Tin mới

Hàng chục cây muồng đen 'biến mất': 'Chặt nhầm' gỗ quý nhóm 1?

Thứ bảy, 04/04/2015, 14:10 (GMT+7)

Hàng chục cây muồng đen xanh tốt khỏe mạnh, nằm trong danh mục gỗ nhóm 1 bỗng nhiên nhận “giấy báo tử” và thay vào đó là những cây Sưa non.

Hàng chục cây muồng đen xanh tốt khỏe mạnh, nằm trong danh mục gỗ nhóm 1 bỗng nhiên nhận “giấy báo tử” và thay vào đó là những cây Sưa non.

Như thông tin PV đã đưa trước đó về việc hàng chục cây muồng đen quý trên đường Giảng Võ trước cửa Bộ Y tế “không cánh mà bay”, thay vào đó là những cây Sưa trắng non trơ trụi lá.

Chú Nguyễn Hữu Trung (56 tuổi) là bảo vệ của Phòng khám mắt ngay cạnh Bộ Y tế cho biết: "Ngay sau Tết Nguyên Đan chúng tôi đi làm thấy người ta đang rục rịch chặt hạ các cây ở đây rồi, trong khi chúng vẫn còn xanh tốt. Có cây to vừa ôm tay người thế nhưng cũng đều bị chặt hạ.

Chúng tôi hàng ngày ở đây nên cũng tiếc lắm. Nhưng họ bảo đây là chỉ đạo từ bên trên nên chúng tôi cũng không có ý kiến gì. Giờ nhìn hàng cây mới trơ trụi lá, cây chết, cây sống mà nao lòng. Đến bao giờ mới có được hàng cây xanh mát như trước”.

Cây muồng đen xanh tốt được thay bằng cây Sưa trắng trơ trụi lá.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sơn (Trưởng phòng Quản Trị, Bộ Y tế) cho biết: “Mặc dù hàng cây ở ngay phía trước cửa Bộ Y tế tuy nhiên không thuộc phạm vi quản lý của Bộ nên cả nhân viên bảo vệ và lãnh đạo cơ quan cũng không hay biết gì về thông tin cây xanh bị chặt”.

Ông Sơn cũng cho biết thêm: “Hàng cây phía trước cửa Bộ Y tế là do công ty cây xanh quản lý nên phía Bộ cũng không nắm được họ chặt từ khi nào”.

Để làm rõ thêm về vấn đề này, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khánh Xuân, nguyên Viện phó Viện Quản lý Rừng bền vững và Chứng chỉ rừng.

Ông Xuân cho biết: “Cây muồng đen (tên khoa học là Cassia siamea), hiện trên địa bàn Hà Nội còn trồng ở những con phố như: phố Đinh Tiên Hoàng, Bà Triệu, Điện Biên Phủ, Giảng Võ... Tất cả các cây này đều đã được đánh số, đóng biển tên để quản lý.

Việc để thất thoát hàng chục cây muồng đen cần phải xem lại công tác quản lý, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bảo tồn các giống cây quý.

Theo khảo sát của ông Xuân, hàng cây muồng đen có tuổi thọ hơn 100 năm ở trước cửa Bộ Y tế mới đây đã bị đốn chặt và thay thế bằng nhưng cây Sưa mới 10 – 15 năm tuổi. Các cây muồng đen này được xếp vào nhóm gỗ I.

Ông Nguyễn Khánh Xuân đi khảo sát thực nghiệm các cây Muồng đen còn sót lại trên đường Giảng Võ.

Theo khảo sát của ông Xuân, có đến 16 cây muồng đen bị chặt hạ và thay vào đó là các cây Sưa trắng non chưa kịp bén rễ, ra tán. Nếu như hành động này không được ngăn chặn và phát hiện những sai phạm kịp thời sẽ làm giàu cho một nhóm tư lợi.

Ông Xuân khẳng định: “Các cây này được trồng từ thời Pháp thuộc và chính tôi là người đã từng liệt kê, nghiên cứu các loại cây trên địa bàn Thủ Đô nên tôi nắm rất rõ.

Các cây muồng đen này thuộc diện quản lý của Chính phủ và chỉ bị đốn hạ trong trường hợp bị sâu bệnh. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì chúng được thay thế một cách ngang nhiên bằng cây Sưa trong khi không hề có sâu bệnh. Điều đáng nói, sự việc trên diễn ra cách đây gần một tháng mà vẫn chưa có sự can thiệp nào từ cơ quan chức năng.

Việc chặt hạ những cây mục rỗng, sâu bệnh là việc làm thường xuyên của các đơn vị quản lý cây xanh nhằm tránh gây tai nạn đáng tiếc trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, chính những cây khỏe mạnh vô tình tình trở thành nạn nhân cho một số kẻ trục lợi.

Hàng muồng đen xanh tốt nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng.

Những cây gỗ muồng đen và cây Sưa trắng có giá trị kinh tế chênh lệch nhau rất lớn nên việc chặt hạ các cây Muồng đen có tuổi đời hàng trăm năm thay bằng các cây Sưa trắng non sẽ nảy sinh ra nhiều nghi vấn như: Ai là người ra quyết định chặt cây?. Những cây bị chặt được tiêu thụ như thế nào, đơn vị nào quản lý?... Vậy nên, đừng cố tình chặt nhầm gỗ quý”, ông Xuân nhấn mạnh.

Hiện vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm về sự việc này. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc trong thời gian tới.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news