Thay vì trừng phạt, giáo dục và hỗ trợ cho người chưa thành niên phạm luật sẽ có hiệu quả phòng ngừa tái phạm cao hơn.
Ngày 25/2, tại UBND quận 1 (TP.HCM), các ban, ngành đã tổ chức hội thảo triển khai kế hoạch hỗ trợ người chưa thành niên (NCTN) vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng.
Đây là chương trình nằm trong kế hoạch hỗ trợ NCTN vi phạm pháp luật do UBND TP phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) triển khai tại quận 1 và quận Bình Thạnh.
Theo báo cáo của VKSND quận 1, trong năm 2013, địa bàn quận có 27 bị can là NCTN phạm các tội như cố ý gây thương tích, công nhiên chiếm đoạt tài sản, cướp giật tài sản và có cả chống người thi hành công vụ. Với NCTN vi phạm pháp luật nói chung thì số lượng này nhiều hơn.
Chăm sóc, giáo dục những trẻ có nguy cơ vi phạm pháp luật cũng là một khâu quan trọng trong kế hoạch giúp đỡ NCTN phạm luật. Trong ảnh: Trường Thiếu niên thành phố, nơi có nhiều trẻ chưa ngoan đang được chăm sóc sức khỏe.
Với phương châm phòng ngừa là chính, quận đã cho các phường rà soát số liệu trẻ em có nguy cơ vi phạm pháp luật, trẻ chưa ngoan. Các em này thường sống trong những gia đình có cha mẹ ly hôn, cha mẹ phạm tội, gia đình có bạo hành… “Quận đã đưa các em này cùng với những em đã vi phạm pháp luật đi thăm trường Giáo dưỡng số 4 và tham gia hoạt động hướng nghiệp dạy nghề tại trường Nghiệp vụ nhà hàng dành cho trẻ em đường phố, các lớp Kỹ năng sống để các em có định hướng sống đúng đắn. Không chỉ các em, 40 bà mẹ có con chưa ngoan cũng được mời tham dự lớp sinh hoạt kỹ năng thể hiện tình cảm trong gia đình để họ biết cách gần gũi, quan tâm giáo dục con cái” - bà Phạm Thị Thu Giang, Phó phòng LĐ-TB&XH quận 1, cho biết.
Ông Trần Công Bình, đại diện cho UNICEF, cho rằng NCTN khi vi phạm pháp luật cần được xử lý khác so với người đã trưởng thành. NCTN có biến động lớn về hormone và tình cảm. Điều đó khiến họ xử sự bốc đồng. Họ cố gắng tỏ ra người lớn, chứng tỏ sự độc lập, dễ chấp nhận rủi ro và dễ bị bạn bè gây áp lực. “Những người trẻ này đang trong quá trình hình thành nhân cách, khả năng phục hồi nhân cách cao hơn so với người trưởng thành. Thay vì đơn thuần trừng trị, các biện pháp giáo dục, phục hồi sẽ có khả năng phòng ngừa tái phạm cao hơn” - ông Bình lý giải việc cần thiết phải hỗ trợ cho NCTN phạm luật.
ận Bình Thạnh là phát triển các dịch vụ hỗ trợ khi giáo dục NCTN phạm luật tại cộng đồng, hạn chế việc lạm dụng biện pháp tạm giam đối với NCTN, tránh tình trạng giam giữ chung NCTN với người thành niên…
Ông Đặng Hoa Nam, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), nhận định việc triển khai thực hiện kế hoạch và mô hình tại quận 1 và Bình Thạnh đã góp phần vào việc triển khai hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em và NCTN tại TP và trên phạm vi toàn quốc. Kế hoạch không chỉ tác động đến trẻ em vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến trẻ em khác tham gia vào các quá trình tư pháp như: Trẻ em là nạn nhân, nhân chứng, người có liên quan.