Theo quy hoạch, bốn bến xe lớn Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm và Nước Ngầm tại khu vực nội đô sẽ phải đóng cửa để chuyển thành các trung tâm trung chuyển xe bus hoặc các bãi đỗ xe. Thay vào đó, Hà Nội sẽ đầu tư có lộ trình các bến xe khách lớn ở khu vực ngoại thành.
Pháp Luật TP.HCM đưa tin, theo quy hoạch bến xe trung tâm có tầm nhìn đến 2050, TP Hà Nội xin ý kiến Bộ Xây dựng và Bộ GTVT, 4 bến xe khách liên tỉnh Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm sẽ bị chuyển chức năng thành bãi đỗ xe, điểm trung chuyển xe buýt.
Tuy nhiên, trong giai đoạn gần 5-7 năm bốn bến xe cũ này sẽ vẫn tạm thời được cải tạo, nâng cấp để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong khi chờ các bến xe mới được xây dựng, đi vào hoạt động
Trong thời gian tới, giai đoạn 2018-2025, TP Hà Nội dự kiến đầu tư năm bến xe khách liên tỉnh gồm các bến: Cổ Bi, Đông Anh, Nội Bài, Bến xe phía Nam và Bến xe Sơn Tây 1.
Bến xe Giáp Bát. Nguồn: Pháp luật TP.Hồ Chí Minh. |
Về bến xe tải, sẽ đầu tư tám dự án tại các đô thị vệ tinh, diện tích khoảng 83 ha, tổng mức đầu tư khoảng 3.850 tỉ đồng gồm các bến: Phùng, Sơn Tây, Hòa Lạc, Phụng Hiệp, Phú Xuyên, Sóc Sơn.
Cũng theo quy hoạch, thời gian tới Hà Nội còn có 1.334 dự án xây dựng bãi đỗ xe công cộng, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 232 nghìn tỷ đồng.
Trong giai đoạn trung hạn, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng Bến xe Yên Sở 3,4 ha tại quận Hoàng Mai để hỗ trợ các bến xe khách hiện có. Về lâu dài, sau khi hoàn thành bến xe khách chính phía Nam ở Ngọc Hồi - đường Vành đai 4 thì các bến xe Yên Sở và Nước Ngầm sẽ đồng thời chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe.
Trang Vũ (Tổng hợp)