Nơi ấy, trên điểm trường đỉnh Piêng Luông, vào một ngày cuối đông lạnh giá, hình ảnh hai cô giáo cắm bản vì con chữ của trẻ em vùng cao khiến chúng tôi vô cùng xúc động.
Đoàn thiện nguyện chúng tôi đến Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An) vào một ngày cuối đông. Mưa phùn, sương phủ trên cung đường với những khúc cua tay áo giữa trùng điệp núi rừng khiến mỗi người thấm hơn cái lạnh sắc của mảnh đất vùng biên. Nhưng thấy ấm lòng hơn, khi chứng kiến dải biên cương của Tổ quốc đang khởi sắc từng ngày. Nơi ấy, trên điểm trường đỉnh Piêng Luông, hình ảnh hai cô giáo cắm bản vì con chữ của trẻ em vùng cao khiến chúng tôi vô cùng xúc động.
Học tiếng bản để “mua chuộc” phụ huynh
Hai cô giáo mà chúng tôi nhắc đến ở đây là cô Trương Thị Huy (SN 1959) và cô Vi Thị Quyết (SN 1961). Với mong muốn được mang ánh sáng của tri thức đến với đám trẻ người Mông, hai cô đã tình nguyện lên đỉnh Piêng Luông dạy học. Đây là điểm trường lẻ thuộc trường THCS Tri Lễ II, cách biên giới nước bạn Lào 20km.
Cô Quyết đang truyền con chữ cho các học trò. |
Hồi ức về những chặng đường gian nan hơn 40 cây số đường đèo từ nhà đến bản để dạy con chữ cho con em đồng bào dân tộc ở đây, các cô không khỏi xúc động khi nhớ về những lúc vất vả để giữ học sinh. Từ chuyện học tiếng bản để gần hơn với đồng bảo đến việc nài nỉ phụ huynh học sinh cho các em đi học, tới câu chuyện tìm cách giữ chân học sinh ở lại lớp để say mê học tập... Tất cả cứ như một bức tranh thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu từ những buổi vượt đường đèo đến vận động phụ huynh. Thế nhưng, ánh lên từ những vất vả đau thương ấy là nụ cười, là niềm vui hạnh phúc khi ngắm nhìn đàn trẻ chăm chỉ học hành, hồn nhiên nô đùa.
Trò chuyện với chúng tôi, cô Huy chia sẻ: "Không kể những khó khăn về khí hậu, đường sá, xa gia đình, việc vận động gia đình cho các em học sinh tới lớp và bất đồng ngôn ngữ là việc khó khăn nhất mà chúng tôi gặp phải”. Theo cô Huy, những ngày đầu, tập hợp được các em ở độ tuổi đi học đã khó, nhưng khi các em đến lớp, cô giáo miền xuôi dạy chữ phổ thông còn các em lại nói tiếng Mông, nên cô trò bất đồng ngôn ngữ. Cô nói mà trò cứ ngây ra, có những lúc cô giáo cảm thấy bất lực. Để giải quyết vấn đề, hai cô buộc phải tự học tiếng Mông. Tối tối, hai cô lặn lội vào bản tới nhà học sinh nói chuyện cùng gia đình, vừa để làm quen, vừa để học tiếng.
Tiếp lời cô Huy, cô Vi Thị Quyết tâm sự, ngoài việc dạy học tiếng phổ thông, chính các cô còn trở thành học trò, học tiếng Mông qua các em, nói cách khác là cô trò dạy nhau. Cô Quyết kể: “Ví dụ, với bảng hình lớp 1, chúng tôi chỉ vào đó dạy các em đọc theo tiếng phổ thông. Khi các em đã đọc thạo rồi thì nhờ các em chỉ lại vật đó và đọc bằng tiếng Mông để chúng tôi học và phát âm theo”.
Cứ như thế, các cô dần nói được tiếng Mông, học trò cũng dần hiểu tiếng phổ thông. Thế nhưng, hành trình “giữ chân” học trò đến lớp hoàn toàn không đơn giản. Đôi khi, các cô phải vượt hàng chục cây số đường núi vào bản thuyết phục nhưng phụ huynh từ chối thẳng thừng: "Tao không cho con tao đi học đâu. Nó phải ở nhà trông em, lên rẫy hái măng, thu lúa thì mới có cái ăn chứ. Đi học thì đôi chân không khoẻ, cái tay cũng không quen việc thì nhà tao đói".
Buồn, nhưng hai cô giáo vẫn động viên: "Phải cho chúng đi học cái chữ, không có cái chữ thì không có hiểu biết, không thể phát triển được, các em sẽ mãi trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo thôi". Gian nan chưa hết, nhiều khi đang đứng lớp, bỗng đâu phụ huynh học sinh lao thẳng đến “đòi con”. Chẳng biết ai xui, họ nằng nặc bắt con họ phải về đi rẫy đi nương, về lấy chồng.
“Cuộc chiến” giành học sinh giữa phụ huynh và giáo viên lại diễn ra. Có khi phụ huynh thắng, có khi cô giáo thắng. Không chấp nhận để học sinh mình mù chữ, hai cô đã bỏ bao công sức, nghĩ “trăm phương nghìn cách” để giữ lại học sinh, vượt quãng đường đèo cả chục cây số tìm đến sự giúp đỡ của chính quyền địa phương nhờ can thiệp. Dần dần khi dân bản đã hiểu được lòng cô giáo, đám trẻ lại đầy đủ đến trường.
