Tin mới

Hải chiến Gạc Ma: Mâm cơm 64 cái bát, đôi đũa quay mặt về hướng Đông

Chủ nhật, 13/03/2016, 21:00 (GMT+7)

Không giống những mâm giỗ khác thường đặt về hướng Tây, mâm giỗ của liệt sỹ Túy cùng đồng đội được cụ Dỏ đặt về hướng Đông...

Không giống những mâm giỗ khác thường đặt về hướng Tây, mâm giỗ của liệt sỹ Túy cùng đồng đội được cụ Dỏ đặt về hướng Đông...

28 năm đau đáu lời dặn của con

Một ngày giữa tháng 3, chúng tôi tới thăm nhà cụ Hoàng Dỏ (88 tuổi), thôn Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), cha của liệt sỹ Hoàng Văn Túy, 1 trong 64 liệt sỹ đã hy sinh anh dũng trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) vào năm 1988.

88 tuổi, ngỡ rằng cái tuổi đã khiến người ta quên đi nhiều thứ trong quá khứ, nhưng với cụ thì khác, câu chuyện về người con trai đã hy sinh cách đây 28 năm, vẫn được cụ nhớ như in.

“Túy nhập ngũ năm 1985. Trước khi hy sinh, Túy có về thăm nhà, ở lại đêm giao thừa rồi đi. Khi về nó có kể với tôi rằng, thủ trưởng hẹn nó đến ngày mùng 5 hoặc mùng 6 Tết (âm lịch) rồi về với thủ trưởng luôn, nhưng nó không chịu, nó bảo em muốn về trước, để được đón giao thừa trên quê hương của mình.

28 năm kể từ ngày con trai hy sinh, cụ Hoàng Dỏ vẫn đau đáu lời dặn ngày trở về của con.

Đến khoảng 18h ngày 30/12/1987 (âm lịch), nó về tới nhà rồi đi đón giao thừa với bạn, sáng hôm sau thì chào gia đình vào đơn vị luôn”.

Kể đến đây, giọng cụ Dỏ bỗng chựng lại, đôi mắt ngấn nước: “Nó dặn, còn 3 tháng nữa là hết nghĩa vụ, con sẽ về với ba mạ... Nhưng đến nay, đã 28 năm rồi nó không về nữa và lời dặn ấy vẫn luôn vang vọng bên tai tôi”.

Hiện, cụ Dỏ ở cùng người con trai út là anh Hoàng Văn Vũ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 28 tháng giêng, tất cả con, cháu trong gia đình lại tập trung về làm giỗ cho liệt sỹ Túy, mâm giỗ có khi chỉ có cơm với vài ba quả trứng vịt, hoa quả đơn giản, nhưng lần nào cụ cũng sắp đủ 64 cái bát, 64 đôi đũa cho anh Túy và đồng đội của anh.

Không giống những mâm giỗ khác thường đặt về hướng Tây, mâm giỗ của liệt sỹ Túy cùng đồng đội được cụ Dỏ đặt về hướng Đông. Cụ bảo, thằng Túy và 63 liệt sỹ khác đều đang nằm lại giữa biển sâu, mình đặt về hướng đó để gần gũi với các con hơn.

Kể từ ngày nhận tin con hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, lúc nào trong lòng cụ Dỏ cũng đau đáu tìm được hài cốt của con.

Đến năm 2004, thấy tuổi mình đã cao, cụ quyết định lập mộ gió trong nghĩa trang liệt sỹ của xã để qua lại thắp hương cho con.

“Cách đây vài năm, có người về gia đình xin lấy ADN để giám định thi hài của con, nhưng từ đó đến nay vẫn không có tin tức. Tôi vẫn tự nhủ lòng mình, đất nước Việt Nam ở đâu cũng là nhà, con nằm lại nghĩa trang cùng đồng đội, cũng có nghĩa con đang nằm trên quê hương của mình”, cụ Dỏ vừa nói, mắt vừa hướng về phía xa xăm.

Nước mắt ngày đón liệt sỹ về lòng đất mẹ

Liệt sỹ Trần Văn Quyết (SN 1967, thôn Nam Thủy, xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn) là con thứ 6 trong gia đình có 7 anh em, nhưng hiện nay, bố mẹ liệt sỹ đều đã mất, nên việc thờ cúng được giao cho người anh trai cả Trần Quang Phú (thôn Thượng, xã Quảng Thủy).

Cách đây vài năm, ông Phú không may bị tai biến mạch máu não nên sức khỏe giảm sút, chỉ ở nhà. Tuy vậy, khi nhắc về người em trai đã hy sinh của mình, ông Phú vẫn cố gắng gượng: “Ngày nhận tin em hy sinh, cả nhà tôi như chết lặng. Mẹ tôi từ một người khỏe mạnh, lành lặn, nhưng vì quá nhớ thương chú ấy mà đổ bệnh, ốm đau triền miên, khóc mù cả hai mắt”.

Gia đình ông Phú may mắn được đón hài cốt của em trai về quê mai táng.

Ngày còn sống, mẹ liệt sỹ Quyết lúc nào cũng mong ngóng tìm được hài cốt của con. Đến năm 2009, sau khoảng thời gian chờ đợi giám định ADN, gia đình vui mừng đón hài cốt của liệt sỹ về chôn cất tại nghĩa trang liệt sỹ xã Quảng Thủy. Tuy nhiên, lúc đó, cha mẹ của liệt sỹ Quyết đều đã mất...

“Hiện tại, chú Quyết được thờ chung cùng với bố mẹ ở ngôi nhà cũ mà khi còn sống chú ấy vẫn ở. Bây giờ, vì quá lâu rồi, ngôi nhà cũng đã xập xệ đi nhiều, anh em chúng tôi có nguyện vọng được tu sửa lại cho đàng hoàng nhưng lại chưa đủ điều kiện”, bà Trương Thị Thanh Dứ (vợ ông Phú) bùi ngùi cho biết.
Liệt sỹ Trương Minh Thương (SN 1964), thôn Thọ Hạ, xã Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn) nhập ngũ cùng một đợt với liệt sỹ Trần Văn Quyết, nhưng đến nay, hài cốt của liệt sỹ Thương vẫn chưa được tìm thấy.

Bà Trương Thị Bảo bên di ảnh liệt sỹ Trương Minh Thương.

Di ảnh của liệt sỹ Thương, cùng tấm Huân chương chiến công, bảng Tổ quốc ghi công được người thân của liệt sỹ treo trang trọng trong phòng khách, như nhắc nhở con cháu hãy noi theo tấm gương của người anh, người chú... đã anh dũng hy sinh vì chủ quyền biển đảo quê hương.

Mỗi lần cầm di ảnh của con, bà Trương Thị Bảo, mẹ liệt sỹ Thương lại khóc rấm rứt: “Trước lúc đi nó còn dặn dò đàn em ở nhà phải ngoan ngoãn, nghe lời mẹ dặn, lần này anh đi khoảng 3 – 4 tháng là xuất ngũ, rồi anh về với các em nhé. Từ ngày đó, lúc nào mấy đứa em cũng nhắc tên, mong ngóng anh trở về...”.

Ngô Huyền

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news