiết sau chương trình thời sự buổi tối 19h. Như vậy các trường có thể quyết định nghỉ hay không và thông báo qua nhắn tin tới phụ huynh. Như vậy, nhà trường và phụ huynh đều chủ động hơn. Chứ như nhà tôi sáng nay cứ chăm chăm đợi đến 6h30 để xem Dự báo thời tiết và phân vân khi thời tiết ở mức 9,9 độ, không biết là cho con đi hay không? Gọi điện cho cô giáo nhưng cô không nghe máy, vậy là tôi lại phải phóng đến trường và được thông báo vẫn học bình thường. Tôi lại phải quay lại đón con đi học. Tôi mong Sở Giáo dục-Đào tạo xem xét lại thông báo”.
Ở góc độ khác, bạn đọc Thanh Tâm nêu ý kiến: Việc chỉ đưa ra “tiêu chí” là dưới 10 độ C thì học sinh được nhỉ học thì quá cứng nhắc và máy móc. Giả sử như hôm nay (20/2), nhiệt độ chỉ thấp hơn mức quy định có 0,1 độ C, nếu căn cứ vào quy định của Sở thì trường sẽ phải cho nghỉ học. Như thế là rất bất hợp lý. Nên chăng có quy định kèm theo rõ ràng hơn, ví dụ: dưới 10 độ kèm theo mưa, buốt giá... Còn nếu dưới 10 độ nhưng trời vẫn nắng, khoảng cách nhiệt độ trong ngày có nhiều chênh lệch, cao nhất lên đến 18-20 độ mà nghỉ thì rất phí”.
Ở Hà Nội, nhiều học sinh được bố mẹ đưa đến trường bằng ô tô
Phụ huynh Nguyễn Ngọc Ninh (Đống Đa, Hà Nội) lại cho rằng, việc đưa ra một chuẩn chung để áp dụng là rất cần thiết, tuy nhiên, với hiện tượng biến đổi khí hậu như hiện nay, trái đất đang ấm dần lên thì đưa ra mốc dưới 10 độ C là chưa hợp lý. Đó là chưa kể đến việc bản tin dự báo thời tiết nhiều khi độ chính xác không cao hoặc diễn biến thất thường bất ngờ. Hơn nữa, học sinh bây giờ không phải như ngày xưa ăn đói mặc rách mà được trang bị đầy đủ để tránh rét. Ngoài quần áo ấm, giày dép còn có khẩu trang, khăn, găng tay nên dù có ra ngoài thì vẫn rất đảm bảo sức khỏe. Đó là chưa kể đến việc nhiều nhà còn đưa đón con bằng ô tô, mưa rét thì đi taxi. Các trường ở Hà Nội cũng phần lớn được trang bị điều hòa nên nếu nhiêt độ xuống 8-9 độ vẫn được coi là an toàn cho trẻ, thay vì phải nghỉ học rồi nháo nhác tìm chỗ “trú chân”.
Từ ý kiến này, chị Nguyễn Ngọc Ninh nêu đề xuất: “Thay vì đưa ra quy định dưới 10 độ C thì nghỉ học như hiện nay, Sở nên căn cứ vào tình hình thực tế để có điều chỉnh phù hợp, đó là cho trẻ đến lớp muộn hơn. 8h hoặc 8h30 vì thời điểm đó, nhiệt độ đã nhích lên, ấm hơn so với thời điểm sáng sớm. Vừa tránh cho trẻ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, vừa không làm xáo trộn đến lịch dạy, làm việc của giáo viên và phụ huynh. Còn nếu Sở vẫn giữ nguyên quan điểm thì nên phối hợp với các bộ ngành khác để xây dựng thành
Chính sách: học sinh tiểu học được nghỉ thì bố mẹ cũng được nghỉ làm để trông con. Vì rõ ràng, nếu con được nghỉ mà bố mẹ không được nghỉ thì cũng không có tác dụng”.
Phần lớn các trường tiểu học ở Hà Nội được trang bị điều hòa, phòng học đủ tiêu chuẩn chống rét |
Trao đổi với chúng tôi trước đó, các giáo viên của trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng rất cảm thông với sự vất vả của phụ huynh và học sinh: “Dù đã có thông báo của Sở Giáo dục-Đào tạo là căn cứ vào số liệu dự báo thời tiết trên truyền hình nhưng vì nhiều phụ huynh không xem nên nhiều học sinh vẫn phải ra khỏi nhà vào sáng sớm. Nếu nghỉ học thì lại phải theo bố mẹ đến công sở hoặc đi gửi ở đâu đó. Như thế có nghĩa là dù được nghỉ nhưng thực tế là học sinh không thể ở nhà mà vẫn phải ra đường cùng bố mẹ đến công sở hoặc đi gửi nhà người thân. Hơn nữa, khi nhiệt độ xuống thấp, giáo viên cũng nhắc nhở trẻ hạn chế ra ngoài mà ở trong lớp sinh hoạt. Phòng kín, lại nhiều người nên khi vận động, thân nhiệt trẻ cũng cao hơn nên ít khi bị cảm lạnh lắm”.
Còn phụ huynh Trần Thủy thì thông cảm với nhà trường và giáo viên: “Mình mong Sở Giáo dục-Đào đạo có những điều chỉnh khác mà không nhất thiết phải nghỉ học vì trên thực tế, không chỉ phụ huynh khổ mà giáo viên thì vẫn phải làm việc chứ không được nghỉ, vừa mất thời gian vừa tăng áp lực lên cho giáo viên khi phải bố trí dạy bù”.
Nên đọc