Đó là quan điểm của chuyên gia cao cấp về lâm nghiệp - TS. Đoàn Diễm trước việc thành phố Hà Nội cho trồng hàng trăm cây bàng lá nhỏ ngay dưới gầm công trình đường sắt trên cao.
Thời gian qua, Hà Nội đã từng chặt hạ, đánh chuyển hàng trăm cây xanh cổ thụ khi triển khai xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Ngoài ra, để phục vụ việc thi công ga số 8 thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị, UBND TP đã đồng ý chủ trương để Sở Xây dựng chặt hạ, di dời 35 cây xanh khu vực đường Cầu Giấy (khu vực trước cổng Đại học Giao Thông Vận Tải). Cùng với đó, ngày 16/9 vừa qua, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã triển khai kế hoạch cắt tỉa, di dời 106 cây xanh (chủ yếu là muồng, xà cừ, hoa sữa…) trên tuyến phố Kim Mã (Cầu Giấy, Hà Nội) để phục vụ thi công dự án đường sắt đô thị trên cao Nhổn - ga Hà Nội.
Lý do chặt hạ cây xanh được đưa ra là để đảm bảo an toàn trong thi công tuyến đường sắt trên cao cũng như lúc đưa vào vận hành. Tuy nhiên, đêm 28/9 vừa qua, thành phố lại triển khai trồng hàng loạt cây xanh ngay dưới gầm công trình đường sắt này. Điều đó khiến không ít người thấy lạ, vì nếu trước đây đã xác định chặt cây để đảm bảo an toàn cho tuyến đường sắt đô thị thì tại sao nay lại trồng cây thân gỗ ngay dưới chân công trình nửa tỷ đô. Được biết, những cây xanh được trồng mới có chiều cao khoảng 7-8 m, đường kính thân từ 15 đến 30cm.
Trước những băn khoăn trên của người dân, ông Vũ Kiên Trung – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, việc triển khai trồng cây xanh dưới gầm đường sắt trên cao tại phố Yên Lãng, Hoàng Cầu là chủ trương của UBND TP Hà Nội và đã được Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt. Công ty cây xanh sẽ chăm sóc những cây này cẩn thận, đồng thời khống chế chiều cao của cây.
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội - ông Nguyễn Xuân Hưng cho biết thêm, trước mắt, công ty đang triển khai trồng thí điểm cây bàng lá nhỏ của Đài Loan trên phố Yên Lãng và Hoàng Cầu. Đặc tính của loại cây này là thân nhỏ, phát triển tán rộng, nếu có xảy ra gãy đổ cũng không làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình đường sắt trên cao.
Hàng trăm cây bàng lá nhỏ được trồng dưới gầm công trình đường sắt trên cao vào đêm 28/9. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Tuy nhiên, theo nhận định của TS. Đoàn Diễm – Hội Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, cho dù là bàng lá nhỏ hay bất cứ loại cây thân gỗ nào khác thì thành phố cũng cần có sự giải thích thỏa đáng về việc vừa chặt hạ cây thân gỗ rồi lại trồng mới. Hơn nữa, lại trồng cây ở vị trí mà được cho là “không giống ai”.
“Một loạt bàng lá nhỏ vốn dĩ là cây tạo bóng mát cho đường phố, khuôn viên, tăng mảng xanh… nhưng lại được thành phố cho trồng dưới gầm cầu thì tôi cũng không hiểu những hàng cây này sẽ phát huy tác dụng “che mát” như thế nào. Đó là còn chưa kể tới giai đoạn khi cây phát triển, có thể đạt chiều cao lên tới 30m thì cây sẽ chạm trần của cầu vượt đường sắt trên cao. Trong khi đó, nếu “khống chế” chiều cao của cây – thì ngoài việc làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng của cây, còn kéo theo một khoản chi phí không hề nhỏ cho việc cắt tỉa, bảo trì. Hơn nữa, đây là là loài cây ưa sáng, trồng ở khu vực như gầm đường sắt trên cao thì tốc độ sinh trưởng phát triển của cây sẽ ra sao…” – TS. Đoàn Diễm nêu nhận định.
Cũng theo chuyên gia lâm nghiệp Đoàn Diễm, nếu cho rằng mục đích của việc trồng hàng trăm cây bàng lá nhỏ nói trên là nhằm tạo ra cảnh quan đô thị xanh - sạch – đẹp thì các nhà chức trách cũng phải trả lời được câu hỏi tại sao, cách đây không lâu, hàng loạt cây cổ thụ ở khu vực lân cận công trình đường sắt trên cao lại bị chặt hạ. Nếu vấn đề này bị bỏ lửng thì chắc chắn sẽ khó tránh khỏi những băn khoăn, lo ngại, thậm chí nhiều ý kiến bất bình từ phía các cư dân trong thành phố.
Trước những nhận định có phần trái chiều giữa chuyên gia cây xanh đối với chủ trương của thành phố về vấn đề trên, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thêm nhiều ý kiến khác liên quan để đảm bảo tính có được những thông tin ghi nhận đa chiều.
Vũ Đậu