Tin mới

Hai bức ảnh bầu Kiên ở trại tạm giam gây bão

Thứ ba, 15/04/2014, 09:58 (GMT+7)

Đây là những hình ảnh đầu tiên ở trong trại tạm giam của "bầu Kiên" nên đã gây xôn xao dư luận.

Đây là những hình ảnh đầu tiên ở trong trại tạm giam của "bầu Kiên" nên đã gây xôn xao dư luận.

 

Thời gian gần đây, trên mạng Internet đang xôn xao về bức ảnh của Nguyễn Đức Kiên, tức "bầu" Kiên trong trại tạm giam. Đây là lần đầu tiên, mọi người được thấy hình ảnh của "bầu" Kiên ở trại tạm giam chứ không phải là những bức ảnh cắt cúp, ghi lại hình ảnh của ông Kiên trước đây được đăng kèm các bài viết liên quan đến vụ án của bị can.

Thực chất, bức ảnh đầu tiên đã được đăng trên Báo CAND số đặc biệt 19/8, trong bài viết: "Đấu tranh triệt phá tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng: Thấm đẫm mồ hôi và tâm sức". Bài viết phản ánh về chiến công của lực lượng Cảnh sát kinh tế trong việc điều tra, xác minh và bắt giữ Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn. Trong bài viết này, có một số chi tiết mà bạn đọc chưa từng được biết, như việc bắt giữ "bầu" Kiên được thực hiện như thế nào?

Tiếp đó, trong số báo Tết, chúng tôi đã đăng tải bài viết: "Cục Cảnh sát kinh tế - Ghi danh qua các "đại án" kinh tế". Trong bài viết này đã đề cập đến những nỗ lực của Cục Cảnh sát kinh tế trong việc hoàn thành xuất sắc các mặt công tác năm 2013, vinh dự được Chính phủ tặng "Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2013". Trong đó, nêu rõ thành tích của Cục Cảnh sát kinh tế trong việc ghi danh qua việc điều tra các "đại án" kinh tế như vụ Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Thị Bích Lương…

Cụ thể, vụ án Nguyễn Đức Kiên được phát hiện từ năm 2012, nhưng hành trình điều tra để kết luận một cách chính xác và thuyết phục vụ án cực kỳ phức tạp này đã "ngốn" hết hơn nửa năm 2013 nỗ lực của các điều tra viên, ghi danh là 1/10 "đại án" kinh tế được Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng chỉ đạo.

Trong bài viết này, chúng tôi đăng tiếp bức ảnh thứ hai về hình ảnh của bị can Nguyễn Đức Kiên đang trong một buổi hỏi cung của Cơ quan điều tra tại trại tạm giam. Xin khẳng định lại một lần nữa, đây là 2 bức ảnh thật sự, chụp bị can Nguyễn Đức Kiên trong các buổi hỏi cung tại trại tạm giam. Và đây là những hình ảnh đầu tiên ở trong trại tạm giam của "bầu Kiên" nên đã gây xôn xao dư luận. Bởi trong tất cả các bài báo từ trước đến nay về vụ án của "bầu" Kiên, tất cả các tác giả đều phải "cắt, cúp" các bức ảnh của "bầu" Kiên từ thời "hoàng kim", lúc thì đang tại một sân cỏ, lúc đưa vợ đi xem ca nhạc…

Theo tôi, có lẽ không tác giả bài viết nào thích đưa hình ảnh minh họa như vậy, nhưng tại những thời điểm đó và cho đến tận bây giờ, không một phóng viên nào có thể tiếp cận việc bắt giữ cũng như quá trình bị can bị tạm giam sau này. Bởi khâu "bí mật" luôn được Cơ quan điều tra đặt lên hàng đầu và là một trong những yếu tố thành công của vụ án.

bầu Kiên,trại giam,ảnh

bầu Kiên,trại giam,ảnh

Hai bức ảnh về bầu Kiên đã đăng trên báo CAND.

