Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, việc tố cáo hành vi bất minh trong kê khai tài sản là có nhưng không nhiều, hàng năm chỉ vài ba người.
Ngày 24/12 UBND TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, nội dung được các báo Người lao động, Dân trí, Tri thức trực tuyến đưa tin.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Ảnh Internet |
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị về ý kiến cho rằng việc kê khai tài sản trong cán bộ công chức có sự bất minh, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, việc tố cáo hành vi bất minh trong kê khai tài sản là có nhưng không nhiều, hàng năm chỉ vài ba người.
"Năm 2015, 5 người với hành vi kê khai tài sản bất minh được xử lý. Năm tới việc kê khai tài sản cần phải rõ ràng hơn, có giải pháp mạnh mẽ, chế tài đầy đủ hơn thì mới khắc phục được tình trạng này", Tổng Thanh tra Chính phủ nói.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, lĩnh vực được cho là tham nhũng phức tạp, nhạy cảm nhất là quản lý xây dựng đất đai, quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý đầu tư công về sử dụng ngân sách nhà nước, công tác cán bộ.
Dư luận cũng đề cập nhiều tới biểu hiện tham nhũng ngày càng tinh vi, được che chắn, tiềm ẩn dưới hình thức như lợi ích nhóm. Đề cập đến vấn đề này, dẫn nguồn báo Người lao động, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nêu rõ:
Trong hoạt động các cơ quan nhà nước. Biểu hiện lợi ích nhóm được thể hiện khi xảy ra một số vụ án thì có sự liên kết chặt chẽ một nhóm đông người, có thể cùng một cơ quan tổ chức hay nhiều cơ quan tổ chức khác nhau. Những người này kết lại thành một khối để tạo ra lợi ích nhóm.
Trong hoạt động của ngân hàng. Ở lĩnh vực này, lợi ích nhóm biểu hiện rõ ràng nhất. Điển hình như các vụ án đang xử đây là biểu hiện của lợi ích nhóm rất rõ như vụ án của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh 2, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong báo cáo của Ngàn hàng Nhà nước năm 2015 cũng nói rõ điều này.
Biểu hiện lợi ích nhóm trong xây dựng cơ chế Chính sách, muốn làm sao thực hiện có lợi cho ngành mình, địa phương mình hay cho lợi ích nhóm của mình.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng thừa nhận, tình hình phòng, chống tham nhũng, truy tố, xét xử, thi hành án, giám định tư pháp còn chậm, chưa đạt yêu cầu. “Trên thực tế tham nhũng ngày một tinh vi, được che chắn, tiềm ẩn dưới nhiều hình thức lợi ích nhóm hoặc chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài. Trong những vụ việc phát hiện tham nhũng có biểu hiện của lợi ích nhóm rất tinh vi, thậm chí cấu kết chặt chẽ tạo ra lợi ích nhóm từ việc xây dựng cơ chế chính sách để làm lợi cho một số người có chức vụ, quyền hạn”, dẫn nguồn báo Dân trí, ông Phong cho biết.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tham nhũng đang trở thành nguy cơ chính đe dọa sự ổn định chính trị, sự tồn vong của chế độ; xói mòn giá trị dân chủ, giá trị đạo đức, công lý xã hội và cản trở đến việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Tham nhũng để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, gây thiệt hại cho người dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.
K. Duy (tổng hợp)