Mặc dù sống lo chạy vạy từng bữa cơm nhưng vợ chồng ông Đương bà Bé lại luôn biết nghĩ cho người khác, ông nghĩ có chết đi cũng phải chết cho ý nghĩa.
Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Ngọc Đương (90 tuổi ngụ ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) để tìm gặp hai ông bà ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, có tấm lòng sống vì người khác.
Ông “mặt trận” gánh nước thuê
Trong căn nhà nhỏ, lụp xụp nằm ngay góc đường, thứ tài sản quý giá nhất của vợ chồng ông Đương và bà Nguyễn Thị Bé có lẽ là hai lá đơn tự nguyện hiến xác cho khoa học và lá cờ Tổ quốc được treo trang trọng. Bên cạnh đó là những bức hình gia đình đã ngả màu nhưng được ông bà giữ gìn cẩn thận.
Ông Đương bà Bé luôn vui vẻ hạnh phúc bên nhau |
Nhấp ngụm trà ông Đương chia sẻ với chúng tôi về cuộc đời của ông, về những thăng trầm trong cuộc sống mà ông từng trải qua. Ông cho biết, quê ông sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Thừa Thiên Huế. Lớn lên ông cùng bạn bè tham gia vào quân ngũ, sau những năm tháng chiến đấu, trong một trận đánh ông bị thương ở đầu nên sau đó đã xuất ngũ.
Một thời gian sau ông Đương quyết định lấy một cô gái cùng làng đó là bà Bé, người đã chờ đợi ông suốt nhiều năm ông tham gia quân ngũ. Cả hai vợ chồng ông Đương lần lượt chào đón 4 người con, cuộc sống gia đình cứ thế trôi qua nhưng cho đến một ngày, bất ngờ trận hỏa hoạn ập đến.
Nhà thời đó chỉ là nhà tranh vách đất nên mọi giấy tờ, sổ sách ghi chép,… đều bị lửa thiêu rụi nhanh chóng. Vì vậy mặc dù đã tham gia chiến đấu nhưng ông mất hết mọi quyền lợi của mình do không còn bất kỳ giấy tờ gì để chứng minh.
Những năm sau đó, cuộc sống gia đình quá khó khăn, vợ chồng ông làm không đủ nuôi 6 miệng ăn nên đến năm 1978 cả nhà ông khăn gói vào Đồng Nai lập nghiệp. Chân ướt chân ráo đến nơi ở mới, không nghề nghiệp nên hàng ngày vợ chồng ông đành đi gánh nước thuê để bán cho các sạp ở chợ kiếm tiền nuôi các con.
Về sau con cái ông bà cũng đến tuổi nên được dựng vợ gả chồng còn hai ông bà vẫn lủi thủi ra vào căn nhà cũ xưa. Cũng do cuộc sống ngày càng hiện đại nên nghề gánh nước của ông bà cũng không còn là “thời thượng” nữa nên ông bà Đương bị thất nghiệp và từ đó phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của các con.
Bên cạnh đó dù thiếu thốn, ông Đương vẫn tích cực tham gia công tác mặt trận để nghe tâm tư nguyện vọng của bà con. Mỗi ngày ỗng vẫn tích cực đến gõ cửa từng nhà, hỏi ý kiến mọi người, xem ai cần trình bày hay có nguyện vọng gì nên vì vậy ông luôn được người dân yêu mến và kính trọng.
Đến nay do tuổi đã cao, sức yếu, đi lại khó khăn nên ông không còn làm được công tác mặt trận nữa. Nhưng khi nhắc đến ông ai cũng gọi với cái tên thân mật là ông “mặt trận”.
Đôi dép trường sơn thứ ông Đương rất quý |
Hai vợ chồng cùng hiến xác
Dù phải sống cảnh chạy vạy từng bữa ăn nhưng tấm lòng của ông bà thật sự cao quý, có tấm lòng dâng hiến cho khoa học. Qua nghiên cứu cũng như tìm hiểu từ sách báo thì ông Đương biết được những khó khăn trong ngành y vì thế ông bàn với vợ, con để mình đi hiến xác cho khoa học tại BVĐH Y dược ở TP.HCM.
Sau một hồi bàn tính thì con cái đồng thuận với ông. Ngoài ra cả vợ ông cũng muốn hiến xác nên hai vợ chồng ông Đương ra xã nhờ cán bộ Mặt trận xã tìm hiểu các thủ tục tự nguyện hiến xác và sau đó những người cán bộ này đã đưa ông, bà lên Trường Đại học Y dược TP.HCM để làm thủ tục.
Bà Bé nhớ lại: “Khoảnh khắc nhận được tờ giấy chứng nhận tham gia hiến xác cả hai vợ chồng tôi vô cùng phấn khởi, khóc vì ước nguyện của mình đã thành hiện thực, chúng tôi có thể sống vì mọi người, chết vì nhân loại được rồi”.
Hai lá đơn được treo trang trọng |
Ông Đương chia sẻ “Bao nhiêu ngành nghề đều có những cơ hội để thực hành, tiếp xúc với thực tế nhưng đối với ngành y, nhất là bộ môn giải phẫu, việc được thực hành trên chính thân thể con người là hiếm nên cũng phần nào đó khó khăn cho những sinh viên y khoa.
Những trăn trở ấy đã thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó cho khoa học, cho ngành y. Tôi nghĩ chúng ta không phải chỉ sống cho riêng mình được, bởi còn rất nhiều người cần chúng ta. Chết là hết, là về với cát bụi nhưng phải chết thế nào cho có ý nghĩa, chết nhưng vẫn còn làm được những điều có ích cho xã hội”.
Nguyễn Nhâm