Triều cường đợt này ở TP. HCM khả năng đạt đỉnh vào ngày 7 và 8/11, lên mức 1,62-1,67 m (vượt báo động 3).
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện mực nước sông Cửu Long và sông Sài Gòn đang lên trở lại theo kỳ triều cường.
Ngày 4/11, mực triều cường ở vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai tại trạm đo Nhà Bè là 1,47 m; trạm Phú An là 1,48 m; trạm Vũng Tàu là 4 m.
Từ 16h chiều 9/10, triều cường làm nhiều tuyến đường như Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh (quận 7)... ngập sâu hơn nửa mét. Hàng loạt xe chết máy, giao thông ùn tắc. (Ảnh: VnExpress) |
Trong những ngày tới, mực nước sông Cửu Long, sông Sài Gòn tiếp tục lên theo triều và có khả năng đạt mức cao nhất vào ngày 8/11.
Tại trạm Phú An và Nhà Bè có thể lên mức 1,62-1,67 m (vượt báo động 3). Sau khi đạt đỉnh, mực nước cao này còn kéo dài thêm nhiều ngày rồi mới xuống.
Mức độ rủi ro do triều cường cũng được nâng lên cấp độ 3. Vùng ven sông tại TP. HCM, Cần Thơ, Vĩnh Long có nguy cơ xảy ra ngập ở các vùng trũng thấp, sạt lở đê bao.
Theo Tri thức trực tuyến, đầu tháng 10/2018, triều cường dâng cao gây ngập kéo dài ở một số quận, huyện ở TP. HCM, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của hàng nghìn người dân. Đỉnh triều cao nhất vào ngày 10/10 tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn ở mức 1,64 m.
Các tuyến đường như Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), Hồ Học Lãm, đường số 1 (quận Bình Tân)… ngập sâu do triều cường vượt mức báo động 3.
Còn tại miền Tây, lũ cùng đợt triều cường cao nhất trong gần nửa thế kỷ khiến hàng loạt đê bao bị vỡ, nhiều nhà dân cùng hàng nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp chìm trong biển nước. Theo các chuyên gia, tình trạng ngập lụt ở miền Tây sẽ ngày càng trầm trọng.
Trang Vũ (tổng hợp)