Những ngày ấy, với sự nhạy cảm của một "quái kiệt" trong giới kinh doanh tài chính, "bầu" Kiên cũng đã linh cảm có sự điều tra về việc làm ăn khuất tất của mình. Ông ta cũng đã chạy đến mọi mối quan hệ, kể cả với các ngành nội chính để thám thính xem đơn vị nào đang điều tra mình.

Thế nhưng, do việc điều tra của Cơ quan Công an quá bí mật nên "bầu" Kiên không nghe được bất cứ thông tin gì. Sau này, ông ta tâm sự với các điều tra viên thời gian đó, ông ta cũng thấy nóng ruột, thấp thỏm, nhưng vì hỏi đâu cũng thấy mọi người bảo không có, hoặc không thấy có việc điều tra về mình nên ông ta tặc lưỡi: "Chắc mình quá lo xa".

Một yếu tố thành công của Cơ quan điều tra chính là chọn đúng tội danh chắc chắn nhất để tiến hành khởi tố, bắt tạm giam "bầu" Kiên. Các tài liệu, chứng cứ chứng minh Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn phạm tội kinh doanh trái phép do Cơ quan điều tra thu thập được đã thực sự thuyết phục đại diện của 3 ngành Tư pháp trung ương trong cuộc họp chiều 20/8/2012.

Được sự nhất trí cao của 3 ngành, khoảng 17h cùng ngày, Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh đã ký quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Kiên về tội kinh doanh trái phép. Ngay sau đó, Viện KSND tối cao đã tiến hành phê chuẩn. Lúc này, các lực lượng tham gia bắt giữ đối tượng đã tập trung đầy đủ: gần 60 CBCS của Cục C46 và lực lượng Cảnh sát Cơ động của Bộ Công an chia làm 3 tổ.

Họ tập trung và nhận mệnh lệnh từ sớm để sẵn sàng làm một nhiệm vụ đặc biệt. Thời điểm chọn bắt đối tượng là vào khoảng 18 giờ 30 phút tại Ngân hàng ACB. Sở dĩ, Ban chuyên án chọn giờ này, là bởi lúc đó các cán bộ, nhân viên của ngân hàng đã về hết. Việc bắt giữ sẽ đảm bảo nhanh gọn, hiệu quả, không gây hoang mang dư luận.

18h, đúng theo nhận định, "bầu" Kiên kêu lái xe chở về trụ sở của Ngân hàng ACB. Các cán bộ, nhân viên của ngân hàng đã về hết, chỉ còn lại bộ phận bảo vệ. Không hề biết lực lượng Công an đang "chờ" mình, Kiên bệ vệ vào thang máy lên phòng làm việc trên tầng 3. Đúng giờ G, lệnh bắt Kiên được Ban chuyên án phát đi. Các lực lượng truy bắt vào vị trí làm nhiệm vụ. Cục trưởng Nguyễn Đức Thịnh trực tiếp có mặt tại chỗ chỉ huy.

Một bất ngờ xảy ra: khi các trinh sát chạy lên phòng làm việc của Kiên trên tầng 3, không thấy ông ta đâu cả. Đối tượng không thể có phép tàng hình, vì thế, theo lệnh của Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, tất cả lực lượng truy bắt khẩn trương di chuyển lên các tầng, kiểm tra từng phòng làm việc có cửa mở. Trên tầng 4 đèn tắt tối om, nhưng các trinh sát vẫn nhanh chóng phát hiện "ông bầu" Kiên đang nép vào một góc khi phát hiện bị Công an vây bắt.

Khi dẫn giải Nguyễn Đức Kiên xuống tầng 1 để làm các thủ tục bắt giữ, đi qua người chỉ huy cao nhất của lực lượng Công an ở đây (đồng chí Thịnh mặc thường phục), Kiên vẫn không hề hay biết, ông ta vẫn hỏi: Anh ở C nào? C nào bắt tôi đây?".

Theo CAND

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news