UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản đề nghị các Sở liên quan đưa ra các biện pháp xử lý cụ thể, nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận, huyện, thị xã kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý cụ thể, nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội.
Hà Nội quyết xử lý nạn văng tục chửi bậy nơi công cộng. Ảnh minh họa: Internet |
Việc thành phố ra văn bản nêu trên xuất phát từ nội dung phản ánh tình trạng một bộ phận các bạn trẻ là học sinh, những ca sỹ, người dẫn chương trình… có những lời nói thô tục, ứng xử không văn hóa nơi công cộng, làm ảnh hưởng đến nếp sống văn minh của thành phố.
Liên quan đến thông tin này, trên báo Đất Việt dẫn lời ông Trần Tuấn Anh, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, Sở đang chủ trì xây dựng quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị cộng đồng, trong đó có khảo sát nội dung về nói tục nơi công cộng.
Đề án do Tiến sỹ Mai Anh chủ trì. Trên báo Dân Việt, tiến sỹ Mai Anh (Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học xã hội nhân văn và Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội) xác nhận thông tin trên.
Tiến sỹ Mai Anh cho biết, theo dự thảo bộ quy tắc, bộ khung quy tắc ứng xử đưa ra các tiêu chí cụ thể với 6 nhóm gồm: cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư và nơi công cộng.
Với mỗi nhóm sẽ có “chuẩn mực ứng xử tối thiếu” và “quy tắc ứng xử cụ thể”. Ví dụ, nhóm “nơi công cộng” có các chuẩn mực ứng xử tối thiểu như: thanh lịch, văn minh; tôn trọng; bình đẳng; trách nhiệm; đoàn kết, thân ái.
Cũng nhóm “nơi công cộng”, người dân nơi công cộng cần có các quy tắc ứng xử cụ thể như: chấp hành nội quy, quy định; tôn trọng, thân thiện; văn minh, lịch sự; đoàn kết, chia sẻ; bảo vệ di tích lịch sử, cảnh quan, môi trường; ý thức phê phán những hành vi vi phạm quy định.
Trước đó, giữa năm 2014, UBND TP Hà Nội ban hành Quy chế thực hiện Kỷ cương hành chính và Văn hóa công sở tại Văn phòng UBND thành phố. Mục đích của việc ban hành quy chế trên nhằm hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trao đổi về vấn đề này trên báo Tuổi trẻ, Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng văn bản của UBND TP Hà Nội rất khó đi vào đời sống, mặc dù mong muốn từ văn bản đó rất tốt.
"Vì nếu muốn thực hiện được văn bản không mang tính bắt buộc thì phải có điều kiện kèm theo và người thực hiện các quy định ấy như thế nào. Đối với người nói tục, nói bậy thì cơ chế phạt thế nào, hay phê bình như thế nào, hay sẽ thông báo cho gia đình, nhà trường thế nào?...Hơn nữa, việc xác định mức độ như thế nào được coi là nói tục cũng rất khó. Tình trạng văng tục, chửi bậy có thể phổ biến trong một bộ phận nào đó, còn nếu nói rộng ra cả TP thì tôi không tin lắm vào điều đó. Chí ít trong gia đình, hàng xóm, khu phố nơi tôi sinh sống, tôi không nhận thấy điều đó...”, ông Tiến nói.
H.M tổng hợp