Góc sinh hoạt hàng ngày của cô Huy và cô Quyết. |
Đưa trẻ đến trường đã khó, việc dạy trẻ con chữ càng khó hơn. Vì địa phương không có lớp mầm non, lại quanh năm lên rừng, lên rẫy với bố mẹ nên học sinh ở đây không được tiếp xúc với chữ nhiều như các em ở dưới xuôi. Cứ nghỉ học về nhà là các em lại đi rẫy hoặc nấu cơm cho bố mẹ chứ không học bài cũ. Thế nên, bài học hôm nay đã thuộc nhưng ngày mai cô giáo hỏi thì học sinh lại không nhớ.
Cô Huy chia sẻ: “Nhiều em hồn nhiên nói: Em quên mất rồi. Thế là, khắc phục tình trạng này, chúng tôi đành phải bắt đầu dạy lại bài cũ xong rồi mới tiếp tục dạy bài mới cho các em. Dù có lúc chỉ có 1 hoặc 2 em tới lớp nhưng cô giáo vẫn phải dạy”.
Giữ lửa từ những niềm vui nhỏ
Đỉnh Piêng Luông vốn được biết đến như nơi xa lạ với thư, “không quen biết” báo. Sóng điện thoại ở đây chập chờn có khi chỉ hiện tên mạng trong vài giây trên màn hình rồi vụt tắt. Người ta như bị cô lập giữa bạt ngàn rừng núi, nhiều khi muốn biết tin nhà cũng đành bó tay.
Với hai cô giáo, cuộc sống ở đây khó khăn đủ thứ. Không phải lúc nào người ta cũng có thể đi bộ 3 tiếng đường rừng để tới chợ, nên lắm khi bữa cơm của hai chị em chỉ loanh quanh năm, ba ngọn rau rừng quanh lớp. Kho thực phẩm của 2 cô là một mớ rau cải, một lọ nước mắm, vài bó măng rừng. Nước uống phải đi bộ hàng cây số mới tìm được. Nhiều khi, bận lên lớp không đi xách nước được, một xô nước phải dùng tiết kiệm tới 4 - 5 ngày chỉ để nấu ăn và đun uống.
"Tắm giặt là điều hơi xa xỉ với chúng tôi. Đôi khi áo quần có đứt cúc, nếu hết chỉ hoặc không có cúc thay thế thì cũng đành chịu, phải lấy dây buộc tạm. Thế nhưng vẫn còn hạnh phúc lắm. Có nhiều học sinh còn vất vả hơn cô giáo, mùa rét căm căm mà có em đi chân đất, có em không có áo để mặc", cô Quyết tâm sự.
Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) hay ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), đôi lúc hai cô không khỏi cảm thấy chạnh lòng. Thế nhưng, bù đắp lại là tấm chân tình của những học sinh, phụ huynh vùng cao. Với các cô, những người gieo con chữ, niềm vui đó không thể đo đếm được.
Cô Huy tâm sự: "Ngày 20/11, có em học sinh đến xòe tay ra để lộ một quả chuối và bảo độc một chữ: "Này". Chúng tôi vừa thương vừa buồn cười, các em học sinh ở đây là như thế, không hoa hòe hoa sói như một số nơi khác”. Cô Quyết kể thêm: "Hạnh phúc lớn nhất là có những khi trời mưa, nhiều em học sinh dắt nhau tới lớp dù đường ướt trơn trượt, tới được lớp thì lấm lem, ướt như chuột lột. Những lúc ấy tôi thấy vui vì hiểu ra được các em đã có ý thức học chữ, đã biết yêu con chữ, lớp học".
Vừa dứt lời, cô Huy vụt chạy ra sân ngó nhanh vào màn hình chiếc điện thoại di động đang treo lủng lẳng trên dây phơi rồi quay vào thất vọng nhìn cô Quyết: "Chẳng có cái gì chị ạ". Cô trầm giọng: "Lâu lắm rồi mới có người xuôi lên thăm. Cả nửa buổi trò chuyện mà sao nhanh thế”... Tiếng thở dài buông thõng sau ánh mắt xa xăm.
Dân bản ghi nhận công lao của các cô
Sau chuyến công tác, chúng tôi có cơ hội gặp lại thầy Hiệu trưởng trường THCS Tri Lễ II, thầy Lê Văn Lâm. Nói về hai cô giáo cắm bản, thầy Lâm cho biết: “Để nói về đóng góp với sự nghiệp giáo dục tại địa phương, thật sự không thể không nhắc đến cô Huy và cô Quyết. Không phải người địa phương, các cô phải vượt quãng đường đèo núi rừng hiểm trở 40km để đến với bản, ở lại bản dạy chữ cho các con. Qua bao khó khăn vất vả, các cô vẫn luôn tìm cách vượt lên để đến gần hơn với dân bản, học tiếng bản địa để thuyết phục cha mẹ học sinh cho các em đến trường. Bao nhiêu năm qua, rất nhiều học sinh nhờ sự tận tâm của các cô mà nên người. Có em giờ đã là sinh viên đại học có tiếng của tỉnh. Dân bản ở vùng núi này ghi nhận công lao đóng góp của các cô rất nhiều”.
Thanh Hiên